Người dân TP.HCM, Bình Dương mua hàng chục nghìn gói combo nông sản mỗi ngày
Trong đầu giờ sáng 31/8, 43.000 gói combo nông sản được giao lên Bình Dương và TPHCM, con số này trong ngày hôm nay còn tiếp tục tăng.
TS Trần Minh Hải – Thành viên tổ công tác phía Nam của Bộ NN-PTNT (Tổ 970) cho biết tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản diễn ra sáng 31/8: Thí điểm thực hiện được 3 tuần gói combo sản phẩm nông nghiệp, kết quả đáng quan tâm. 2 tuần đầu tiêu thụ 37.000 gói, tính bình quân mỗi ngày tiêu thụ 300-400 tấn nông sản cho người dân. Từ 23/8 đến nay việc vận chuyển khó khăn, sang ngày 30/8 việc giao hàng cơ bản nối lại được 41.000 combo. Sáng nay có 43.000 gói combo giao lên Bình Dương và TPHCM, con số này trong ngày hôm nay còn tiếp tục tăng. Số lượng đăng nhập để đăng ký mua hàng có lúc lên tới 55.000.
Ông Hải cho rằng, nếu làm tốt khâu kết nối, vận chuyển, mỗi ngày có thể tiêu thụ được hàng nghìn tấn nông sản cho bà con nông dân, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân TP.HCM.
Theo thống kê có 9,4 triệu dân sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Thời điểm này, một số dân đã về quê nên số liệu có một chút biến động. Ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở NN&PTNT TP HCM cho biết, một ngày, TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.964 tấn lương thực, thực phẩm, rau củ quả các loại. Tính ra nhu cầu bình quân 1 tuần là trên 76.000 tấn. Trong khi khả năng tự cung của thành phố chỉ đạt khoảng từ 10-30% nhu cầu tùy loại sản phẩm. Chính vì vậy, việc vận chuyển nông sản từ các tỉnh lân cận về TP.HCM là rất cần thiết. Đến nay, Sở Công Thương và Sở NN&PTNT đã kết nối nhiều điểm cung cấp lương thực, thực phẩm. Tổ 970 của Bộ NN&PTNT đã cung cấp thông tin hơn 1300 đầu mối cung cấp ở ĐBSCL và Tây Nguyên.
Ngoài hệ thống phân phối bán lẻ của các DN hiện nay, TP.HCM còn 27 chợ truyền thống hoạt động chủ yếu ở các vùng ven như Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè. Sở Công Thương cũng đã tổ chức các điểm cung ứng hàng lưu động.
Từ 23/8, TP.HCM có văn bản 2897 triển khai siết chặt giãn cách xã hội trong 15 ngày nên nhiều hệ thống gặp vướng mắc trong hoạt động, thiếu nhân viên cung ứng nông sản, hàng hóa. TP triển khai đi chợ hộ, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 60% người dân TP. Công chức, viên chức cũng hỗ trợ các địa phương, hộ gia đình gặp khó khăn. Thời gian qua TP nhận được sư hỗ trợ của tổ 970, theo dõi sát việc triển khai sản xuất nông nghiệp, rau củ quả, thịt, giết mổ… Tổ cung cấp thông tin 1300 đầu mối để cung cấp cho các đầu mối, cửa hàng tiện lợi.
Ông Đinh Minh Hiệp khẳng định, trong lúc này, các gói combo nông sản đang thực sự phát huy tác dụng vì đáp ứng đúng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, thời gian qua do thiếu nhân viên giao hàng nên tạm dừng việc cung ứng gói combo này.
“Hiện tại bà con có nhu cầu cao về combo này. Đến nay, TP nhận được nhiều cuộc gọi của các quận, huyện để được cung cấp gói combo. Chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp, chi tiết để đặt hàng, tập kết hàng hóa” – ông Hiệp cho biết thêm.
Nguy cơ thiếu các sản phẩm phụ trợ
TS Trần Minh Hải – Thành viên tổ công tác phía Nam của Bộ NN-PTNT (Tổ 970) cho biết: Tổ phía Nam đã kết nối được 1.344 đầu mối cung cấp nông sản. Về trang web kết nối thông tin, số lượng đăng ký là 2800 user, 70% là user đang ký bán còn lại là các đầu mối mua và cơ quan nhà nước.
Ngoài kết nối cung cầu Tổ 970 còn thông tin lại để tổ chức sản xuất cho các địa phương; tư vấn cho việc tổ chức sản xuất được thông suốt, tiêu thụ xuất khẩu thời gian tới.
“Đề nghị các nhà bán lẻ, DN xuất nhập khẩu cứ mạnh dạn liên lạc với Tổ 970, chúng tôi sẵn sàng cung cấp thông tin người mua – bán, đơn vị logistic, minh bạch tất cả để có thể ký hợp đồng trực tiếp với nhà sản xuất. Chúng tôi rất muốn làm việc với các tỉnh để xây dựng chuỗi liên kết nông sản, có thể xây dựng diễn đàn thực hành nông nghiệp tốt để các nhà bán lẻ có thể truy xuất được thông tin sản phẩm… từ đó xây dựng được vùng trồng sạch bền vững” – ông Hải cho biết thêm.
Ông Nguyễn Anh Đức – TGĐ Saigon Co.op cho biết, đơn vị này hiện đã có mặt ở 47 tỉnh thành và đều kết nối với tổ 970. Riêng TP.HCM, sản phẩm nông sản cung cấp 2.200 tấn/ngày, nhờ kết nối tăng 35-37% so với trước đây.
“Các hoạt động giải cứu nông sản, combo… thì Saigon Co.op cũng dựa vào đó để cung ứng, hỗ trợ thêm để cung cấp hàng hóa tới bà con ở TP.HCM và các tỉnh lân cận” - ông Đức nói.
Sắp tới, việc kết nối sẽ được tổ chức ở 47 tỉnh thành mà Saigon Co.opp có điểm bán và mở rộng thu mua kết nối với các vùng, địa phương chưa có điểm bán của Saigon Co.op; kết nối kịp thời với những sản phẩm đặc sản có tính mùa vụ.
Theo ông Đức, Saigon Co.op đang có nhiều kênh bán hàng khác nhau phù hợp với tình hình dịch bệnh, đặc biệt là các kênh điện tử, các hình thái kết nối khác như gói mua chung, đi chợ hộ… thì các HTX cũng cần phải phát triển sản phẩm phù hợp với cách thức kinh doanh mới. Nhu cầu online khác, từ mẫu mã tới đóng gói sản phẩm. Đây không phải là lúc chỉ dừng lại ở hoảng sợ trong cung ứng mà tư duy sản phẩm của mình sắp tới sẽ đi như thế nào; cần chuẩn bị các sản phẩm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu, đẩy nhanh kết nối.
“Qua qua trình theo dõi có thể thấy ta không thiếu sản phẩm nhưng hiện đang thiếu những sản phẩm phụ trợ cho những sản phẩm nông sản hoàn thiện, ví dụ thiếu bao bì. Ngành Nông nghiệp cũng cần quan tâm vấn đề này để cho quá trình tiêu thụ nông sản được thông suốt” – ông Nguyễn Anh Đức lưu ý./.