Người dân TP.HCM cần làm gì khi không khí bị ô nhiễm?

Người dân nên tránh những hoạt động ngoài trời hoặc chỉ tiến hành vào buổi sáng khi mức độ ô nhiễm thấp. Đối với không khí trong nhà, các máy lọc có thể là lựa chọn.

Đó là nhận định của các bác sĩ trước thực trạng ô nhiễm không khí tại TP.HCM những ngày qua. Giới chuyên môn cảnh báo người dân cần tự có các biện pháp bảo vệ bản thân trước mọi nguy cơ của ô nhiễm không khí trong khi chờ đợi thông tin chính thức từ TP.

Có thể ảnh hưởng sức khỏe vĩnh viễn

Theo bác sĩ Cao Văn Hội, Phó trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, hiện tượng khói ô nhiễm (mù khô) là tình trạng ô nhiễm khi trong không khí chứa nồng độ chất thải rắn và khí bay lơ lửng quá mức cho phép.

Ô nhiễm không khí có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, rối loạn dị ứng và các bệnh về đường hô hấp khác.

Theo bác sĩ Hội, ngay cả những người khỏe mạnh cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm không khí với các triệu chứng như kích thích hô hấp hoặc khó thở khi tập thể dục, hoạt động ngoài trời. Các tác động này phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe hiện tại, loại chất ô nhiễm, nồng độ và thời gian tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Mù khô bủa vây TP.HCM suốt nhiều ngày qua khiến nhiều người dân lo lắng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Mù khô bủa vây TP.HCM suốt nhiều ngày qua khiến nhiều người dân lo lắng. Ảnh: Quỳnh Danh.

"Mức độ ô nhiễm không khí cao có thể gây ra các vấn đề sức khỏe ngay lập tức. Với người đang mắc bệnh tim mạch và hô hấp thì bệnh sẽ nặng thêm khi tim và phổi phải làm việc nhiều hơn để cung cấp oxy cho cơ thể, làm tổn thương các tế bào của cây khí phế quản", bác sĩ lý giải.

Chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể gây ảnh hưởng sức khỏe vĩnh viễn như phổi lão hóa nhanh, giảm chức năng hô hấp của phổi. Thêm vào đó là sự phát triển của các bệnh như hen suyễn, viêm phế quản, có thể là ung thư, rút ngắn tuổi thọ.

Hỗn hợp khí từ cháy rừng có thể dẫn tới tử vong

Hiện, TP.HCM vẫn chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng về việc nguyên nhân gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở địa phương này những ngày qua có phải do cháy rừng ở Indonesia hay không. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo người dân vẫn nên cảnh giác với các hỗn hợp khí sản sinh từ cháy rừng.

Theo bác sĩ Mai Đức Huy, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, khí sản sinh ra từ cháy rừng là một hỗn hợp bao gồm CO2, hơi nước, hạt vật chất, hydrocarbon và các hợp chất hữu cơ khác. Tiếp xúc lâu dài với các thành phần này, nhất là CO2 và các hạt vật chất, có thể gây nên những ảnh hưởng với sức khỏe con người.

"Nếu cơ thể một người có sẵn bệnh tim hoặc phổi mạn tính, tiếp xúc với hỗn hợp khí này có thể gây nên một tình trạng khó thở cấp tính, hoàn toàn có thể dẫn tới tử vong", bác sĩ Huy cảnh báo.

Trong khi đó, một đường hô hấp nhạy cảm với các yếu tố dễ gây dị ứng trong không khí, khi tiếp xúc với CO2 và các hạt vật chất có thể khởi phát một đợt viêm phế quản cấp hay cơn hen suyễn.

Người khỏe mạnh tiếp xúc với hỗn hợp khí này dài ngày cũng có nguy cơ thở khò khè, kích ứng đường hô hấp và thúc đẩy sự tiến triển của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Người dân phải tự phòng vệ để tránh mọi rủi ro trong khi chờ câu trả lời từ TP. Ảnh: Quỳnh Danh.

Người dân phải tự phòng vệ để tránh mọi rủi ro trong khi chờ câu trả lời từ TP. Ảnh: Quỳnh Danh.

Bác sĩ Huy nhận định mức độ ô nhiễm không khí thường cao hơn vào những ngày nắng nóng. Vì vậy, người dân nên tránh những hoạt động ngoài trời hoặc chỉ tiến hành vào buổi sáng khi mức độ ô nhiễm thấp hơn.

Đối với không khí trong nhà, người dân có thể trang bị các máy lọc không khí. Tuy nhiên cần tránh các loại máy lọc không khí thải ra ozon, vì nó góp phần làm tăng ô nhiễm không khí.

Khi ra ngoài trời vào những ngày ô nhiễm, có thể sử dụng các khẩu trang như N-95 hay P-100. Đặc biệt, đối với những người đã có bệnh tim mạch hay hô hấp mạn tính, cần tìm đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để có kế hoạch dự phòng tốt hơn.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nguoi-dan-tphcm-can-lam-gi-khi-khong-khi-bi-o-nhiem-post993647.html