Người dân rút ATM thưa thớt thời điểm cận Tết

Chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Tại các máy rút tiền tự động (ATM) chỉ ghi nhận số ít người dân đến rút tiền mặt. Điều này phản ánh sự đổi khác trong xu hướng thanh toán hiện nay.

Thói quen thanh toán đổi thay

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Thời báo Ngân hàng tại Hà Nội, trên một số các con đường tập trung các chi nhánh ngân hàng như Khâm Thiên, Lạc Trung, Đại Cồ Việt… lượng khách rút tiền qua ATM mấy ngày qua khá thưa thớt. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại khu vực có đông đúc dân cư như tại Khu đô thị Vinhomes Times City (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chỉ lác đác 2 - 3 người tới rút tiền tại các máy ATM.

Hình ảnh ATM vắng vẻ trên đường Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội)

Hình ảnh ATM vắng vẻ trên đường Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội)

Anh Hoàng Minh Phương (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, rút tiền mặt không còn là vấn đề lớn hiện nay, khi ở mọi nơi đều có thể quét mã QR hoặc dùng thẻ thanh toán. Trước kia, cứ mỗi khi Tết đến, anh thường phải rút trước một khoản tiền để đảm bảo chi tiêu dịp Tết thì hiện nay, với việc thanh toán online, mua sắm không cần tiền mặt trở nên ngày càng phổ biến thì ngay cả khi về quê hay đi du lịch xa, anh Phương không còn gặp vướng mắc trong thanh toán dù không cầm theo tiền mặt. Anh Phương cũng thông tin thêm, hiện anh chỉ rút tiền mặt để phục vụ cho nhu cầu chi tiêu bố mẹ, vốn là những người cao tuổi không am hiểu nhiều về công nghệ thanh toán trực tuyến.

Thực tế trên cũng phù hợp với những số liệu mới nhất của NAPAS, trong năm 2024, dịch vụ rút tiền trên ATM qua hệ thống tiếp tục có xu hướng giảm mạnh tới 19,5% so với cùng kỳ và chỉ chiếm 2,4% tổng số giao dịch của toàn hệ thống.

Đi chợ ngày Tết cũng có thể chuyển khoản, không cần tiền mặt tại các điểm bán hàng. Ảnh: Hoàng Giáp

Đi chợ ngày Tết cũng có thể chuyển khoản, không cần tiền mặt tại các điểm bán hàng. Ảnh: Hoàng Giáp

Điều này cho thấy sự phổ cập của các phương thức thanh toán trực tuyến đang thay thế cho tiền mặt trong đời sống hàng ngày của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Thời gian gần đây, các hình thức thanh toán trực tuyến thực sự đã lan tỏa vào mọi ngõ ngách cuộc sống, từ trả tiền cốc cà phê tới mua mớ rau ngoài chợ cũng có thể chuyển khoản…

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong 11 tháng đầu năm 2024 cũng đã chứng minh được sự tăng trưởng của thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,86% về số lượng và 33,73% về giá trị; thanh toán qua kênh internet tăng 50,67% về số lượng và 33% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 54,51% về số lượng và 34,34% về giá trị; qua QR Code tăng 106,68% về số lượng và 84,77% về giá trị. Tương tự, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cũng ghi nhận tăng 6,82% về số lượng và 33,09% về giá trị.

Được biết, ATM từ trước đến nay vốn được là kênh phục vụ, giải quyết các nhu cầu rút tiền mặt cá nhân của người dân. Vài năm về trước, cứ đến thời điểm cận Tết Nguyên đán, bởi nhu cầu cao nên tại phương tiện thông tin đại chúng cũng như các nhóm, hội trên mạng thường nhắc về câu chuyện “máy ATM hết tiền”, “máy ATM ngừng hoạt động”, “máy ATM dừng nhả tiền”, “người dân xếp hàng dài cả tiếng đồng hồ mà vẫn không rút được tiền”… Nhưng đến thời điểm hiện tại, câu chuyện này đã thay đổi khi người dân Việt Nam ngày càng quen thuộc với các giao dịch không dùng tiền mặt.

Vài năm qua, các ngân hàng, tổ chức trung gian tài chính liên tục giới thiệu, dần phổ cập tới người dân nhiều hình thức thanh toán không cần tiền mặt mới bằng thẻ chip phi tiếp xúc (contactless), thanh toán trực tuyến, xuyên biên giới tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua NFC, ứng dụng Mobile Banking… Hiện các giao dịch thanh toán không tiền mặt cũng ngày hiện đại với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, định danh điện tử (eKYC) thuận tiện và đảm bảo an toàn, bảo mật.

Đảm bảo giao dịch được thông suốt trong dịp Tết

Dù thanh toán không dùng tiền mặt của người dân đã thay đổi mạnh mẽ, nhưng cơ quan quản lý cũng hề có dấu hiệu buông lỏng, chủ quan. Cuối tháng 12/2024 vừa qua, NHNN đã có Văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc cơ quan này, các tổ chức tín dụng, Napas và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán... triển khai một số biện pháp để đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt. NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý rủi ro, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi gian lận trong hoạt động thanh toán.

Đảm bảo giao dịch được thông suốt, an toàn trong dịp Tết 2025

Đảm bảo giao dịch được thông suốt, an toàn trong dịp Tết 2025

Đồng thời, NHNN yêu cầu tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thanh toán liên ngân hàng qua các hệ thống thanh toán, đảm bảo an toàn, thông suốt, phục vụ nhu cầu thanh toán của khách hàng trong thời gian Tết Nguyên đán 2025. Chủ động dự báo về tình hình nhu cầu thanh toán và có phương án ứng phó cụ thể cho từng trường hợp để bố trí đầy đủ nguồn lực, đáp ứng nhu cầu thanh toán tăng cao trước và trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025. Các ngân hàng thương mại cũng được yêu cầu chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM phù hợp với từng địa bàn, khu vực; giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời; xử lý, ứng phó kịp thời các sự cố, tình huống phát sinh, không để ảnh hưởng đến giao dịch thanh toán rút tiền của người dân. Đồng thời, cần có biện pháp đảm bảo hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán ổn định, thông suốt nhằm phục vụ tốt công tác thanh toán; xử lý và phản hồi kịp thời các yêu cầu tra soát, khiếu nại của khách hàng theo quy định; khắc phục các sự cố, tình huống phát sinh đảm bảo hoạt động thanh toán thông suốt, liên tục, ổn định, an toàn;…

Về phía các ngân hàng thương mại, hầu hết các ngân hàng cho biết sẽ nghỉ giao dịch từ ngày 25/1/2025 (thứ Bảy) đến hết ngày 2/2/2025 (Chủ Nhật), tức từ ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết ngày Mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ.

Trong giai đoạn ngân hàng nghỉ Tết Nguyên đán, việc giao dịch trực tiếp tại các phòng giao dịch, chi nhánh sẽ bị hạn chế hoặc tạm ngừng hoàn toàn theo thông báo cụ thể của từng ngân hàng. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các ngân hàng đã và đang triển khai nhiều kênh giao dịch trực tuyến và tự động khác nhau.

Theo đó, hầu hết các giao dịch như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, kiểm tra số dư... đều có thể thực hiện qua internet banking, mobile banking hoặc tại các máy ATM. Khách hàng cũng có thể sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán tại các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng... chấp nhận thanh toán thẻ.

Các ngân hàng cũng khuyến cáo, trước khi thực hiện giao dịch, khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin tài khoản người nhận để tránh chuyển nhầm tiền. Người dân phải luôn bảo mật thông tin cá nhân và mật khẩu khi giao dịch trực tuyến, tránh truy cập vào các đường link lạ hoặc cung cấp thông tin cho người khác; không chia sẻ thông tin cá nhân và mật khẩu với bất kỳ ai, kể cả người thân. Một số ngân hàng cũng đề nghị khách hàng phát sinh các giao dịch chuyển khoản lớn hoặc yêu cầu đặc biệt nên thực hiện trước khi ngân hàng nghỉ Tết để đảm bảo giao dịch được xử lý kịp thời. Nên thanh toán các hóa đơn định kỳ trước Tết để tránh phát sinh phí phạt.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nguoi-dan-rut-atm-thua-thot-thoi-diem-can-tet-160115.html