Người dân thường ốm rồi mới đến bệnh viện khám, chữa bệnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan lấy ví dụ: 'Theo báo cáo từ Bệnh viện K Trung ương, người dân thường đến bệnh viện ở giai đoạn muộn nên chi phí rất cao, hiệu quả chăm sóc y tế kém'.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn TP. Hồ Chí Minh chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế liên quan đến giảm chi tiền túi của bệnh nhân.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân có đề cập đến mục tiêu rất cụ thể đó là làm thế nào giảm bớt tỷ lệ sử dụng tiền túi của bệnh nhân khi thực hiện dịch vụ y tế. Cụ thể, phải giảm xuống 35% đến năm 2025.
Bà Phong Lan cho rằng, hiện năm 2023 và tỷ lệ luôn trên 40% và khó có thể giảm tỷ lệ này xuống. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế có những giải pháp nào đối với mục tiêu trên.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là một câu hỏi rất hay và mang tầm vĩ mô. Bởi riêng nội dung giảm chi tiền túi của nhân dân đã liên quan đến việc rất vĩ mô. Đó là vấn đề thay đổi mô hình chăm sóc y tế đã được Nghị quyết của Đảng đã nêu là chúng ta tăng cường việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng cường công tác dự phòng, giảm bớt các chi phí điều trị.
Lý giải thêm vì sao chi tiền túi tăng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, các mô hình bệnh tật của chúng ta đã biến đổi rất nhiều; Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao; đặc biệt nhận thức cũng như việc đi khám, chữa bệnh thường ở giai đoạn ốm rồi mới đi bệnh viện.
Bộ trưởng lấy ví dụ: "Theo báo cáo từ Bệnh viện K Trung ương, người dân thường đến bệnh viện ở giai đoạn muộn nên chi phí rất cao, hiệu quả chăm sóc y tế kém".
Bộ trưởng cũng cho biết, để giảm được tiền túi của người bệnh liên quan đến mô hình chuyển đổi mô hình chăm sóc bệnh tật một cách bền vững. Đó là phải tăng cường công tác dự phòng, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm. Thứ hai là phải tăng cường nhận thức của người dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Tiếp theo là có mô hình tài chính một cách bền vững, tăng cường độ bao phủ của các chính sách bảo hiểm y tế.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tỷ lệ chi tiền túi của người dân phải bỏ ra cho công tác chăm sóc y tế nếu đạt ở mức 30% đó mới là hệ thống y tế bền vững. Đây là những giải pháp mang tính chất tổng thể trên toàn diện các lĩnh vực của ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nêu lên mục tiêu tổng quát là: Nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%; Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt tối thiểu 95% với 12 loại vaccine. Giảm tỷ suất tử vong trẻ em: Dưới 5 tuổi còn 18,5‰; dưới 1 tuổi còn 12,5‰.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%. Tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 167 cm, nữ 156 cm; Phấn đấu trên 90% dân số được quản lý sức khỏe; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; Đạt 30 giường bệnh viện, 10 bác sĩ, 2,8 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân. Tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%; Tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.