Người đàn ông Xơ Đăng và sứ mệnh gìn giữ thanh âm của đại ngàn

Dù đã tốt nghiệp đại học, nhưng anh A Huyền, dân tộc Xơ Đăng, ở thôn 3, xã Đăk Tô, Quảng Ngãi lại chọn cho mình lối đi riêng, là về quê, sống với đam mê chế tác nhạc cụ dân tộc. Bởi với anh, thanh âm của các loại nhạc cụ là thanh âm của đại ngàn.

Anh A Huyền dành không gian nhỏ để trưng bày các loại nhạc cụ do mình làm ra

Anh A Huyền dành không gian nhỏ để trưng bày các loại nhạc cụ do mình làm ra

Lớn lên cùng thanh âm đại ngàn

Sinh ra và lớn lên tại xã Tu Mơ Rông, nơi có những thác nước, ngọn núi, cánh rừng hùng vĩ và những ngôi làng truyền thống của người Xơ Đăng, ngay từ nhỏ, anh A Huyền đã được nghe thanh âm của cồng chiêng, của đàn Tơ rưng, Ting ning, Klông pút mỗi khi làng có lễ hội.

Anh A Huyền chia sẻ: Lúc nhỏ, khi làng có lễ hội, hoặc khi các chú, các anh trong làng tập luyện cồng chiêng, chơi nhạc cụ truyền thống tôi đều đến xem, nghe âm thanh cảm thấy rất thích, có sức hút lạ kỳ. Sau đó, tôi theo học và dần dần cũng biết được cách biểu diễn. Năm tôi 15 tuổi, gia đình chuyển về sinh sống ở xã Đăk Tô. Không còn gần với làng nữa, nhưng tôi vẫn đam mê và luôn ấp ủ sẽ chế tác được các loại nhạc cụ đó.

Các vật liệu tre, nứa thô sơ nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của anh A Huyền, đã trở thành những loại nhạc cụ truyền thống mang thanh âm của đại ngàn

Các vật liệu tre, nứa thô sơ nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của anh A Huyền, đã trở thành những loại nhạc cụ truyền thống mang thanh âm của đại ngàn

Với sự quan tâm của gia đình, anh A Huyền được đi học Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội tại Hà Nội. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp, anh quyết định trở về quê nhà, theo đuổi đam mê chế tác và giữ gìn thanh âm của các loại nhạc cụ truyền thống của người Xơ Đăng đang có nguy cơ mai một.

Lúc đầu chế tác nhạc cụ gặp nhiều khó khăn, đàn làm ra đánh âm thanh không chuẩn. Nhưng với kiến thức học được ở trường và chịu khó học hỏi từ các nghệ nhân lớn tuổi nên anh A Huyền dần có kinh nghiệm hơn trong việc chế tác nhạc cụ dân tộc.

“Kể từ chiếc đàn Tơ rưng đầu tiên được chế tác hơn 10 năm trước, đến bây giờ, tôi có thể chế tác nhiều loại nhạc cụ khác nhau, như: Đàn tre, đàn Klông pút, Tơ rưng, Ting ning, đàn đá và chỉnh chiêng”, anh A Huyền tâm sự.

Anh A Huyền luôn chỉ dạy và truyền ngọn lửa đam mê với nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ

Anh A Huyền luôn chỉ dạy và truyền ngọn lửa đam mê với nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ

Hiện tại, anh là một trong số ít người trên địa bàn xã Đăk Tô có thể chế tác và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống của người Xơ Đăng, trình diễn cồng chiêng và chỉnh chiêng. Không giữ cho riêng mình, anh đang truyền ngọn lửa đam mê ấy cho thanh niên trong thôn.

Sống được với đam mê

Để có thể trang trải cuộc sống và theo đuổi đam mê chế tác nhạc cụ truyền thống dân tộc, anh A Huyền không ngừng quảng bá các sản phẩm của mình làm ra trên các nền tảng mạng xã hội và được chính quyền địa phương tạo điều kiện thường xuyên tham gia trình diễn nhạc cụ tại các hội diễn, liên hoan trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, các loại nhạc cụ do anh chế tác đã được nhiều người biết đến và đặt mua, giúp anh có thêm thu nhập.

Anh A Huyền chia sẻ, khi làm chiếc đàn Tơ rưng này, quan trọng nhất là phải biết gọt các thanh cho chuẩn và thẩm âm tốt để tạo nên một chiếc đàn hoàn chỉnh

Anh A Huyền chia sẻ, khi làm chiếc đàn Tơ rưng này, quan trọng nhất là phải biết gọt các thanh cho chuẩn và thẩm âm tốt để tạo nên một chiếc đàn hoàn chỉnh

Anh A Huyền chia sẻ: Trước kia, nguyên vật liệu chế tác nhạc cụ nhiều lắm, chỉ cần lên rẫy là có thể tìm được cây tre, nứa, mây để làm các loại đàn. Nhưng nay, nguyên vật liệu khan hiếm dần, để tìm được thì phải đi rất xa, vào tận rừng sâu nên chi phí cũng nhiều. Nhờ có các khách đặt hàng mua các loại đàn, giá dao động từ 3 - 15 triệu đồng, nên giúp tôi có thu nhập bù chi phí sản xuất và có tích lũy.

Không chỉ chế tác nhạc cụ, anh còn tích cực tham gia các lớp truyền dạy cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống cho các làng đồng bào DTTS, các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Với anh, được đi dạy, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đến với thế hệ trẻ là điều hạnh phúc nhất.

Anh A Huyền tham gia truyền dạy cách trình diễn nhạc cụ truyền thống cho các làng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi

Anh A Huyền tham gia truyền dạy cách trình diễn nhạc cụ truyền thống cho các làng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi

“Qua các lần đi truyền dạy cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc cho thanh thiếu niên, tôi thấy các em rất đam mê với văn hóa dân tộc. Vì vậy, tôi dự định sẽ thành lập nhóm thanh niên có cùng đam mê, biết chế tác và sử dụng các nhạc cụ truyền thống dân tộc để lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong thế hệ trẻ”, anh A Huyền tâm sự.

40 tuổi, anh A Huyền đã coi việc chế tác nhạc cụ truyền thống như là sứ mệnh để giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống và truyền cảm hứng đến với mọi người. Với những đóng góp của anh, tin rằng công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc tại địa phương sẽ đạt được những kết quả tích cực.

Ngọc Chí

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-dan-ong-xo-dang-va-su-menh-gin-giu-thanh-am-cua-dai-ngan-2420650.html