Người dân TP.HCM được lợi gì từ nghị quyết mới về cơ chế đặc thù?
Với những điểm mở về hình thức đầu tư BT, BOT, TP.HCM có thể thu hút nhà đầu tư, tạo sự hài hòa lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Nghị quyết mới (thay thế Nghị quyết 54 năm 2017) được thông qua hôm 24/6. Theo đó, hàng loạt chính sách, cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển TP.HCM sẽ được áp dụng và có hiệu lực từ 1/8.
Tại Hội thảo Hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM do Báo Người lao động tổ chức ngày 27/6, người dân đặt câu hỏi đến các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước về việc họ được lợi ích gì khi nghị quyết mới được thực thi.
Phản hồi vấn đề này, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết: Nghị quyết mới có 7 nhóm giải pháp lớn với 4 điều khoản, nhằm xây dựng cơ chế để khơi thông tối đa nguồn lực về các lĩnh vực như tài chính, đầu tư, tổ chức bộ máy, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp... ở TP.HCM.
Theo bà Mai nêu dẫn chứng, chẳng hạn, kế hoạch vốn trung hạn của TP.HCM chỉ bố trí 142.000 tỷ, trong khi nhu cầu cần thiết để thành phố bố trí cho các lĩnh vực là 162.000 tỷ đồng. Cho nên, cần phải có thay đổi trong bố trí vốn...
Bà Mai dẫn ví dụ việc nghị quyết mới như áp dụng cơ chế PPP (đối tác công tư) trong lĩnh vực văn hóa - thể thao để kêu gọi đầu tư cũng là một điểm giúp hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp và TP.HCM.
"Đây là những lĩnh vực có khả năng có nguồn thu để kêu gọi đầu tư xã hội, từ đó người dân, Nhà nước đều có lợi, người dân được thụ hưởng thêm về lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế", bà Mai nói.
Bên cạnh đó, nghị quyết mới cho phép thực hiện hình thức đầu tư BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) cũng tác động trực tiếp đến lợi ích người dân.
"Trước đây, để làm đường hiện hữu phải thực hiện theo hình thức đầu tư công, doanh nghiệp tư nhân không được tham gia. Cơ chế mới sẽ giúp người dân được phục vụ tốt hơn", bà Lê Thị Huỳnh Mai lý giải thêm.
Ngoài ra, bà Mai cho biết nghị quyết mới cũng có nhiều điều khoản tốt hơn về tổ chức bộ máy, con người. Phân tích thêm, bà Mai cho hay trước đây, cơ cấu nguồn thu TP.HCM khác những tỉnh thành khác, cơ cấu nguồn thu tập trung lớn từ doanh nghiệp. Số lượng dự án FDI, doanh nghiệp thành phố chiếm 30% so với cả nước.
Ngoài ra, khối lượng công chức TP.HCM để giải quyết các vấn đề dự án đầu tư trong nước và FDI bị quá tải, gấp 3 lần cả nước.
"Nghị quyết mới cho phép TP.HCM có những giải pháp tổ chức linh hoạt hơn, tăng hiệu quả hoạt động bộ máy, cải thiện đời sống công chức, gián tiếp hỗ trợ đời sống ngn dân", bà Lê Thị Huỳnh Mai cho hay.
Cũng tại buổi hội thảo, TS. kinh tế Trần Du Lịch nhìn nhận: Việc được phân định những trách nhiệm, quyền hạn, tính tự chủ trong nghị quyết mới sẽ giúp TP.HCM phát triển tương đối. Song, điều quan trọng là nghị quyết mới sẽ là động lực để TP gỡ điểm nghẽn thể chế, khi chiếc áo quá chật được mở ra.
Ông Lịch cũng chỉ ra điểm nghẽn lâu nay tồn tại ở TP.HCM là cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt hạ tầng giao thông. Với thể chế hiện nay, cùng sự hỗ trợ của nhà nước, thành phố sẽ có nền tảng tháo gỡ điểm nghẽn này.
Ngoài giải quyết điểm nghẽn giao thông, theo ông Lịch, cơ chế mới cũng sẽ giúp TP.HCM triển khai nhanh chóng một số dự án là Rạch Nước Lên và Rạch Xuyên Tâm, giải quyết bài toán môi trường, nhà trên kênh rạch, chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt mới cho TP.HCM.