Người dân TPHCM háo hức tham quan bảo tàng dịp lễ Quốc khánh 2/9

Nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, ngoài việc đến các khu vui chơi, giải trí, du lịch,… người dân TPHCM còn đến bảo tàng để tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Du khách xem cổ vật tượng đầu chim phượng bằng chất liệu đất nung, có niên đại thời nhà Lý (1009-1225). Ảnh: Thùy Linh

Du khách xem cổ vật tượng đầu chim phượng bằng chất liệu đất nung, có niên đại thời nhà Lý (1009-1225). Ảnh: Thùy Linh

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại, từ sáng sớm 2/9, rất nhiều khách tham quan đến Bảo tàng TPHCM (Quận 1, TPHCM).

Trong dịp lễ này, hơn 150 hiện vật, tài liệu và hình ảnh từ Khu di sản Hoàng thành Thăng Long được trưng bày tại bảo tàng, trong khuôn khổ triển lãm với chủ đề "Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau".

Triển lãm giới thiệu các hiện vật khảo cổ học, vật liệu kiến trúc và đồ dùng sinh hoạt hoàng cung. Bên cạnh đó, còn có nhiều hình ảnh, sơ đồ và phối cảnh các công trình trong Hoàng thành như điện Kính Thiên, Đoan Môn, Hậu Lâu và Kỳ Đài.

Đến cùng hai con khi bảo tàng vừa mở cửa, chị Phạm Thị Mai (ngụ Quận 6, TPHCM) vừa dẫn các bé tham quan, vừa thuyết minh cho các bé và muốn hai con của mình được hiểu thêm về lịch sử của đất nước.

“Hôm nay là ngày nghỉ lễ nên mình dẫn hai con đi tham quan TPHCM, đầu tiên đi bảo tàng xong mình sẽ qua bên Dinh Độc Lập. Chủ yếu cho các bé coi các di tích lịch sử vì các em chưa biết, nên đi tới đâu mình cũng thuyết minh kỹ càng”, chị Mai cho hay.

 Khu triển lãm “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam". Ảnh: Thùy Linh

Khu triển lãm “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam". Ảnh: Thùy Linh

Ngoài ra, tại Bảo tàng TPHCM còn diễn ra triển lãm “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam" nhằm giới thiệu quá trình hình thành, phát triển Văn Miếu - Quốc Tử Giám và hành trình học tập của một Nho sinh theo chế độ giáo dục khoa cử xưa từ khi học những con chữ đầu tiên đến khi đỗ đạt thành tài, đem tài năng phụng sự đất nước.

Triển lãm mang đến những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn cho công chúng khi kết hợp giữa hình thức trưng bày truyền thống và các giải pháp công nghệ hiện đại như trình chiếu "3D mapping", thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo (AI),... tạo điều kiện cho người xem tiếp cận quá trình hình thành và triết lý Nho giáo một cách sinh động.

Ông Nguyễn Gia Khánh (ngụ Cần Giuộc, Long An) cũng dành thời gian trong dịp lễ này đi từ Long An lên TPHCM để tham quan triển lãm.

“Tôi tình cờ coi được trên tivi sự kiện 'Những ngày Hà Nội tại TPHCM' nên khi có cơ hội được thấy Hà Nội tại TPHCM, tôi đã chạy từ dưới quê lên để phát triển tâm hồn, mở rộng kiến thức và tìm hiểu về nền văn hóa Việt Nam của chúng ta”, ông Khánh nói.

 Minh Khang (5 tuổi) và Minh Anh (3 tuổi) thích thú khi được tham quan bảo tàng. Ảnh: Thùy Linh.

Minh Khang (5 tuổi) và Minh Anh (3 tuổi) thích thú khi được tham quan bảo tàng. Ảnh: Thùy Linh.

Từ Hà Nội vào TPHCM sinh sống và làm việc, tranh thủ những ngày nghỉ, chị Bùi Thị Hợi dẫn chị gái cùng hai cháu của mình Minh Khang (5 tuổi) và Minh Anh (3 tuổi) vào TPHCM, tham quan các di tích lịch sử.

Chia sẻ về lý do đưa các bé đến tham quan bảo tàng, chị Hợi cho biết, mặc dù các bé còn nhỏ nhưng gia đình ý thức được việc giáo dục tình yêu quê hương đất nước từ bé.

“Các con khá là hào hứng khi tham quan bảo tàng, rất thích xem các các mô hình, xe cộ ở bảo tàng… Việc ở TPHCM tái hiện hình ảnh Hà Nội xưa giúp cho người dân ở TPHCM cũng như các tỉnh miền Nam chưa có điều kiện ra Hà Nội hiểu rõ hơn về Hà Nội - một Hà Nội xưa và một Hà Nội phát triển như ngày hôm nay”, chị Hợi chia sẻ.

Dưới đây là một số hình ảnh người dân TPHCM tham quan bảo tàng trong dịp lễ Quốc khánh 2/9:

 Bạn nhỏ ngồi xem ứng dụng trình chiếu 3D, tái hiện tinh hoa đất Việt.

Bạn nhỏ ngồi xem ứng dụng trình chiếu 3D, tái hiện tinh hoa đất Việt.

 Chuyên đề trưng bày là cơ hội để tôn vinh, quảng bá những giá trị dân tộc, các di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến với người dân cả nước.

Chuyên đề trưng bày là cơ hội để tôn vinh, quảng bá những giá trị dân tộc, các di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến với người dân cả nước.

 Tại đây cũng trưng bày phiên bản Trống đồng Cổ Loa - món quà tặng ý nghĩa của TP Hà Nội tặng TPHCM nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô.

Tại đây cũng trưng bày phiên bản Trống đồng Cổ Loa - món quà tặng ý nghĩa của TP Hà Nội tặng TPHCM nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô.

 Ngói ống tạo hình rồng men vàng, bằng đất nung, thời Lê Sơ, thế kỷ XV.

Ngói ống tạo hình rồng men vàng, bằng đất nung, thời Lê Sơ, thế kỷ XV.

 Những viên gạch xuyên suốt từ lúc mang tên thành Đại La đến Thăng Long, trải qua các thời kỳ Đinh - Tiền Lê, Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn được trưng bày tại triển lãm.

Những viên gạch xuyên suốt từ lúc mang tên thành Đại La đến Thăng Long, trải qua các thời kỳ Đinh - Tiền Lê, Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn được trưng bày tại triển lãm.

 Ông Nguyễn Gia Khánh dành thời gian của kỳ nghỉ lễ tham quan Bảo tàng TPHCM.

Ông Nguyễn Gia Khánh dành thời gian của kỳ nghỉ lễ tham quan Bảo tàng TPHCM.

 Bạn trẻ tìm hiểu hình tượng Rồng tại triển lãm “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”.

Bạn trẻ tìm hiểu hình tượng Rồng tại triển lãm “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”.

 Nhóm sinh viên Trường Đại học Văn Lang mặc áo cờ đỏ sao vàng "check in" tại Bảo tàng TPHCM.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Văn Lang mặc áo cờ đỏ sao vàng "check in" tại Bảo tàng TPHCM.

 Không gian triển lãm hiện đại hóa, cung cấp thông tin hiện vật thông qua chiếc máy tính bảng

Không gian triển lãm hiện đại hóa, cung cấp thông tin hiện vật thông qua chiếc máy tính bảng

Triển lãm chuyên đề “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau” và “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam” tại Bảo tàng TPHCM là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Những ngày Hà Nội tại TPHCM”, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/102024).

Thùy Linh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-dan-tphcm-hao-huc-tham-quan-bao-tang-dip-le-quoc-khanh-29-post699171.html