Người đàn ông suýt chết vì nắp tuýp thuốc bít tắc phế quản
Người đàn ông 67 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì nắp tuýp thuốc bít tắc phế quản, nguy hiểm đến tính mạng đã được Bệnh viện Phổi Trung ương cấp cứu thành công.
Mới đây, Khoa Nội soi chẩn đoán và can thiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương đã nội soi cấp cứu lấy thành công một trường hợp bị dị vật phế quản gây bít tắc khí phế quản, suy hô hấp và đe dọa tính mạng người bệnh.
Trước đó, bệnh nhân nam, 67 tuổi, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, sốt cao. Bệnh nhân có tiền sử bị bệnh phổi tắc nghẽn COPD điều trị thường xuyên kèm đái tháo đường type II mới phát hiện.
Cách đây 5 tháng, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho sặc, tím tái sau uống thuốc. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi COPD và đã được điều trị 12 ngày tại Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) nhưng sức khỏe cải thiện chậm. Bệnh nhân vẫn cảm thấy khó thở, ho đờm đục, sốt cao. Ngay sau đó, bệnh nhân được đặt ống NKQ thở máy 01 ngày và chuyển lên Bệnh viện Phổi Trung ương cấp cứu.
Tại đây các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành hội chẩn, chẩn đoán hình ảnh phát hiện ra dị vật trong phế quản bệnh nhân. Các bác sĩ đã thực hiện kĩ thuật nội soi phế quản cấp cứu để gắp dị vật, giải phóng tắc nghẽn đường thở nhằm cứu sống người bệnh. Dị vật được gắp ra thành công khỏi phế quản của bệnh nhân là một nắp tuýp thuốc.
ThS.BS. Nguyễn Lê Nhật Minh, Trưởng khoa Nội soi chẩn đoán và can thiệp (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết, sau can thiệp, tình trạng hô hấp và lâm sàng của bệnh nhân đã được cải thiện nhiều. Hiện tại bệnh nhân đang dần hồi phục, tiếp tục sử dụng thuốc điều trị.
Nếu dị vật không được lấy ra sẽ khiến tình trạng của bệnh nhân ngày càng xấu đi, gây ra nhiễm trùng đường hô hấp, cản trở sự thông khí, nặng hơn có thể xuất hiện áp xe phổi, tràn mủ màng phổi, giãn phế quản... May mắn xử lý kịp thời nên người đàn ông này đã không nguy kịch.
Các bác sĩ khuyến cáo, dị vật ở thực quản không phải hiếm gặp đối với trẻ em, người bị tâm thần mà ngay cả những người lớn bình thường. Bởi vậy, bản thân mỗi người và người nhà cũng cần chú ý để tránh gặp phải những hậu quả đáng tiếc.
Khi không may bị hóc kèm những biểu hiện bất thường như ho nhiều, khó thở, tức ngực, nuốt khó…, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Đa phần mọi người thường có thói quen khi bị hóc dị vật sẽ cố gắng khạc, dùng tay móc, nuốt miếng thức ăn to hoặc chữa mẹo dân gian để lấy dị vật ra.
Nhưng những cách này càng làm tình trạng nặng hơn vì dị vật có thể đẩy sâu hơn, rơi vào những vị trí nguy hiểm như đường thở. Trường hợp dị vật bít đường thở sẽ gây suy hô hấp, nguy cơ tử vong rất cao.