Người dân phủ nhận ký tên biên bản hiệp thương với UBND huyện Nhà Bè, tòa cho giám định chữ ký

Đại diện UBND huyện Nhà Bè cho biết, đã lập biên bản với bà Nguyễn Thị Sáu về việc hiệp thương bồi thường 25.000 đồng/m2 đất. Thế nhưng, người dân khẳng định 'chưa từng ký tên vào văn bản nào' nên yêu cầu tòa giám định chữ ký.

Chiều 27/5, Tòa án nhân dân TP HCM tiếp tục xét xử vụ kiện quyết định hành chính giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Sáu và bị đơn là Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, Chủ tịch UBND TP HCM.

 Bà Nguyễn Thị Sáu (trái) và người đại diện theo pháp luật tại tòa

Bà Nguyễn Thị Sáu (trái) và người đại diện theo pháp luật tại tòa

Thay vì tuyên án như dự kiến, chủ tọa thông báo trở lại phần xét hỏi để làm rõ một số nội dung. Các câu hỏi HĐXX đặt ra xoay quanh việc UBND huyện Nhà Bè hiệp thương bồi thường đất cho dân.

Trả lời trước tòa, đại diện UBND huyện Nhà Bè cho biết, việc hiệp thương đã kết thúc kể từ thời điểm lập biên bản với người dân dù kết quả thành công hay không, người dân đã nhận tiền hay chưa. Cùng với đó, UBND huyện Nhà Bè khai đã gửi tiền bồi thường vào tài khoản tiết kiệm ngân hàng trong năm 2003, “xem như đã quyết toán bồi thường xong”.

Trong khi đó, phía bà Nguyễn Thị Sáu cho biết chưa nhận được thông báo về việc tiền bồi thường đã được gửi vào tài khoản ngân hàng. Đồng thời, nguyên đơn nhiều lần khẳng định “chưa từng ký tên vào biên bản hiệp thương nào với UBND huyện Nhà Bè” như theo văn bản cơ quan này đưa ra trước tòa. Dù trong biên bản này có thể hiện việc bà Sáu không đồng ý mức bồi thường 76 triệu đồng cho 3.000m2 đất.

Từ đó, phía bà Nguyễn Thị Sáu yêu cầu tòa cho giám định khoa học chữ ký trên văn bản hiệp thương vào năm 1999 của UBND huyện Nhà Bè đưa ra. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định dừng phiên xử để thực hiện yêu cầu này của nguyên đơn.

Tại phiên xử trước đó, UBND huyện Nhà Bè cho biết đã chuyển tiền thực hiện việc bồi thường cho bà Sáu vào ngày 26/9/2003, người đứng tên là một cán bộ của Ban Bồi thường. Trong khi đó, đại diện cho bị đơn chất vấn: “Có quyết định nào cho phép cá nhân được đứng tên khoản tiền bồi thường của bà Sáu không?”.

Cũng tại phiên xử, phía nguyên đơn chỉ ra việc UBND huyện cưỡng chế bàn giao đất của người dân khi chưa ban hành quyết định thu hồi đất cũng như quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là sai quy định.

Theo nội dung khởi kiện, bà Nguyễn Thị Sáu là chủ sử dụng thửa đất nông nghiệp có diện tích 3.000m2 ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Nhà Bè cấp ngày 17/1/1994. Nguồn gốc đất do ông bà để lại từ năm 1973 và trồng lúa ổn định, không có tranh chấp.

Diện tích 3.000m2 nêu trên nằm trong dự án quỹ đất dự trữ của thành phố được UBND TP HCM phê duyệt năm 1999.

UBND TP HCM ban hành Quyết định số 7319/QĐ-UB-ĐB ngày 29/11/1999 về việc di chuyển nhà ở dân cư, các tổ chức thực hiện đền bù, trợ cấp thiệt hại, tái bố trí dân cư trong dự án đầu tư xây dựng đường nối từ đường Bình Thuận đến Khu công nghiệp Hiệp Phước và quỹ đất dữ trữ cho TP HCM tại quận 7 và huyện Nhà Bè.

Theo đó, UBND huyện Nhà Bè hiệp thương đền bù cho bà Sáu với tổng số tiền 76 triệu đồng, bao gồm: bồi thường về đất 25.000 đồng/m2, thưởng 1 triệu đồng. Song, bà Sáu không đồng ý và yêu cầu được đền theo giá thị trường hoặc hoán đổi cho bà 3.000m2 đất ở nơi khác có vị trí, loại đất tương đương, nhưng bị từ chối.

Sau đó, UBND huyện Nhà Bè đề nghị hỗ trợ bổ sung cho bà Sáu được mua 1 căn nhà chung cư với giá thành xây dựng nhưng bà không đồng ý.

UBND huyện Nhà Bè sau đó tiến hành cưỡng chế thu hồi phần đất trên, bà Sáu quyết định khiếu nại. Khiếu nại của bà Sáu lần lượt bị UBND huyện Nhà Bè, UBND TP HCM bác.

Sau đó, bà Nguyễn Thị Sáu khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết: hủy các quyết định giải quyết khiếu nại và quyết định về việc cưỡng chế; buộc UBND huyện Nhà Bè phải bồi thường đất theo giá thị trường là hơn 16,5 triệu đồng/m2…

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-dan-phu-nhan-ky-ten-bien-ban-hiep-thuong-voi-ubnd-huyen-nha-be-toa-cho-giam-dinh-chu-ky-post297078.html