Người dân sẽ được hưởng lợi từ những chính sách phù hợp
Sau khi đánh giá lại, trong giai đoạn 2010-2017, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng bình quân 25,4%/năm. Kết quả đánh giá lại quy mô GDP có tác động như thế nào đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế và hoạt động này sẽ mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế Việt Nam và người dân?
Tốc độ GDP hằng năm tăng nhẹ
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho hay, quy mô GDP tăng bình quân 25,4%/năm trong giai đoạn 2010-2017 sau khi đánh giá lại, tương ứng tăng 935.000 tỷ đồng/năm, trong đó năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất với 27,3% và năm 2015 có tỷ lệ tăng thấp nhất là 23,8%. Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt 6.294.000 tỷ đồng (số đã công bố trước đây là 5.006.000 tỷ đồng). Theo đó, tốc độ tăng GDP hằng năm trong giai đoạn 2011-2017 tăng nhẹ, phù hợp với xu hướng tăng trưởng công bố hằng năm, mỗi năm tăng 0,13-0,48 điểm phần trăm, trong đó năm 2016 tăng cao nhất với 0,48 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, theo Tổng cục Thống kê, quy mô GDP thay đổi dẫn tới các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác cũng thay đổi, cụ thể: Tích lũy tài sản bình quân mỗi năm tăng 28,98%; tổng thu nhập quốc gia bình quân mỗi năm tăng 26,6%; GDP bình quân đầu người bình quân tăng thêm 10,3 triệu đồng/người/năm, tương ứng 25,6%/năm; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP giảm bình quân 1,2%/năm; tỷ lệ dư nợ công so với GDP bình quân giai đoạn 2010-2017 giảm khoảng 11,6%/năm…
Lý giải vì sao quy mô GDP tăng lên 25,4%/năm trong giai đoạn 2010-2017, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê, ông Phạm Đình Thúy cho biết, chủ yếu là do bổ sung được số liệu khoảng 76.000 doanh nghiệp (DN) và gần 306.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể so với số lượng doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể đã sử dụng để tính GDP năm 2016. Số liệu này bị bỏ sót trong các lần thu thập số liệu trước đây là do số lượng DN tăng nhanh nên các cơ quan chưa cập nhật kịp thời. Bên cạnh đó, DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ, vừa, thậm chí siêu nhỏ với quy mô dưới 5 người lao động nên không ít DN không có kế toán dẫn đến khó khăn trong thu thập số liệu.ư
Đưa ra các chính sách sát với thực tiễn nền kinh tế
GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, bên cạnh việc phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phản ánh quy mô và tốc độ phát triển của nền kinh tế, GDP còn dùng để biên soạn các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác có liên quan, phản ánh chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và tính toán các chỉ tiêu đòn bẩy như tỷ lệ huy động thuế vào ngân sách so với GDP, bội chi ngân sách so với GDP... Những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô này giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và đề ra các chính sách, giải pháp phát triển đất nước. Vì vậy, Tổng cục Thống kê có trách nhiệm phải rà soát, đánh giá lại theo phương pháp và thông lệ quốc tế nhằm phản ánh sát thực hơn quy mô GDP của nền kinh tế. Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra cho biết, đánh giá lại quy mô GDP là hoạt động mang tính cấp thiết, chiến lược cho Việt Nam, vì nền kinh tế của Việt Nam đang có nhiều chuyển đổi. Việc có thông tin sát với thực trạng nền kinh tế sẽ giúp Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH.
Ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định, kết quả của việc đánh giá lại chủ yếu để phản ánh đúng bức tranh hiện trạng của nền kinh tế, không dùng để đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020. Đối với người dân, số liệu đánh giá lại quy mô GDP không mang lại lợi ích về vật chất cho hiện tại, bởi những gì mà nền kinh tế đã diễn ra là điều không đổi. Ví dụ, người dân không được hưởng lợi từ việc GDP bình quân đầu người bình quân tăng thêm 10,3 triệu đồng/người/năm nhưng sẽ được hưởng lợi từ sự thay đổi cơ cấu kinh tế. Nhà nước sẽ có chính sách thay đổi phù hợp để nền kinh tế có định hướng phát triển đúng đắn hơn. “Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025), kết quả này là dữ liệu, căn cứ quan trọng giúp Chính phủ và các cơ quan xây dựng chính sách có cái nhìn thực chất hơn về nền kinh tế, nhằm đưa ra các chính sách phù hợp hơn trong tương lai. Con số đúng sẽ giúp mang lại các chính sách đúng và người dân sẽ được hưởng lợi từ điều đó”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.