Người đàn ông nhập viện với lưỡi cày cắm sâu vào ngực
Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã phẫu thuật cứu sống một nông dân bị thương nặng do lưỡi cày chém sâu vào vùng ngực, nách.
Bệnh nhân V.V.V. (55 tuổi, ở Đại Lâm, Lạng Giang) trong lúc đang cày ruộng vô tình bị cuốn vào gầm máy cày. Lúc này, ông V. bị các lưỡi phay chém vào ngực, nách gây bị thương nặng.
Do lưỡi cày cắm sâu vào cơ thể, người dân xung quanh phải tháo khung lưỡi máy kèm theo ông V. đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu.
Người bệnh nhập viện tình trạng đau đớn, da tím tái, vã mồ hôi, tức ngực, chảy máu rỉ rả vùng ngực và nách.
Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng hồi sức tích cực, đồng thời hội chẩn toàn viện. kích hoạt quy trình báo động đỏ, chuyển thẳng người bệnh lên phòng mổ.
Khi mở vết thương, các bác sĩ phát hiện tình trạng rất nghiêm trọng: bệnh nhân bị vỡ nát 1/3 giữa xương ức, đụng dập thùy trên phổi trái, đụng dập màng tim bên trái, đứt động mạch ngực trong hai bên, vết thương lóc da sâu vùng hõm nách trái và vết thương vùng cổ.
Sau gần 2 giờ, với sự phối hợp nhịp nhàng và khẩn trương, các bác sĩ đã tiến hành khâu cầm máu động mạch ngực trong, mở màng tim kiểm tra, lau rửa màng phổi hai bên, khâu phục hồi xương ức bằng chỉ thép, cắt lọc vết thương vùng nách trái và đặt dẫn lưu cho bệnh nhân. Cả quá trình, người bệnh được truyền 1,4 lít khối hồng cầu và 200 ml huyết tương tươi.
Hiện tại, sau hơn một tháng điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực chống độc và Ngoại lồng ngực Chỉnh hình - Bỏng, tình trạng người bệnh đã ổn định, vết mổ khô, liền tốt và được xuất viện.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Nam, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - Chỉnh hình - Bỏng, cho biết quá trình điều trị sau phẫu thuật, rất nhiều lần người bệnh diễn biến nặng, tưởng chừng không qua khỏi. Nhưng với sự cố gắng, nỗ lực đến cùng, theo dõi sát sao của các y bác sĩ, tình trạng người bệnh tốt dần lên cho đến khi ổn định và được ra viện.
Qua trường hợp này, bác sĩ Nam cũng khuyến cáo trong quá trình làm việc, người dân nên mang bảo hộ lao động và cẩn thận, không chủ quan để hạn chế tai nạn không mong muốn xảy ra.
Khi bị vết thương do tai nạn lao động, cần sơ cứu và đưa người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời, tránh thiệt hại đến tính mạng.