Người đàn ông khiến gia đình tan nát vì món lợi 'vịt trời'

Nghe tòa tuyên án chung thân, Lý A Nù, SN 1974 ở Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) khóc và một mực xin được về nhà vì cho rằng mình chưa nhận được đồng tiền công nào thì chưa có tội. Nù không hiểu rằng hành động trực tiếp móc nối các đối tượng có nhu cầu mua bán ma túy với nhau, đồng thời dùng chính nơi ở của mình để cất giấu gần 2 bánh heroin chính là hành vi vi phạm pháp luật.

Đi tù vì hám lợi

Nhớ lại ngày đó cách đây đúng 10 năm, Nù gãi tai ngượng nghịu: “Ngày đó kiến thức pháp luật của tôi còn hạn chế nên mới cãi cùn như thế. Cứ nghĩ mình chưa cầm tiền là chưa phạm tội. Vào đây được tham gia lớp học phổ biến kiến thức pháp luật, nghe cán bộ giải thích thì tôi hiểu ra rồi”.

Với 474,67g chế phẩm heroin bị bắt quả tang cất giữ trong nhà, Nù bị TAND tỉnh Yên Bái tuyên phạt mức án chung thân, thi hành án ở trại giam Quyết Tiến từ đầu năm 2011 đến nay.

Tâm sự với chúng tôi, Lý A Nù cho biết ngày ở nhà ông ta chỉ quen với nghề cấy lúa, làm nương và chỉ đi chợ mỗi khi trong nhà có thứ để bán như lợn, gà hay rau củ. Ở vùng quê mà mọi người đều lấy việc canh nông làm nguồn sống, kinh tế gia đình Nù cũng không khỏi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, chạy ăn từng bữa. Vì thế nên tự dưng trong nhà có được món tiền triệu là điều mà Nù luôn ao ước.

Theo lời Nù kể thì thời điểm đó vợ ông ta đang mang bầu đứa con thứ 4, sức khỏe sau mấy lần sinh nở cũng yếu đi nhiều nên Nù chỉ mong kiếm được ít tiền đong gạo để vợ ở nhà yên tâm sinh con. Dù chăm chỉ lên rừng đào măng, chặt củi đem xuống chợ bán thì số tiền Nù kiếm được cũng chẳng đáng là bao so với một gia đình có tới 5 miệng ăn. Giữa lúc chưa biết phải làm gì để có nhiều tiền thì nhà Nù có khách.

Theo bản án, đầu tháng 3-2010, có một người xưng tên là Long ở TP Yên Bái đến nhà Nù chơi. Sau khi trò chuyện, Long hỏi mua heroin khiến Nù rất ngạc nhiên bởi chưa dính dáng đến thứ đó nên không biết heroin có hình dạng thế nào. Tuy nhiên, khi nghe vị khách giảng giải rằng đó là một thứ bột màu trắng, nếu mua đi bán lại rất được nhiều tiền thì Nù nghĩ ngay tới viễn cảnh sẽ tha hồ đong gạo, mua thịt mà không phải sống chật vật như bây giờ.

Trước viễn cảnh sung sướng, no đủ mà vị khách “vẽ” ra, và nhất là được người này cho tiền đong 1 bao gạo và mua rượu, Nù đã nhận lời tìm hiểu xem ai bán thì thông báo cho Long. Trước khi về, Long không quên để lại số điện thoại và dặn Nù khi nào biết có người bán heroin thì gọi điện cho anh ta.

Trưa 22-3-2010, một người đàn ông dân tộc Mông khoảng 40 tuổi đến nhà Nù, giới thiệu tên là Chua, nhà ở Mộc Châu (Sơn La) và hỏi Nù có mua heroin không. Nù bảo bản thân không có nhu cầu nhưng sẽ tìm người cần mua rồi lấy điện thoại gọi cho Long và được trả lời là có mua. Nù hỏi Chua về giá cả và được thông báo bán với giá 12 triệu đồng/cây (tương đương 375g), nếu bán được cao hơn thì Nù hưởng. Nù gọi điện cho Long bảo có người đang rao bán với giá 16 triệu đồng/cây, nếu Long nhất trí lấy thì lên lấy hàng. Long đồng ý và hẹn mấy hôm sau sẽ mang tiền lên.

Nù bảo Chua có người đồng ý mua rồi nhưng phải mấy hôm nữa mới lên. Chua bảo Nù đưa cho anh ta một ít tiền thì sẽ để túi ma túy lại, nếu không sẽ đem bán cho người khác. Nù bảo trong nhà không có tiền và cũng không có nhu cầu mua để làm gì nên nếu Chua đem bán cho người khác thì cũng chịu. Chua ngần ngừ một lúc rồi đưa cả gói hàng cho Nù dặn lúc nào bán xong gói hàng thì thông tin cho anh ta đến lấy tiền. Cầm gói heroin mà Chua đưa, Nù đem giấu ở bụi cây sau nhà, trong lòng hí hửng sẽ nhận được một món tiền lớn từ phi vụ môi giới này.

Khoảng 21g ngày 28-3-2010, Long cùng một người nữa đến nhà Nù và gói ma túy được mang ra cho khách xem, thử chất lượng trước khi ngã giá. Long dùng tay cấu một ít ma túy rồi cùng người bạn xuống gầm sàn nhà thử chất lượng còn Nù đi tìm cân để cân túi ma túy kia. Trong lúc Nù đang cân ma túy thì lực lượng CA xuất hiện và với gói nilon màu xanh bên trong chứa nhiều cục chất bột nén màu trắng có trọng lượng 474,67g mà theo giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự CA tỉnh Yên Bái kết luận là chế phẩm heroin, Nù bị kết án tội Tàng trữ ma túy.

Hỏi về hai vị khách khi đó, Nù bảo: “Đương nhiên là họ không nhận tội rồi. Cả hai đều bảo đi ngang qua nhà tôi, vì khát nước nên vào xin nước uống. Tôi thì không biết tên thật của họ, nhà ở đâu cũng không biết nên phải chấp nhận thôi”.

Các phạm nhân cải tạo lao động ở xưởng may bao bì. Ảnh: N.Vũ

Các phạm nhân cải tạo lao động ở xưởng may bao bì. Ảnh: N.Vũ

Thương vợ con ở nhà nheo nhóc

Nhớ lại ngày hầu tòa, Nù bảo hôm đó cả nhà đều khóc. Vợ vác bụng bầu dẫn theo ba con tới dự phiên tòa xét xử chồng. Nhìn vợ sắp đến ngày sinh nở rồi mà vẫn phải suy nghĩ, Nù ân hận lắm. Nù bảo hôm đó nhìn thấy vợ con lếch thếch, áo quần bụi bặm thì trong lòng thương lắm nhưng vẫn cố nén để không rơi nước mắt. Đến khi nghe tòa tuyên án chung thân, Nù còn ngơ ngác chưa hiểu. Đến khi được giải thích rằng đó là mức án cao, còn lâu mới được về nhà thì đã không kìm được tiếng khóc. “Tôi khóc trước, vợ con thấy tôi khóc cũng khóc theo”, Nù tâm sự.

Nù kể rằng phải mất 2 năm mới chấp nhận sự thật và chịu làm công việc được phân công còn trước đó nếu không chống đối thì có đi lao động cũng chỉ làm qua quýt còn không thì cáo mệt, cáo ốm hoặc kêu không biết làm để trốn việc.Nù bảo giờ thì biết rồi, hiểu rồi mới thấy tiếc vì tham món lợi trước mắt mà làm vợ con phải liên lụy. “Ngày tôi đi tù thằng con lớn cũng đã lên mười chắc cũng lấy vợ rồi còn đứa bé thì không biết giờ làm gì, có được đi học không”, Nù tâm sự.

Người đàn ông này tỏ ra ân hận vì sự tham lam của mình mà không có cơ hội đón đứa con thứ 4 chào đời. Hai đứa đầu, Nù bảo dù nhà nghèo nhưng vẫn cho con đi học, nhưng khi bố đi tù thì chắc chắn phải nghỉ học ở nhà phụ đỡ mẹ đi nương để có gạo, có muối nuôi em.

Nù bảo ngày mới vào trại, mỗi khi bưng bát cơm lên ăn, trong lòng lại thấy xốn xang vì nghĩ đến vợ con ở nhà nhưng lâu dần thì cảm giác đó không còn mà chỉ còn ý nghĩ phải làm sao để nhanh chóng trở về. “Án của tôi còn rất dài nhưng cán bộ bảo cứ cải tạo tốt thì sẽ được xuống án, sớm được trở về nhà với gia đình nên tôi sẽ cố gắng”, Nù bộc bạch.

Người đàn ông này cho biết, từ ngày đi tù đến giờ chưa một lần được người thân xuống thăm nhưng không thấy buồn chán mà chỉ nghĩ rằng chắc vợ con ở nhà còn vất vả làm lụng nên không có thời gian rảnh rỗi để đi thăm ông ta được. Nù bảo cuộc sống trong trại cải tạo cũng giống như bên ngoài, đều phải làm việc, chỉ khác là không có vợ con bên cạnh nên càng phải cố gắng để sớm được trở về với gia đình.

Hỏi lúc này mong ước điều gì, Nù thủng thẳng: “Tôi chỉ mong vợ vẫn ở nhà chăm mấy đứa con cho chúng nó khỏe mạnh. Còn chuyện lập gia đình của mấy đứa ấy thì còn đứa nào chưa lấy vợ, lấy chồng thì để tôi về lo nốt”.

Nói xong câu đó, Nù xin phép được trở về xưởng may bao bì, tiếp tục công việc của mình. Nhìn dáng đi như chúi về phía trước của ông ta, chúng tôi chợt nghĩ cuộc đời mỗi người đều không tránh khỏi những cám dỗ, quan trọng là có lý trí và hiểu biết để né tránh hay bước vào để rồi ân hận và nuối tiếc như nam phạm nhân này.

Nguyễn Vũ – Hà My

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-dan-ong-khien-gia-dinh-tan-nat-vi-mon-loi-vit-troi-210832.html