Người đàn ông đột quỵ nguy kịch sau khi nhờ chị ruột giác hơi

Sau khi nhờ người chị ruột làm giác hơi tại nhà, bệnh nhân phải nhập Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng ý thức lơ mơ, mất ngôn ngữ toàn bộ, liệt hoàn toàn nửa người phải.

Ngày 4/6, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) cho biết, các bác sĩ của bệnh viện này vừa cứu chữa thành công một trường hợp đột quỵ nguy kịch, nguyên nhân xuất phát từ việc điều trị giác hơi không an toàn tại nhà.

Cụ thể, bệnh nhân N.V.S. (35 tuổi, ngụ tại TPHCM), tiền sử khỏe mạnh. Bệnh nhân nhập khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng ý thức lơ mơ, mất ngôn ngữ toàn bộ, liệt hoàn toàn nửa người phải. Bệnh viện lập tức kích hoạt quy trình báo động đột quỵ.

Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não bán cầu trái giờ thứ 2 do tắc động mạch cảnh trong trái và động mạch não giữa trái bởi huyết khối.

Ngay lập tức, các bác sĩ truyền thuốc ly giải huyết khối (thuốc tiêu sợi huyết) qua đường tĩnh mạch, song song đó chuyển bệnh nhân lên phòng can thiệp mạch khảo sát và xử lý sang thương theo đường động mạch. Sau gần 1 giờ đồng hồ nỗ lực, các mạch máu bị tổn thương được khơi thông và sửa chữa, não được tái tưới máu.

Ê-kíp bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Trần Chính

Ê-kíp bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Trần Chính

TS.BS Tạ Vương Khoa - Trưởng ê-kíp can thiệp mạch (Đơn vị can thiệp thần kinh, khoa Nội thần kinh) cho biết, đây là trường hợp đột quỵ rất nặng và phức tạp, thuộc dạng ca lâm sàng hiếm gặp trên thế giới.

Phân tích hình ảnh học mạch máu kỹ thuật số xóa nền (DSA) cho thấy động mạch cảnh trong bên trái đoạn cổ bị bóc tách bị rách, lóc dần lên trên và tách rời với lớp áo giữa (trung mạc) bởi tác động liên tục của dòng máu áp lực cao. Tính mạng bệnh nhân bị đe dọa nghiêm trọng, các bác sĩ phải chạy đua với thời gian cứu chữa người bệnh.

Ngay sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục được điều trị nội khoa tích cực tại khoa Nội thần kinh. Chưa đầy 48 giờ sau, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn ý thức và sức cơ. 10 ngày sau đó, chức năng ngôn ngữ nhận thức (ngôn ngữ Wernicke) hồi phục hoàn toàn, chỉ còn một vài khiếm khuyết chức năng ngôn ngữ vận động (ngôn ngữ Broca) và đang trong lộ trình điều trị âm ngữ trị liệu phục hồi chức năng.

Điều đáng nói trong trường hợp bệnh nhân này là giác hơi liệu pháp, một phương pháp trị liệu có từ lâu đời và được sử dụng rất phổ biến trong dân gian, lại là nguyên nhân trực tiếp gây bóc tách động mạch cảnh trong.

Được biết, bệnh nhân có thói quen nhờ người chị ruột làm giác hơi tại nhà mỗi khi đau lưng, đau vai gáy, lần thực hiện gần nhất là buổi chiều hôm trước ngày bị đột quỵ. Dấu tích dụng cụ giác hơi vẫn còn in hằn trên da vùng cổ bên trái của bệnh nhân khi nhập viện. Hai động mạch cảnh trong, một bên phải và một bên trái, là các động mạch quan trọng dẫn máu từ tim lên não.

Theo TS.BS Tạ Vương Khoa, sang chấn tác động từ bên ngoài vào vùng cổ. Từ các sang chấn có lực tác động mạnh như tai nạn giao thông hay đả thương cho đến các sang chấn tưởng chừng vô hại như động tác mát-xa vùng cổ, đều có thể gây chấn thương cho động mạch cảnh trong, nghiêm trọng nhất là gây bóc tách động mạch dẫn đến đột quỵ mà phần lớn là đột quỵ nhồi máu não.

Bóc tách động mạch cảnh trong tuy là nguyên nhân hiếm gặp của nhồi máu não trong dân số chung (tỉ lệ chỉ khoảng 2.5%) nhưng lại là nguyên nhân hàng đầu (tỉ lệ khoảng 20%) của nhồi máu não ở người trẻ dưới 40 tuổi.

Diễn biến đến đột quỵ ở bệnh nhân sau bóc tách động mạch cảnh trong do chấn thương rất khó đoán định, có thể xảy ra sớm trong vòng 24 giờ đầu nhưng cũng có thể diễn biến thầm lặng, vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau mới xảy ra mà không có triệu chứng gì cảnh báo trước, hoặc nếu có cũng chỉ là các triệu chứng mơ hồ, gây khó khăn cho việc chẩn đoán sớm để điều trị dự phòng.

Nhìn chung, đột quỵ do bóc tách động mạch cảnh trong sau chấn thương thường là dạng đột quỵ nặng, tử vong theo một số nghiên cứu lên đến 40% nếu không được kịp thời điều trị.

Trong khi đó, nguyên lý của liệu pháp giác hơi là tạo áp suất âm trong những chiếc cốc chuyên dụng gắn trên da để sinh lực hút, lực hút có thể rất mạnh tùy theo kỹ năng hoặc mong muốn của người điều trị và người được điều trị. Bác sĩ khuyến cáo tránh đặt trên những vùng cơ thể có da và cơ mỏng, mạch máu đi nông nhằm tránh nguy cơ gây sang chấn mạch máu.

"Thông qua ca bệnh này, chúng tôi muốn cảnh báo đến cộng đồng về những rủi ro, tai nạn rình rập ngay bên cạnh chúng ta trong đời sống sinh hoạt thường nhật, không nên chủ quan xem thường. Chúng tôi từng tiếp nhận nhiều trường hợp đột quỵ, bao gồm các trường nguy kịch do chấn thương gây bóc tách động mạch vùng cổ, cả động mạch cảnh trong lẫn động mạch đốt sống. Đó là động tác "bẻ cổ" của người thợ hớt tóc, người nhân viên mát-xa… cho khách hàng của mình, hoặc đơn giản chỉ là động tác xoay lắc, gập ưỡn cổ quá mức của chính người bệnh. Do vậy, mỗi người cần biết tự trang bị kiến thức và nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình", TS.BS Tạ Vương Khoa chia sẻ.

Kim Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-ong-dot-quy-nguy-kich-sau-khi-nho-chi-ruot-giac-hoi-169240604135743317.htm