Người dân ra đường vẫn đông: Hà Nội lập 6 tổ kiểm soát trong nội thành

Ngày hôm qua (16/8), bước sang tuần giãn cách xã hội thứ tư của TP Hà Nội, người dân ùn ùn đổ ra đường như chưa từng có dịch bệnh Covid-19, gây lo lắng ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch của toàn TP.

Đường sá đông đúc

Từ ngày 24/7, Chỉ thị số 17/CT-UBND và Công điện 18/CĐ-UBND của UBND TP Hà Nội yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu... Sau gần một tháng triển khai, nhìn chung người dân Thủ đô đều có tâm lý vững vàng, quyết tâm đồng lòng cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh. Song, vẫn còn bộ phận không nhỏ người dân còn tâm lý chủ quan.

 Đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân vẫn đông đúc phương tiện dù đang trong những ngày giãn cách. Ảnh: Phạm Hùng

Đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân vẫn đông đúc phương tiện dù đang trong những ngày giãn cách. Ảnh: Phạm Hùng

Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng chức năng các quận, huyện, phường, xã đã tăng cường tại các chốt trực, siết chặt việc kiểm tra giấy đi đường, xử phạt những người ra đường không lý do cần thiết. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm trong buổi sáng và cuối giờ chiều hàng ngày, lưu lượng người tham gia giao thông trên các tuyến phố vẫn đông. Lực lượng chức năng phải vất vả để kiểm tra giấy đi đường của người dân tại các chốt. Có những khu vực như tại ngã tư Giảng Võ giao với Láng Hạ, đường Tố Hữu, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh... lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn khiến nhiều điểm chốt đã xảy ra tình trạng tắc. Một số điểm chốt đã tăng cường thêm nhân lực và “xả trạm” để tránh tình trạng tập trung đông người, nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, sáng 16/8, tại các trục đường chính như Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Lê Văn Lương, xe cộ đông đúc, chen chân nhau chờ đèn đỏ, không đảm bảo giãn cách. Các trục đường giao thông tại cửa ngõ TP, các tuyến đường gom ven Vành đai 3 như Đường 32, Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Cầu Giấy, Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển... cũng tấp nập người, xe qua lại. Lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên đường đông không kém những ngày chưa có "lệnh" giãn cách xã hội.
Xử lý nghiêm vi phạm
Sau 3 tuần giãn cách xã hội, TP Hà Nội đạt được một số thành quả nhất định trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, việc người dân ra đường đông vào thời gian gần đây sẽ khiến việc dập dịch của chính quyền TP trở nên khó khăn hơn. Anh Nguyễn Cao Sơn trú tại Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi khá bất ngờ khi những ngày gần đây nhiều tuyến phố nhộn nhịp trở lại. Ai cũng có lý do để ra đường nhưng khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, mọi người nên chấp hành nghiêm quy định chung của TP”.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho biết, sự thành công trong công tác chống dịch Covid-19 phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tuân thủ của người dân, chỉ cần một người không tuân thủ sẽ phá hủy công sức phòng, chống dịch của hàng nghìn, hàng vạn người đang ngày đêm chung tay chống dịch. “Vì vậy, công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội muốn thành công cần phải có sự hợp tác, sự tuân thủ nêu gương của các tầng lớp Nhân dân thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của UBND TP, để từng bước đẩy lùi dịch Covid-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới” - luật sư Nguyễn Hữu Toại nhấn mạnh.
Theo luật sư Đặng Đình Ngọc (Văn phòng Luật sư Kết Nối), trong bối cảnh hiện nay, cả TP Hà Nội đang căng mình chống dịch Covid-19, các quy định của TP về việc giãn cách, cấm tụ tập đông người đã được thông báo, phổ biến đến người dân trên các phương tiện thông tin, truyền thông và tuyên truyền của UBND các cấp, thôn, xóm, tổ dân phố. Việc người dân ra đường lý do không cần thiết, tụ tập đông người làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch, thể hiện ý thức, thái độ coi thường pháp luật.
“Đối với hành vi coi thường, bất chấp các khuyến nghị của cơ quan Nhà nước, vi phạm pháp luật, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang gia tăng thì cần phải xử lý thật nghiêm khắc để làm bài học giáo dục, cảnh tỉnh cho những người khác nếu có ý định vi phạm” - luật sư Đặng Đình Ngọc nêu quan điểm.
Chiều 16/8, Công an TP Hà Nội cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cũng như việc người dân có xu hướng ra đường ngày càng nhiều trên địa bàn TP, Công an TP thành lập 6 tổ công tác kiểm soát chặt người và phương tiện đi lại không có lý do tại 12 quận nội thành. Đại tá Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an TP cho biết, Công an TP Hà Nội bố trí 6 tổ công tác làm nhiệm vụ trên các tuyến đường xuyên tâm với quyết tâm cao kiểm soát chặt lượng người tham gia lưu thông trên đường không đúng đối tượng để xử lý nghiêm. Theo đó, mỗi tổ công tác bao gồm 15 cán bộ, chiến sĩ tập trung cắm chốt trên những tuyến phố chính kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện đi lại trong nội đô.

"Căn cứ vào tình hình từng địa bàn, các tổ công tác sẽ tính toán thời gian, tuyến đường cắm chốt để kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện đi lại trên đường. Mục đích của việc kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm đối với những trường hợp ra đường không đúng quy định phòng, chống dịch." - Đại tá Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội

Phạm Công – Thái San – Đạt Lê

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nguoi-dan-ra-duong-van-dong-ha-noi-lap-6-to-kiem-soat-trong-noi-thanh-431396.html