Người đàn ông thống trị lĩnh vực kiến trúc thế kỷ XVI
Nếu không có ông, nghệ thuật của xứ Ottoman sẽ không được trọn vẹn và sẽ không có Thổ Nhĩ Kỳ như hiện tại.
Có một người đàn ông từng thống trị lĩnh vực kiến trúc thế kỷ XVI, người đó chính là Sinan. Nếu không có ông, nghệ thuật của xứ Ottoman sẽ không được trọn vẹn và sẽ không có Thổ Nhĩ Kỳ như hiện tại.
Theo quan điểm phổ biến nhất, Sinan có gốc gác từ Hy Lạp. Ông sinh ra gần Kayseri (Caesarea ở Cappadocia), được hệ thống devşirme tiếp nhận và được giáo dục tại cung điện như các quan chức tương lai và binh lính ưu tú. Một số nguồn tin khác cho rằng ông sinh ra ở Cappadocia trong một gia đình Thổ.
Điều đó hầu như không quan trọng, bởi ta có thể khẳng định rằng ông sinh ra ở Thổ Ottoman, lớn lên và được giáo dục ở các trường học Thổ Ottoman, và mọi thứ về ông đều mang gốc gác Thổ Ottoman bất kể dòng máu chảy trong huyết quản của ông là gì.
Có lẽ ông sinh năm 1491 và sống đến gần 100 tuổi. Sau khi học xong, ông lập nghiệp trong quân đội. Ông có tham gia trong các cuộc viễn chinh tới Rhodes, chiến dịch Belgrade và Trận Mohacs; sau đó ông được bổ nhiệm làm Thủ quân lực lượng bộ binh, “chỉ huy các cỗ máy chiến tranh” và cuối cùng là Đại tá đội cận vệ của Quốc vương. Ông đã gần 50 tuổi khi trở thành kiến trúc sư hoàng gia.

Tượng đài Sina. Ảnh: Omrania.com.
Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, ông đã xây dựng những cây cầu, doanh trại, cống dẫn nước và các công trình bao vây. Các chiến dịch ở vùng Balkan và phương Đông đã cho ông cơ hội được chiêm ngưỡng công trình của các kiến trúc sư nước ngoài trước đây và ở cả hiện tại.
Trong chiến tranh Ba Tư, ông đã giúp quân đội vượt qua Hồ Van bằng cách đóng những chiếc thuyền theo thiết kế của riêng mình. Điều này đã khiến Suleiman đặc biệt ngưỡng mộ và cây cầu bắc qua sông Danube trong chiến dịch Wallachia càng củng cố danh tiếng của ông. Ai đã dạy ông nghệ thuật xây dựng này? Có lẽ là Acemi Ali, kiến trúc sư người Ba Tư mà Suleiman đã đưa về từ Tabriz.
Tài năng thiết kế của ông được bộc lộc thông qua những tòa nhà thế tục, nhưng cảm hứng của ông chỉ dành riêng cho các nhà thờ Hồi giáo. Người ta thường nói rằng Sinan đã sao chép kiến trúc Byzantine và các nhà thờ Hồi giáo của ông chỉ là những biến thể theo chủ đề Thánh đường Hagia Sophia, được xây dựng vào thế kỷ VI bởi hai người Hy Lạp tên là Anthemius xứ Tralles và Isidorus xứ Miletos.
Những công trình lớn ở Byzantine, không chỉ riêng Thánh đường Hagia Sophia, chắc chắn đã tác động đến Sinan và các kiến trúc sư Thổ Ottoman khác. Các nhà thờ Hồi giáo Ottoman được xây dựng trước và sau cuộc chinh phạt Constantinople không có cùng phong cách.
Từ những nhà thờ Hồi giáo đầu tiên ở Bursa đến Uç Şerefeli cami ở Edirne (cami có nghĩa là nhà thờ Hồi giáo), các công trình này đều chứng tỏ nỗ lực không ngừng của các nhà xây dựng hàng đầu Thổ Ottoman nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến các công trình hoành tráng, đặc biệt là các công trình tôn giáo: “không gian bên trong” và sự cân bằng giữa bề mặt bên trong và bên ngoài.
Thánh đường Hagia Sophia và các nhà thờ Byzantine khác đã giúp họ tìm ra giải pháp, và họ đã tiếp thu và điều chỉnh phong cách Byzantine, nhưng họ không sao chép nó: trước năm 1453 và thậm chí trước khi người Thổ đến Tiểu Á, đã tồn tại và phát triển một phong cách Thổ Ottoman phù hợp với lề lối truyền thống dân tộc, giống như mọi phong cách nghệ thuật chịu ảnh hưởng từ các phong cách khác.
Những nhà thờ Hồi giáo đầu tiên của Thổ Ottoman, vào thế kỷ XII và XIII (thời Seljuk), khá giống với những nhà thờ đã được xây dựng ở các quốc gia khác trong xã hội Hồi giáo, đặc biệt là ở Khorasan (do người Thổ Seljuk chiếm đóng từ đầu thế kỷ XI). Đây là những nhà thờ Hồi giáo cách điệu (có cột đỡ trần), hoàn toàn thiếu đi sự thống nhất hoặc không có bất kỳ cảm giác hài hòa nào giữa bên trong và bên ngoài, với một cổng lớn được trang trí lộng lẫy.
Konya, năm gian giữa của nhà thờ Hồi giáo Alaeddin được ngăn cách bằng 50 cột đỡ; cánh cổng được gắn vào tòa nhà có vẻ trông rất lệch tông. Phải kể đến đầu tiên là mái vòm phía trên hốc niệm thất (mihrab), nơi mà một bệ hình tròn làm móng đỡ cho một cấu trúc hình vuông bằng các góc ảo ảnh thị giác (trompe l'oeil) đã trở thành một trong những điểm đặc trưng của kiến trúc của người Thổ Seljuk.
Loại mái vòm này được lấy làm một trong những yếu tố chính của các nhà thờ Hồi giáo trong tương lai. Tại Divriǧi, mái vòm của hốc niệm thất càng trở nên quan trọng: phần đặc trưng nhất của tòa nhà được chia thành mười hai mảng bằng các đường gân và được bao bọc bởi một kim tự tháp nằm trên một khối trục hình bát giác. Trên cổng có rất nhiều lá, vòng tròn hình xoắn ốc, đĩa dẹt và các đường gờ hình trụ. Đây là công trình độc nhất vô nhị ở Thổ Ottoman và chắc chắn có vết tích của những ảnh hưởng ngoại lai, có lẽ là của Ấn Độ.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-dan-ong-thong-tri-linh-vuc-kien-truc-the-ky-xvi-post1534043.html