Người dân Thổ Nhĩ Kỳ thắt chặt chi tiêu vì lạm phát

Thổ Nhĩ Kỳ đang liên tiếp phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, với việc đồng lira mất một nửa giá trị vào năm 2021 do đại dịch COVID-19, lạm phát chạm mức cao nhất hai thập kỷ và xung đột Nga-Ukraine khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, đẩy giá cả hàng hóa leo thang.

Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã công bố báo cáo cho hay, lạm phát hàng năm của nước này đã đạt mức 69,97% vào tháng Tư, cao nhất trong hai thập kỷ. Mức tăng giá cao nhất thuộc về lĩnh vực giao thông vận tải với 105,86%, trong khi chi phí thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 89,1%.

Các siêu thị ở thủ đô Istanbul, từng có rất nhiều người mua sắm với nhiều loại hàng hóa, giờ trở nên trống vắng đìu hiu do lạm phát khiến giá cả vượt quá tầm với của người dân.

Các sản phẩm sữa đều tăng vọt bất kể nhãn hiệu nào, sau khi Hội đồng Sữa Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ điều chỉnh giá chuẩn của sữa tươi nguyên liệu tăng hơn 30%.

Giá 1kg phomai trắng, một món không thể thiếu trên bàn ăn sáng của người Thổ Nhĩ Kỳ, đã tăng từ 80 lira (khoảng 4,27 USD) lên ít nhất 120 lira, thạm chí đối với một số thương hiệu phomai cheddar, giá 1kg lên tới 195 lira.

Lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng mạnh kể từ mùa Thu năm ngoái, khi đồng lira lao dốc sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan thúc đẩy chính sách nới lỏng tiền tệ, buộc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBRT) cắt giảm lãi suất 5 điểm phần trăm.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ kỳ vọng có thể chặn đà tăng của lạm phát ở nước này nhờ chương trình kinh tế mới, trong đó ưu tiên lãi suất thấp nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu hướng tới đạt thặng dư thương mại. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dự báo lạm phát sẽ giảm xuống mức một chữ số trong năm 2023./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/chi-tiet/nguoi-dan-tho-nhi-ky-that-chat-chi-tieu-vi-lam-phat-147327.htm