Người đàn ông 'từ quỷ hóa thành thần' được thờ nhiều nhất ở TQ
Theo số liệu thống kê đáng tin cậy, miếu thờ 'thần minh, thánh hiền' có số lượng lớn nhất ở Trung Quốc là miếu Quan Đế.
Miếu được xây để thờ Quan Vũ – một trong Ngũ Hổ tướng Thục Hán thời Tam Quốc (còn được gọi là Võ Miếu, Võ Thánh miếu, Hiệp Thiên cung, Ân Chúa Công miếu…) kể từ sau khi hoàng đế nhà Minh sắc phong Quan Vũ làm “Quan Thánh Đế quân”. Quan Đế miếu còn có ở khắp các nước xung quanh bị ảnh hưởng bởi “Văn hóa chữ Hán” như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Singapore và một số nước Đông Nam Á khác.
Rất nhiềungười tôn thờ Quan Vũ bắt nguồn bởi những điều La Quán Trung viết về ông trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, khắc họa ông thành một vị anh hùng giỏi giang tài ba, trung nghĩa gan dạ với những tình tiết ly kỳ như “chém Hoa Hùng chén rượu hãy còn nóng”, “qua 5 cửa ải chém 6 tướng”, “đơn đao phó hội”, “vì nghĩa tha Tào Tháo”…
Hình tượng nhân nghĩa từ “Tam Quốc”
Quan Vũ từ người biến thành thần trước hết bởi những phẩm chất của ông; nhưng việc 3 tôn giáo lớn Nho, Phật, Đạo tranh giành ông của cũng đã nâng cao địa vị của ông và đưa ông lên bệ thần. Quan Vũ là người thích đọc “Xuân Thu”, mà bộ “Xuân Thu” do Khổng Tử viết chủ yếu nhằm khuyên bảo mọi người biết giữ bổn phận, không nên làm những điều vượt khuôn khổ.
Sống vào cuối thời kỳ Đông Hán, từ nhỏ Quan Vũ đã được hun đúc bởi tư tưởng Nho giáo chính thống. Trong quá trình giúp đại ca Lưu Bị xây dựng thiên hạ nhà Thục Hán, những biểu hiện trung nghĩa của Quan Vũ đã khiến hình tượng của ông khắc sâu trong lòng dân chúng.
Một số biểu hiện phẩm chất trung nghĩa của Quan Vũ được mô tả trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, như: Trong trận Hạ Bì, do thế lực hai bên chênh lệch quá lớn, Quan Vũ bị bại trận. Để bảo vệ vợ con Lưu Bị. Quan Vũ buộc phải đầu hàng Tào Tháo. Tào Tháo rất thích tài năng của ông nên phong làm “Hán Thọ Đình hầu” và hậu đãi “3 ngày một tiệc nhỏ, 5 ngày một tiệc lớn” lại còn thỉnh thoảng tặng vàng thưởng bạc; nhưng Quan Vũ lòng không chút dao động.
Quan Vũ “Thân tại Tào doanh, tâm tại Hán”, đã giao hẹn ba điều với Tào Tháo: Một, chỉ hàng Hán, không hàng Tào; hai: phải dùng lễ đối đãi tử tế với hai chị dâu; ba: nếu khi nào biết Lưu Bị ở đâu sẽ lập tức tìm đến. Tuy điều kiện rất hà khắc, nhưng là người biết trọng nhân tài nên Tào Tháo vẫn đáp ứng với hy vọng ngày nào đó Quan Vũ sẽ nghĩ lại vì cảm kích trước tình cảm của mình.
Đại ca bỏ chạy bất chấp an nguy của vợ con và ông, trong khi Tào Tháo lại có ơn cứu mạng; mặc dù vậy trong lòng Quan Vũ vẫn chỉ coi Lưu Bị là chủ, điều này khiến người đời kính phục sự trung nghĩa của ông. Về sau, khi nghe được tin về Lưu Bị, Quan Vũ đã kiên quyết bỏ lại vàng bạc, châu báu, dẫn theo 2 chị dâu qua 5 cửa ải chém 6 tướng, trèo đèo vượt suối đi gặp đại ca của mình.
Trong trận Xích Bích, Tào Tháo bại trận phải chạy trốn theo đường Hoa Dung, Quan Vũ tuy trước khi xuất phát đi trấn giữ Hoa Dung đã lập bản cam kết sẽ giết Tào Tháo, nhưng khi gặp Tào Tháo bại trận chạy đến, bất giác nghĩ lại những điều đối đãi tốt đẹp của Tháo với mình khi trước, nên bất chấp nguy cơ bị chém đầu vì vi phạm quân lệnh, vẫn thả cho Tào Tháo đi qua để trả lại ơn nghĩa cưu mang.
Chuyện “có ơn tất báo” chỉ là chuyện nhỏ trong vô số hành vi “nghĩa” của Quan Vũ, nhưng đã phản chiếu hình tượng lớn lao của ông. Chính vì sự trung nghĩa như thế, Quan Vũ đã chiếm được tình cảm yêu mến, kính phục của dân chúng.
Bi kịch từ tính tình ngạo mạn, cố chấp
Xuất thân trong gia đình nhà nông làm nghề rèn ở Sơn Tây, nhưng Quan Vũ thích đọc “Xuân Thu” lại ham luyện võ. Năm 18 tuổi, cha mẹ cưới vợ cho, sau 1 năm đã sinh hạ con trai Quan Bình. Quan Vũ yên ổn, hài lòng với việc giúp cha rèn đồ và trông coi cửa hàng bán đồ sắt. Năm ông 20 tuổi, một hôm có tên ác bá họ Lã tìm đến đòi nộp tiền bảo kê. Thấy một kẻ ngang ngược đến vô cớ đòi nộp tiền, Quan Vũ rất tức.
Tuổi trẻ đang hăng, không chịu thua kẻ bạo ngược, Quan Vũ tuyên bố nhà mình không cần ai bảo vệ, từ chối nộp tiền. Kẻ ác bá xông vào đánh, vốn tinh thông võ nghệ, Quan Vũ đâu dễ chịu để bị bắt nạt, liền đấm cho hắn một cú, nào ngờ chỉ một cú đấm đã đưa hắn đi chầu Diêm Vương.
“Sát nhân đền mạng, vay nợ trả tiền”, để giữ tính mạng con, cha mẹ Quan Vũ phải để ông bỏ nhà đi lánh nạn. Trên đường bỏ trốn, Quan Vũ gặp được Lưu Bị và Trương Phi – những người anh em tri kỷ gắn bó cả đời. Ba người mới gặp đã như thân quen từ trước, đến Đào Viên kết nghĩa anh em, đồng tâm hiệp lực cùng nhau mở ra sự nghiệp. Sau quá trình Nam chinh Bắc chiến, Tây nhập Hán Xuyên, họ lập ra được nước Thục đối kháng với Tào Ngụy.
Con người ta có khi mọi chuyện quá thuận lợi, dễ sinh ra ngạo mạn, cố chấp. Quan Vũ là người như thế. Sau khi chém Nhan Lương giải vây thành Bạch Mã, qua 5 cửa ải chém 6 tướng, một mình băng ngàn dặm, mượn nước dìm 7 đạo quân…Quan Vũ trở nên như đại anh hùng được thần tiên phò trợ.
Ngất ngây trong chiến thắng, Quan Vũ dần dần đánh mất mình, tính cách ngạo mạn, cố chấp hình thành trong những lời tán tụng. Khi giữ Kinh Châu, tính cách này đã khiến Quan Vũ trở nên nôn nóng mạo hiểm, cuối cùng để mất Kinh Châu, binh bại Mạch Thành, chết thân một nơi, đầu một ngả, thật là thê lương.
Chức vị cao nhất của Quan Vũ khi còn sống là Tiền Tướng quân – Giả Tiết Việt do Lưu Bị phong cho khi xưng Hán Trung Vương – chức vị cao nhất trong quân đội của Lưu Bị khi đó; Giả Tiết Việt là vinh dự lớn nhất (Trương Phi và Mã Siêu chỉ được Giả Tiết).
Sau khi Quan Vũ chết, năm 260, Hậu chủ Lưu Thiện truy phong thụy hiệu Tráng Mậu Hầu, là 1 trong số 12 công thần Thục Hán được truy phong thụy hiệu (cùng với Pháp Chính, Gia Cát Lượng, Tưởng Uyển, Phí Vĩ, Trần Tự, Hạ Hầu Bá, Trương Phi, Mã Siêu, Bàng Thống, Hoàng Trung, Triệu Vân).
Một anh hùng chết đầy bi kịch như thế lẽ ra phải bị coi là tấm gương phản diện để cảnh báo đời sau, nhưng lại được coi là vị thần linh được người đời thờ phụng chiêm bái và thành thứ “văn hóa Quan Công” độc đáo trong lịch sử Trung Quốc. Quá trình thần thánh hóa Quan Vũ thực ra cũng rất trắc trở…
Bị rẻ rúng suốt 800 năm
Người Trung Quốc xưa vốn có tâm lý kính, sợ hồn ma. Sau khi xuất hiện những đồn đại về Quan Vũ hiển linh, do nhiều nguyên nhân, người ta bắt đầu tế lễ ông, nhưng khi đó ông hãy còn là một “cô hồn dã quỷ”, chưa phải là vị thần, nhưng thuyết Quan Vũ hiển thánh đã mở đường cho ông bước lên bệ thần.
Người tế lễ Quan Vũ sớm nhất là Lưu Bị. Sau khi nghe tin “nhị đệ” bị giết, ông đã ra lệnh lập bàn thờ với áo mũ rồi định kỳ lễ bái. Sau khi Thục Hán diệt vong, sự sùng bái Quan Vũ ở Thục Xuyên dần biến mất có lẽ do ông quanh năm chinh chiến ở bên ngoài. Nơi sùng bái Quan Vũ nhất là vùng Kinh Châu, nơi ông bị hại.
Sau khi Quan Vũ chết, dân chúng Tương Dương lo sợ ông đến tìm báo thù nên xây một ngôi mộ, hàng năm cúng lễ. Khi đó mọi người đến cúng lễ không phải cầu tiền tài, mà chỉ cầu bình an với mong muốn Quan Vũ không oán trách họ. Lúc này, Quan Vũ hãy chưa được lên bệ thần, chưa trở thành “Quan Công”, chỉ được dân chúng thờ cúng như một hồn ma lợi hại.
Cũng chính do tâm lý khiếp sợ Quan Vũ của mọi người, nên thời gian đầu các miếu thờ Quan Vũ rất âm u đáng sợ, tượng Quan Vũ cũng được tạc với hình dạng hung dữ, đáng ghét. Việc thờ cúng Quan Vũ cũng chỉ mang tính khu vực, không xuất hiện ở các địa phương khác.
Suốt 800 năm sau khi chết, Quan Vũ không được những kẻ thống trị quan tâm đến. Đến năm 731, hoàng đế Đường Minh Hoàng Lý Long Cơ cho xây Võ Miếu, thờ chủ thần là Khương Thái Công cùng 10 danh tướng bao gồm Trương Lương, Điền Nhương Tư, Tôn Vũ, Ngô Khởi, Nhạc Nghị, Bạch Khởi, Hàn Tín, Gia Cát Lượng, Lý Tĩnh, Lý Tích, không có Quan Vũ.
Đến năm 782, Đường Đức Tôn đưa thêm 64 người vào, trong đó có Tôn Tẫn, Liêm Pha, Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh, Quan Vũ, Trương Phi, Chu Du, Đặng Ngải. Đó là ghi chép chính thức về Quan Vũ đầu tiên trong lễ điển triều Đường.
Qua đó có thể thấy, địa vị của Quan Vũ lúc này cũng chỉ giống như các tướng Trương Phi, Chu Du, Đặng Ngải thời Tam Quốc chứ không hơn. Đến thời Ngũ Đại Thập Quốc, chính quyền Hậu Thục thành lập tại Thành Đô chỉ truy phong Gia Cát Lượng và Trương Phi làm vương, không nhắc gì tới Quan Vũ, cho thấy thời kỳ này ông vẫn không được giới thống trị trọng thị.
Đến những năm đầu triều đại Bắc Tống, Quan Vũ vẫn chưa được coi trọng, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận thậm chí còn đưa ông ra khỏi Võ Miếu với lý do Quan Vũ để bị nước địch bắt giết...