Người đàn ông vào rừng săn loài kịch độc, kiếm hàng chục triệu đồng

Ong vò vẽ được coi là loài kịch độc, tuy nhiên nhiều người vẫn tìm cách lấy tổ của chúng đem về bán.

Năm nào cũng vậy, từ nửa cuối tháng 6 đến tháng 8 là anh Phạm Văn Chiến (35 tuổi) cùng anh Lê Hoàng Đấy (42 tuổi, ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) lại chuẩn bị đồ nghề, dao rựa lên đồi tìm ong vò vẽ.

Đây là một loại ong khá phổ biến tại nơi các anh sinh sống, cứ cuối hạ, đầu thu là mùa ong ở tổ, tổ to bằng cả cái mũ cối, toàn nhộng chắc nịch. Thời điểm này cũng là cơ hội "vàng" để thu hoạch các tổ ong rừng, khi tổ ong chắc nhộng nhất.

Mạo hiểm đi săn loài ong dữ

Hai người mang đồ bảo hộ, dụng cụ đi rừng, một số nhu yếu phẩm, chở nhau bằng xe máy đến cánh rừng cách nhà hơn 7 km để săn ong vò vẽ.

Dừng xe ở bìa rừng, hai người đàn ông đi bộ, thỉnh thoảng dừng để quan sát đường đi của con ong, tìm tổ của chúng. "Chúng tôi theo dõi những con ong đi săn mồi, lấy nước, lần theo chúng về đến tổ. Vì thông thuộc địa hình và có kinh nghiệm đi rừng nên việc xác định các vị trí không quá khó khăn", anh Chiến kể.

Ong vò vẽ có tên khoa học Vespa affinis, là một loài ong bắp cày. Chúng thường chọn địa điểm xây tổ nơi kín đáo, cây cối rậm rạp và địa hình hiểm trở. Thời gian làm tổ từ đầu tháng 5 đến tháng 9 Âm lịch. Đầu mùa, ong chúa lựa chọn địa điểm thích hợp, đẻ trứng và chăm sóc trứng để tạo đàn. Những con ong non khi trưởng thành sẽ tiếp tục đi săn mồi và xây dựng tổ.

Ong vò vẽ là loài cực kỳ nguy hiểm, nọc độc có thể làm chết người. Ngay những người chuyên đi rừng cũng không dám "chọc giận" đến tổ, không chỉ vì nọc độc cực mạnh của mỗi cú chích mà còn vì tính hung hãn của chúng.

"Ong vò vẽ bị thu hút bởi mùi mồ hôi của người. Khi 1 con ong ở gần tổ của chúng bị tấn công, nó sẽ phát tín hiệu cho những con khác cùng đuổi tấn công lại. Nếu chúng ta càng chạy, đàn ong càng đuổi theo đốt dữ hơn. Đã có nhiều người đi rừng hoặc làm vườn vô tình phá tổ, bị đàn ong đuổi đốt đến tử vong", anh Chiến kể thêm.

Ong vò vẽ ăn thịt nên thường đến những nơi có côn trùng như: sâu, bướm, nhện và ấu trùng để săn mồi. Với kinh nghiệm hơn 10 năm săn ong, anh Chiến thông thuộc khu vực có nhiều vò vẽ làm tổ. Dừng chân nơi có nhiều hoa, anh quan sát từng con ong bắt mồi và đi theo chúng về tổ. Ngoài con ong săn mồi còn có ong thợ tìm các loại cành cây khô mục tha về xây tổ.

"1001 chuyện" bắt ong vò vẽ về… nuôi

Hai thợ tìm đến các vũng, khe suối quan sát ong lấy nước để theo dõi tìm tổ. "Ong bay đến gần tổ thường sà xuống nên có thể xác định được khu vực chúng ở. Đến gần quan sát nơi có nhiều ong bay ra sẽ biết vị trí", anh Chiến nói. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng tìm được tổ, thợ săn chỉ có thể quan sát chúng bay gần chứ không thể nhìn thấy khi chúng bay xa.

Khác với anh Chiến, anh Đấy tìm đến nơi có nhiều hoa xuyến chi nở. Buổi sáng ong mật đến lấy phấn, hút mật, thu hút nhiều vò vẽ đến săn mồi. Anh Đấy dùng miếng thịt lợn buộc vào cành cây để dụ ong vò vẽ đến ăn."Đây gọi là câu ong, chờ chúng săn mồi lâu nên thợ sáng chế cách này. Chúng ăn thịt rất nhanh rồi tha về, tôi chỉ cần quan sát hướng bay là tìm ra tổ", anh Đấy nói.

Sau nửa giờ tìm kiếm, hai người phát hiện được tổ ong vò vẽ ở trong bụi cây đót rậm rạp. Những người đi cùng hỗ trợ nhau mặc đồ bảo hộ. Các bộ đồ này làm bằng nylon dày, bịt kín, phía trên đầu kết cấu nylon trong suốt để giúp thợ săn dễ quan sát xung quanh.

"Quá trình lấy tổ rất nguy hiểm, nếu áo bảo hộ không đảm bảo thì sẽ bị chúng đốt, ảnh hưởng đến tính mạng. Ngoài ra, nếu để ong thải nhiều chất thải trúng mắt dễ gây giảm thị lực, thậm chí bị mù".

Sau 5 phút mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay cẩn thận, hai người đàn ông dùng dao phát quang luồn qua những bụi cây, tiếp cận đàn ong đang làm tổ bên khối đá bạc lớn, cạnh con suối.

Theo anh Chiến, khi tiếp cận, người thợ sẽ dựa vào kích thước và trọng lượng của tổ ong để quyết định có nên khai thác hay không. Những tổ được chọn phải đáp ứng yêu cầu 5 tầng ong, trọng lượng hơn 3 kg. Mỗi ngày, hai thợ tìm được nhiều là 8, ít 2 tổ. Tổ ong lấy ra khỏi bụi cây được treo gần đó để chờ ong bay vào trong. Sau nửa tiếng, anh Chiến dùng túi lưới trùm lên lấy cả tổ và ong.

Tổ ong mang về được treo trên các cành cây trong vườn nhà. Anh Chiến nói nhờ những tổ ong nuôi trong vườn mà các loại sâu hại cây trồng không còn nữa. Ong nuôi hơn một tháng, anh bắt đầu khai thác nhộng. Tổ có nhiều tầng, khi thu hoạch sẽ để lại một tầng trên cùng để chúng tiếp tục xây. Mỗi mùa một tổ khai thác được 2-3 lần, từ đầu mùa đến nay anh đã nuôi gần 50 tổ.

Đối với những tổ ong to, nhiều ong thợ, nhiều nhộng, anh sẽ bán cho thương lái với giá khoảng 300 nghìn đồng/kg nhộng, còn tổ bán với mức giá khoảng 250 nghìn đồng, "Thuận lợi mà kiếm được 2, 3 tổ to, thì có khi một ngày cũng kiếm được trên dưới 1,5 triệu đồng bán tổ và bán nhộng. Tổ nào muốn bán thì bán, không muốn bán thì bắt ngâm rượu, nhộng có thể chế biến thành mồi nhậu. Trung bình 1 tháng tôi đi kiếm tổ vài lần cũng mang về cho gia đình được trên dưới 10 triệu đồng".

Tuy là một món ăn đặc sản, thơm ngon và bổ dưỡng, nhưng theo anh Chiến, vẫn có một số người bị dị ứng với món nhộng ong. Vì vậy, nếu ăn lần đầu tiên nên ăn thử một, hai con trước rồi từ từ để ý xem xét phản ứng cơ thể ra sao rồi mới ăn tiếp.

Nghề bắt ong vò vẽ cũng đối diện nhiều nguy hiểm. Thời gian qua đã có nhiều trường hợp nguy kịch, tử vong do bị loài ong này đốt. Các bác sĩ cảnh báo nọc ong vò vẽ rất độc, có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng... Nếu không xử trí kịp thời, nạn nhân rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Nhật Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguoi-dan-ong-vao-rung-san-loai-kich-doc-kiem-hang-chuc-trieu-dong-d595915.html