Người đàn ông mắc bệnh tiểu đường bị biến chứng nặng ở mắt, bác sĩ khuyến cáo phải làm điều này!
Bác sĩ khuyến cáo người mắc bệnh tiểu đường, basedow… cần phải tuân thủ hướng dẫn và điều trị theo phác đồ của bác sĩ để duy trì thể trạng tốt, tránh những biến chứng không mong muốn.
Nam bệnh nhân N.Q.C (61 tuổi) ở Việt Trì, Phú Thọ có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, rung nhĩ. Trước ngày vào viện 1 tháng, người bệnh xuất hiện mệt mỏi, sút cân, lồi mắt, nhìn mờ, song thị, chảy nước mắt nên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khám.
Tại Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám và làm các kĩ thuật chuyên sâu. Kết quả phim chụp CT hốc mắt cho thấy: Hình ảnh phì đại các cơ trực, chưa thấy dấu hiệu chèn ép thị thần kinh; xét nghiệm chỉ số hoocmon tuyến giáp FT4 = 61.54 pmol/L, TSH < 0,005 mIU/l, TRAb = 10,6 IU/mL. Bác sĩ kết luận người bệnh bị Basedow biến chứng mắt, đái tháo đường type 2, rung nhĩ.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ xác định phương pháp điều trị cho người bệnh là kiểm soát đường huyết, kháng giáp trạng tổng hợp, điều trị triệu chứng mắt – basedow bằng Corticoid.
Hiện tại, sau 8 đợt truyền corticoid, tình trạng mắt của người bệnh đã được cải thiện rất nhiều: dễ nhìn hơn, đỡ sưng đỏ, đỡ lồi, đỡ chảy nước mắt và đường máu được kiểm soát tốt.
Qua đây, ThS.BS Dương Thị Kim Ngân – Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường khuyến cáo, người dân nên đi khám sức khỏe định kì 6 tháng đến 1 năm 1 lần để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý và có phương án điều trị kịp thời, hiệu quả.
Đối với những người đang mắc các bệnh nội tiết như đái tháo đường, basedow… cần chú ý thực hiện kiểm tra theo lịch hẹn, tuân thủ hướng dẫn và điều trị theo phác đồ của bác sĩ để duy trì thể trạng tốt, tránh được những biến chứng không mong muốn.
Cảnh giác với 5 biến chứng thường gặp ở người bệnh tiểu đường
Biến chứng bệnh lý về tim mạch
Tiểu đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ và bệnh động mạch ngoại vi. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng đường huyết cao gây tổn thương mạch máu, dẫn đến xơ vữa động mạch và lưu thông máu kém.
Biến chứng tổn thương dây thần kinh
Tiểu đường sẽ khiến lượng đường cao trong máu có thể làm tổn thương các dây thần kinh, gây ra tê bì, đau nhức hoặc mất cảm giác, thường gặp ở bàn chân và bàn tay. Bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ, gây khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón.
Biến chứng về bệnh thận
Tiểu đường cũng là một trong những nguyên nhân chính gây suy thận bởi những tổn thương ở các mạch máu nhỏ trong thận sẽ làm suy giảm khả năng lọc máu và đào thải chất thải. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể cần chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
Biến chứng gây tổn thương mắt
Người bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc các bệnh lý về mắt như bệnh võng mạc tiểu đường, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp, đặc biệt nếu không được phát hiện và điều trị đúng, các tổn thương này có thể gây ảnh hưởng xấu đến thị lực của mắt.
Biến chứng bàn chân
Do lưu thông máu kém và mất dần đi cảm giác, các vết thương nhỏ ở da hoặc chân có thể bị lở loét, nhiễm trùng và rất khó lành.
Suy giảm trí nhớ
Một số nghiên cứu cho thấy, tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh alzheimer và suy giảm nhận thức. Lý do là bởi có thể liên quan đến tổn thương mạch máu và viêm do lượng đường trong máu không ổn định.
Người bệnh tiểu đường cần làm gì để phòng ngừa biến chứng
Để giảm nguy cơ biến chứng trên, cần duy trì lượng đường huyết ổn định với một chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, và tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Đồng thời, hãy khám sức khỏe định kỳ nhằm giúp phát hiện sớm để có những phác đồ điều trị phù hợp và mang lại hiệu quả đối với sức khỏe.