Người dân rốn lũ Vũ Quang phơi lại nông sản, dọn gác xép để 'sống chung với lũ'

Chủ động gia cố lại chuồng nuôi, đưa tài sản lên gác xép, xây nhà tránh lũ… là những biện pháp mà người dân vùng rốn lũ Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang thực hiện để ứng phó với mưa lũ sắp tới.

Người dân thôn Hương Thọ làm chuồng nuôi 2 tầng cho trâu, bò, để ứng phó với mưa lũ.

Là những thôn chịu ảnh hưởng rất nặng mỗi khi xẩy ra mưa lũ ở huyện Vũ Quang nên ngay từ khi trời chuyển sang thu, người dân thôn Hương Đại, Hương Đồng và Hương Thọ (xã Đức Hương) đã khẩn trương thực hiện các biện pháp tránh lũ.

Ông Lê Quang Đáng (thôn Hương Thọ) cho biết: Năm 2018, trận lụt lớn bất ngờ khiến nhà ông ngập đến 2m, 4 con bò phải đưa đi lánh nạn trong rừng rất vất vả nên ông quyết tâm làm chuồng chăn nuôi 2 tầng để vừa cất giữ tài sản vừa cho bò trú ngụ khi lũ lụt xẩy ra.

Chuồng nuôi vừa là nơi cho bò trú ngụ, vừa là nơi để ông Lê Quang Đáng (bên trái, thôn Hương Thọ) cất giữ tài sản mỗi khi mùa mưa lũ đến.

“Do nằm ở vùng thấp trũng, lại sát bên dòng sông Ngàn Sâu nên chỉ cần trời mưa to liên tục ít giờ là nước lũ đã dâng lên. Những năm trước, khi chưa làm chuồng chống lũ cho trâu bò, cứ mỗi khi lũ tới, gia đình tôi lại phải chia nhau ra, người thì lo bưng kê các vật dụng trong gia đình, người thì lo dắt trâu bò lên đồi cao. Đợt lũ năm 2019, dù cho nước dâng ngập tứ phía nhưng đàn bò của gia đình tôi vẫn an toàn", ông Đáng cho biết thêm.

Nhà tránh lũ giúp người dân ở xã Đức Hương hạn chế được thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Anh Nguyễn Văn Nam (thôn Hương Đại) cho biết, trước đây gia đình luôn nơm nớp mỗi khi có lũ về vì nhà cửa quá thấp. Chính lo lắng đó, năm 2018, gia đình anh đã đầu tư gần 200 triệu để xây nhà tránh lũ.

“Nhiều khi, lũ không vào nhưng cũng phải dời dọn đồ đạc đi gửi ở vùng trên rất vất vả. Nhưng, từ khi có nhà mới, mùa lũ chủ động đưa đồ đạc, vật dụng lên tầng, gia đình tôi không còn phải lo “ôm” đồ chạy lũ như trước”, anh Nam nói.

Bí thư Đảng ủy xã Đức Hương Lê Văn Lợi chia sẻ: “Đức Hương là một trong những xã trên địa bàn Vũ Quang chịu ảnh hưởng nặng nhất mỗi khi xảy ra mưa lũ, tập trung chủ yếu ở 3 thôn: Hương Đồng, Hương Đại, Hương Thọ với gần 400 hộ thường xuyên bị ngập lụt. Vì vậy, ngay từ đầu mùa mưa, các kế hoạch, phương án tổ chức sử dụng lực lượng và phương tiện, vật chất hậu cần, lương thực thực phẩm... đều được xã xây dựng chi tiết đến từng thôn, tổ liên gia. Năm nay, xã cũng vừa được huyện đầu tư xây dựng hai nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ, dùng để sơ tán người già, trẻ nhỏ trong những tình huống khẩn cấp”.

Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Hội Trung, xã Đức Liên) đang đưa tài sản có giá trị lên gác xép, để đề phòng mưa lũ đến bất ngờ.

Một số người dân xã Đức Liên cho hay, trận lũ năm 2019, mực nước sông Ngàn Sâu tại trạm Hòa Duyệt (xã Đức Liên) cao 7,91m (trên báo động 1 là 0,41m) khiến các thôn như Hội Trung, Liên Hội, Liên Châu chìm trong biển nước, gây thiệt hại lớn về tài sản.

Người dân chủ động phơi lại các loại nông sản trước khi bước vào mùa mưa.

Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Hội Trung, xã Đức Liên) cho biết: “Những năm trước do chủ quan “nước đến chân mới nhảy” nên gia đình tôi bị ẩm mốc gần 5 tạ lúa và ngô, chết gần 200 con gà. Năm nay, vợ chồng tôi đã dọn dẹp gác xép để vận chuyển những tài sản có giá trị, đồng thời phơi lại các loại nông sản dễ ẩm mốc để bảo quản, chuẩn bị ứng phó với mùa mưa lũ sắp tới”.

Bà Hoa cũng cho biết thêm, bên cạnh thực hiện các biện pháp tại chỗ, bà cũng thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Nguyễn Văn Quyền (thôn Hội Trung) dọn dẹp lại gác xép...

Ông Nguyễn Văn Quyền (thôn Hội Trung) cho biết, những năm trước mưa lũ ập đến vào ban đêm, ông chỉ kịp mang những tài sản có giá trị lên cao, còn thức ăn chăn nuôi và đàn gia súc ông “trở tay không kịp". “Mùa lũ năm nay, bên cạnh chuyển các tài sản có giá trị lên cao, việc bảo quản nguồn thức ăn cho vật nuôi như rơm rạ, ngô.. cũng được chúng tôi cất giữ”, ông Quyền cho biết thêm.

Ông Quyền gia cố lại chuồng bò.

Ông Nguyễn Trường Thọ - Trường phòng NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Vũ Quang cho biết: “Hiện tại, mọi công tác chuẩn bị ứng phó với mùa lũ lụt năm nay đã cơ bản được hoàn tất. Riêng đối với vùng “rốn lũ” gồm 6 xã: Đức Liên, Đức Hương, Đức Bồng, Đức Giang, Đức Lĩnh, Ân Phú, trong đó 2 xã ngập mạnh nhất là Đức Liên và Đức Giang thì huyện thường xuyên đốc thúc, ráo riết kiểm tra từng nội dung công việc, để chủ động đối phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại nếu mưa lũ xẩy ra".

Với mỗi người dân vùng rốn lũ Vũ Quang, thuyền bè được xem là “vật bất ly thân” mỗi khi mùa mưa bão tới.

Cũng theo ông Thọ, công tác đảm bảo hậu cần, lực lượng, phương tiện phòng chống bão lụt cũng được huyện Vũ Quang chuẩn bị kỹ lưỡng với 15 tấn gạo, 1.550 thùng nước khoáng, 710kg lương khô, 2.900 thùng mì tôm, các loại nhu yếu phẩm khác như dầu thắp, xăng; khoảng hơn 710 người gồm các lực lượng, tập trung ở các xã, thị trấn. Các địa phương cũng đã chuẩn bị hàng chục ô tô, thuyền, các loại máy công trình và hàng trăm thuyền nhỏ của người dân... để huy động khi cần.

Văn Chung

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/nguoi-dan-ron-lu-vu-quang-phoi-lai-nong-san-don-gac-xep-de-song-chung-voi-lu/197432.htm