Người dân thích thú 'tìm quê' sau ngày sáp nhập tại triển lãm bản đồ da độc đáo

Sau ngày sáp nhập, những thay đổi về tên gọi và ranh giới tỉnh, thành phố khiến nhiều người không khỏi tò mò về 'vị trí mới' của quê hương mình trên bản đồ Tổ quốc. Hàng trăm người thích thú 'tìm quê' trên những tấm bản đồ da tại triển lãm tranh da thủ công 'Về chung một nhà' trên phố đi bộ Hồ Gươm.

Triển lãm tranh da thủ công “Về chung một nhà” diễn ra trong hai ngày 5 và 6/7 ở phố đi bộ Hồ Gươm đã thu hút hàng trăm người thích thú “tìm quê” trên những tấm bản đồ da.

Không gian chương trình dọc Phố đi bộ Hoàn Kiếm (đoạn đối diện Bưu điện Hà Nội, bắt đầu từ di tích lịch sử Tháp Hòa Phong) được thiết kế theo mô hình cổng tre sáp nhập.

Điểm nhấn tại sự kiện là bức tranh da lớn cao 183x120cm với hình bản đồ Việt Nam sau khi "sắp xếp lại giang sơn". Cùng với đó là 34 bức tranh da đại diện cho 34 tỉnh, thành phố sau khi sáp nhập.

Dưới đôi bàn tay của các nghệ nhân đến từ Công ty Cổ phần Sản xuất & Xuất nhập khẩu HAT+ với hàng nghìn giờ thực hiện thủ công các công đoạn tỉ mỉ, từng mảnh đất của Tổ quốc đều được khắc họa rõ nét trên nền những tấm da đủ sắc màu, đường vân.

Triển lãm hướng đến một giai đoạn đặc biệt của cả nước, khi sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính và hợp nhất một số tỉnh, thành phố là bước đi chiến lược của Đảng và Nhà nước, nhằm mở ra những cơ hội phát triển mới cho đất nước theo hướng hiệu quả, mạnh mẽ và bền vững.

Đây không chỉ là sự điều chỉnh về địa giới hành chính mà xa hơn, là nỗ lực tối ưu hóa không gian phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn lực, xây dựng các đơn vị hành chính tinh gọn, hiện đại và gần dân.

Không chỉ là một hoạt động nghệ thuật, triển lãm còn mang dấu ấn cộng đồng khi khơi gợi niềm tự hào, gắn kết và sẻ chia trong một giai đoạn chuyển mình đầy ý nghĩa của đất nước.

Hấp dẫn bởi những mảng màu đa dạng, bạn Nguyễn Thu Trang, sinh viên từ Thành phố Hồ Chí Minh ấn tượng: “Từng tỉnh, thành đều có hình dáng rõ ràng, đường nét sắc sảo và màu da rất hài hòa. Tôi thấy cách làm này vừa sáng tạo, vừa gợi được cảm xúc tự hào và gần gũi với mỗi người khi tìm quê hương mình trên bản đồ".

Triển lãm sẽ đấu giá bức tranh “Trọn vẹn Việt Nam” và 34 bức tranh da các tỉnh thành. Toàn bộ tiền đấu giá và hoạt động bán áo thiện nguyện thu được sẽ gửi tới đơn vị đồng hành: Dự án Nuôi Em và dự án xây cầu dân sinh tại xóm 2, bản Hình, tỉnh Tuyên Quang thuộc Hệ sinh thái Nuôi Em.

Anh Hoàng Chí Lê, khách tham quan từ Hà Nội chia sẻ: "Tôi nghĩ việc điều chỉnh địa giới hành chính là cơ hội để phát triển và tạo động lực cho các địa phương. Tôi hy vọng sau những thay đổi này các tỉnh mới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, người dân cũng sẽ được hưởng lợi từ bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả hơn".

"Quê mình đây rồi!" - nhiều vị khách thích thú khi nhận ra hình dáng địa phương quen thuộc của mình sau khi xem một loạt các địa điểm trên bản đồ.

Ông Như Quốc An, Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu HAT+ chia sẻ: "Trong không khí mới của đất nước, chúng tôi muốn đồng hành và đóng góp một phần công sức để cùng người dân nhìn đất nước Việt Nam khi khoác lên mình sự đổi thay, qua sự thể hiện của các tác phẩm được làm bằng da thuộc, chế tác thủ công".

“Về chung một nhà” không chỉ là câu chuyện của các địa phương sáp nhập, mà còn là biểu tượng cho sự gắn kết giữa những con người cùng chung sống dưới một mái nhà Tổ quốc.

Triển lãm là không gian giao thoa giữa nghệ thuật thủ công chế tác da truyền thống và hơi thở thời sự, thể hiện thông điệp về sự đoàn kết, hợp lực và kết nối vùng miền. Mỗi bức tranh da mang những câu chuyện về sự hội tụ, về tinh thần gắn bó bền chặt và về khát vọng hướng tới một đất nước phát triển đồng bộ, năng động và đầy sức sống.

"Triển lãm rất thú vị, không gian mở, tương tác tốt và đầy tính biểu tượng. Tôi nghĩ đây là cách tuyệt vời để người dân cảm nhận những thay đổi lớn trong xã hội một cách nhẹ nhàng và tích cực hơn", Amelia Brown – du khách đến từ Anh chia sẻ.

Chương trình triển lãm tranh da thủ công với chủ đề 34 tỉnh thành Việt Nam sẽ diễn ra từ 08:00 đến 22:00 các ngày 5 và 6/7/2025 (thứ Bảy và Chủ Nhật) tại khu vực phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng, đoạn từ tháp Hòa Phong kéo dài 50m, đối diện Bưu điện Hà Nội và Nhà Bát giác – Vườn hoa Lý Thái Tổ.

Sự kiện do Ủy ban Nhân dân phường Hoàn Kiếm phối hợp Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu HAT+ cùng thương hiệu đồ da bền vững NHATLEATHER tổ chức.

Hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng của ban tổ chức và những người tham gia đóng góp sẽ tiếp tục sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ em ở các vùng cao.

Vào năm 2023-2024, hệ sinh thái “Nuôi Em” đã chăm lo thường xuyên 40.000 em nhỏ, phủ sóng 10 tỉnh và đặt kỳ vọng sẽ hỗ trợ được 120.000 em hết năm 2025.

Ngoài hoạt động trưng bày và đấu giá tranh gây quỹ thiện nguyện, chương trình còn mang đến chuỗi hoạt động cộng đồng miễn phí như workshop làm đồ da, trò chơi dân gian và đóng hộ chiếu sáng tạo dành cho khách tham quan.

Nguyễn Trung Hiếu

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguoi-dan-thich-thu-tim-que-sau-ngay-sap-nhap-tai-trien-lam-ban-do-da-doc-dao-post891979.html