Người dân Quảng Bình tiếp tục chặn cổng nhà máy xi măng, tỉnh tổ chức đối thoại

Do tình trạng ô nhiễm nặng nề nên 15 hộ dân sống gần Nhà máy Xi măng Áng Sơn đã dựng lều bạt, căng rào chắn trước cổng vào.

Từ ngày 5/11 đến sáng 7/11, 15 hộ dân sống gần Nhà máy Xi măng Áng Sơn thuộc Công ty Cổ phần COSEVCO 6 và Nhà máy Xi măng Vạn Ninh thuộc Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân, tại thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình dựng lều bạt, căng rào chắn trước cổng vào, yêu cầu lãnh đạo nhà máy cho dừng hoạt động hoặc hỗ trợ di dời các hộ dân ra khỏi khu vực gần nhà máy.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cùng chính quyền địa phương, các sở, ngành đã tổ chức đối thoại, nghe đại diện các hộ dân trình bày nguyện vọng và bàn giải pháp tháo gỡ.

Hàng trăm chuyến xe tải trọng lớn qua lại, gây tiếng ồn suốt ngày đêm và bụi mù mịt xung quanh nhà máy xi măng.

Hàng trăm chuyến xe tải trọng lớn qua lại, gây tiếng ồn suốt ngày đêm và bụi mù mịt xung quanh nhà máy xi măng.

15 hộ dân ở thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình sống gần các nhà máy xi măng ở đây. Bà con đã nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Thuận, một trong số các hộ dân sống gần khu vực nhà máy sản xuất xi măng ở thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh cho biết, mong muốn của người dân là được di dời ra khỏi khu vực ô nhiễm.

“Bụi bặm lắm, tôi giờ cũng bị bệnh, bị ho. Dân mong muốn đền bù nhưng nhà máy chưa có vốn nên không thể giải quyết kịp một sớm một chiều. Trước mắt, huyện có giải quyết là nếu dân thấy quá bụi thì sẽ di dời, nhà nước sẽ cho mượn đất để làm nhà ở. Dân cũng muốn đi để đỡ bụi bặm nhưng giờ đi thì lấy kinh phí đâu mà đi”, ông Thuận cho biết.

Người dân sống xung quanh các nhà máy xi măng đã nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường và yêu cầu nhà máy dừng hoạt động. Ở gần nhà máy sản xuất xi măng, ngôi nhà của ông Trần Đình Nguyên (80 tuổi), ở thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh luôn đóng cửa kín vì bụi bay vào nhà. Mỗi ngày, hàng trăm chuyến xe tải trọng lớn qua lại, gây tiếng ồn suốt ngày đêm, khói từ các nhà máy xả ra khiến không khí trong vùng bị ô nhiễm, bụi mù mịt.

Mặc dù đóng cửa kín nhưng bụi từ nhà máy xi măng vẫn bay vào nhà dân xung quanh.

Mặc dù đóng cửa kín nhưng bụi từ nhà máy xi măng vẫn bay vào nhà dân xung quanh.

Không chịu nổi cảnh bụi bặm nên vợ chồng ông Trần Bình Nguyên phải cùng nhiều người ở đây ra chặn cổng nhà máy đề nghị tạm dừng hoạt động: “Ở đây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, người dân ở đây sống chung với bụi, ăn chung, ngủ chung với bụi suốt cả một thời gian dài. Anh em trong 15 hộ ở đây quá bức xúc, bao nhiêu lần Sở Tài nguyên và Môi trường lên đây nhưng vẫn không giải quyết được”.

Trước thực tế này, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo huyện Quảng Ninh xây dựng khu tái định cư nhằm di dời các hộ dân ra khỏi khu vực này. Ông Phan Xuân Hào, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết, 15 hộ nằm tiếp giáp với Nhà máy Xi măng Áng Sơn của Công ty Cổ phần COSEVCO 6, do công ty đang khó khăn về tài chính nên không có khả năng bồi thường cho các hộ dân di dời ra khỏi khu vực.

Người dân dựng lều bạt, rào chắn, căng băng rôn trước cổng vào nhà máy xi măng, yêu cầu lãnh đạo nhà máy cho dừng hoạt động.

Người dân dựng lều bạt, rào chắn, căng băng rôn trước cổng vào nhà máy xi măng, yêu cầu lãnh đạo nhà máy cho dừng hoạt động.

Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan bố trí nguồn vốn, chỉ đạo địa phương tìm địa điểm mà người dân đồng thuận để xây dựng khu tái định cư cho bà con sớm ổn định cuộc sống. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản yêu cầu Nhà máy Xi măng Áng Sơn thuộc Công ty Cổ phần COSEVCO 6 và Nhà máy Xi măng Vạn Ninh thuộc Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân thực hiện đúng pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ông Phan Xuân Hào cho biết thêm, tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường tại 2 nhà máy xi măng; yêu cầu 2 nhà máy này thực hiện các giải pháp hạn chế bụi phát tán vào khu dân cư, ảnh hưởng cuộc sống người dân.

“Thống nhất tìm một vị trí theo tinh thần phù hợp với nguyện vọng của người dân, thỏa mãn các điều kiện quy hoạch, đảm bảo diện tích vừa nhà ở vừa có vườn để người dân di dời định cư có điều kiện thuận lợi. Tỉnh cũng đang kêu gọi nhà đầu tư mua lại Nhà máy Xi măng Áng Sơn, khi họ có nguồn lực họ sẽ lồng ghép vào việc giải phóng mặt bằng khu vực này phục vụ cho việc lập cụm xi măng của nhà đầu tư mới, ổn định cho người dân lâu dài và giải quyết căn cơ của việc này" - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình thông tin./.

Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-dan-quang-binh-tiep-tuc-chan-cong-nha-may-xi-mang-tinh-to-chuc-doi-thoai-903686.vov