Người đàn ông Italy vượt cửa tử sau 90 ngày được can thiệp ECMO

Ngày xuất viện, ông Luca bật khóc nức nở, ôm chặt vợ và 2 con sau hơn 3 tháng điều trị Covid-19 tưởng chừng không thể sống.

Giữa tháng 12/2021, ông Luca (57 tuổi, quốc tịch Italy, sống tại Hóc Môn, TP.HCM) phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, sau đó chuyển biến nặng. Người đàn ông nguy kịch do cơn bão cytokine và rơi vào hôn mê suốt nhiều tháng.

70 ngày vượt cửa tử

Bệnh nhân Luca có tiền sử tăng huyết áp, đã tiêm 2 mũi vaccine. Khi được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), người đàn ông vẫn tỉnh táo nhưng khó thở, SpO2 chỉ còn 80%, mạch nhanh, huyết áp tăng.

Phổi của bệnh nhân lúc này cũng đông đặc cả 2 bên do cơn bão cytokine. Các bác sĩ lập tức cho bệnh nhân thở oxy dòng cao (HFNC) với lưu lượng oxy tối đa. Song song đó, người đàn ông cũng được sử dụng kháng virus Remdesivir, kháng đông, corticoid và lọc máu hấp phụ theo phác đồ.

Tuy nhiên, sau 5 ngày nhập viện, tình trạng người bệnh tiếp tục diễn biến xấu, suy hô hấp cấp.

"Chúng tôi cho bệnh nhân thở máy xâm nhập nhưng đoán chắc khả năng không cải thiện, do đó, biện pháp cuối cùng được đặt ra để giữ được mạng sống cho Luca là can thiệp ECMO, song song duy trì thở máy bảo vệ phổi, kháng sinh", bác sĩ Ân chia sẻ.

 Bệnh nhân Covid-19 nguy kịch được chăm sóc tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân Covid-19 nguy kịch được chăm sóc tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: BVCC.

Tuy nhiên, quá trình ECMO không suôn sẻ khi bệnh nhân Luca xuất hiện biến chứng rối loạn đông máu kèm kháng heparin. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân còn bị viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn đa kháng bệnh viện.

Các bác sĩ phải sử dụng kháng sinh, truyền globulin miễn dịch, kháng đông thế hệ mới rất đắt, bù chế phẩm bổ sung yếu tố đông máu, để kiểm soát được tình trạng này.

Sau 70 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân dần cải thiện, cai được ECMO, tự thở oxy qua ống mở khí quản, tập phục hồi chức năng.

"Ngày thứ 93 nằm viện, chúng tôi quyết định cho bệnh nhân Luca xuất viện. Tình trạng bệnh nhân ổn định, tiếp xúc tốt, tự thở khí trời, có thể đi lại, sinh hoạt nhẹ nhàng", bác sĩ Vũ Đình Ân vui mừng thông báo.

Đoàn tụ

Phân tích nguyên nhân khiến ông Luca rơi vào tình trạng nguy kịch dù tiêm 2 mũi vaccine, bác sĩ Vũ Đình Ân cho biết thời điểm 2021, biến chủng Delta chiếm ưu thế ở TP.HCM và có độc lực cao, gây bệnh nặng.

Do đó, dù tiêm 2 mũi vaccine, ông Luca có bệnh nền huyết áp và trở nặng vào ngày thứ 4 của bệnh. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác như ông Luca, với cơ địa người nước ngoài, nên sức đề kháng thường kém hơn.

Đây cũng là trường hợp người nước ngoài có tình trạng nặng nhất từ trước đến nay tại Bệnh viện Quân y 175.

Với bác sĩ Ân, mỗi bệnh nhân Covid-19 tại phòng hồi sức tích cực là một câu chuyện cảm động về nghị lực sống.

Trong mắt các bác sĩ, điều dưỡng ở Trung tâm Điều trị Covid-19, ông Luca, ở tuổi 57, nhưng vẫn yếu đuối, hay khóc và dễ xúc động. "Khi bệnh nhân vừa tỉnh dậy, nhận thức được vấn đề, gọi điện thoại về cho gia đình, ông ấy đã bật khóc nức nở", bác sĩ Ân kể.

Ông Luca bật khóc, ôm chặt vợ con sau hơn 3 tháng xa cách. Ảnh: Bích Huệ.

Ông Luca bật khóc, ôm chặt vợ con sau hơn 3 tháng xa cách. Ảnh: Bích Huệ.

Biết tâm lý bệnh nhân không ổn định, hàng ngày, các bác sĩ đến thăm đều cho ông Luca mượn điện thoại để gọi về cho gia đình. Sau khi nhìn thấy vợ và 2 con, bệnh nhân vui vẻ trở lại, ăn uống tốt và lạc quan hơn.

Ngày xuất viện, ông Luca đỏ hoe mắt, ôm chặt hai con nhỏ, hôn tới tấp sau hơn 90 ngày xa cách.

"Tôi không phải khách VIP, chỉ là công dân Italy bình thường, sống tại Việt Nam 12 năm, nhưng tất cả nhân viên y tế đã hỗ trợ tôi dù xung quanh còn rất nhiều bệnh nhân nặng khác. Tôi biết mình đã rất may mắn khi được sống, đứng tại đây trong cơ thể khỏe mạnh", ông Luca xúc động.

Người đàn ông 57 tuổi chia sẻ năm 14 tuổi, ông cũng cận kề cái chết sau cú va chạm xe. Những phút sinh tử đã giúp ông hiểu được giá trị của sự sống.

Chị Lê Thị Khánh Linh (30 tuổi, vợ bệnh nhân Luca), nhớ như in ngày đưa chồng vào bệnh viện và cảm giác thấp thỏm, trông ngóng khi bác sĩ thông báo chồng bệnh rất nặng.

"Những ngày sống và làm việc thiếu anh, tôi may mắn còn 2 con nhỏ bên cạnh. Các con là tất cả động lực để chúng tôi không ngừng hy vọng ngày đoàn tụ", chị Linh tâm sự.

Thiếu tướng, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân Y 175 (Bộ Quốc phòng), cho biết từ khi thành lập Trung tâm Điều trị Covid-19 đến nay, đã có gần 6.000 bệnh nhân Covid-19 được điều trị, trong đó có 17 F0 là người nước ngoài thuộc 10 quốc tịch khác nhau.

"Đã có những bệnh nhân Covid-19 có tình trạng rất nặng, nhiều trường hợp không thể qua khỏi, nhưng Luca là người may mắn. Bệnh nhân có tình thần quyết tâm, nghị lực sống và hợp tác điều trị, chính nghị lực này là niềm động viên cho chúng tôi để tiếp tục điều trị", tướng Sơn nói.

Giám đốc Bệnh viện Quân Y 175 nhận định trường hợp bệnh nhân Luca không chỉ thể hiện tinh thần hữu nghị giữa 2 quốc gia, mà còn là thành công trong tiến bộ y khoa của Việt Nam.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-dan-ong-italy-vuot-cua-tu-sau-90-ngay-duoc-can-thiep-ecmo-post1301740.html