Người dân Trung Quốc thấm mệt với chiến lược 'zero COVID-19'
Trong khi phần lớn người Trung Quốc vẫn ủng hộ chiến lược 'zero COVID-19', chính sách này đang gây ra những tổn hại lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của một số cư dân.
Theo tờ New York Times, cũng như những đợt bùng phát dịch trước đây, ngay khi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên, nhiều địa phương ở Trung Quốc lập tức áp dụng các biện pháp phòng COVID-19 nghiêm ngặt. Các biện pháp này cho thấy Trung Quốc vẫn đang kiên quyết theo đuổi chính sách “Zero COVID-19” trong bối cảnh biến thể Delta tiếp tục hoành hành và nhiều nước bắt đầu mở cửa sống chung với đại dịch.
Sự khắc nghiệt của “zero COVID”
Một trong số biện pháp khắc nghiệt của chính sách “zero COVID-19” là phong tỏa và xét nghiệm diện rộng dù chỉ ghi nhận một hoặc vài ca nhiễm. Mới đây nhất là ngày 31/10, khu giải trí Disneyland ở thành phố Thượng Hải đột ngột thông báo đóng cửa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, trong lúc hàng chục nghìn người đang vui chơi trong lễ hội hóa trang Halloween.
Thông báo được đưa ra sau khi giới chức phát hiện 1 ca COVID-19. Trong nhiều giờ liền, gần 34.000 người bị mắc kẹt bên trong khu giải trí để làm xét nghiệm và chờ có kết quả âm tính mới được trở về nhà.
Trước đó vào ngày 28/10, sau khi phát hiện 1 ca nhiễm mới, chính quyền thành phố Hắc Hà thuộc tỉnh Hắc Long Giang buộc người dân ở nhà, cấm rời thành phố trừ trường hợp khẩn cấp. Giới chức thành phố này cũng bắt đầu xét nghiệm 1,6 triệu người dân và truy vết tiếp xúc với ca nhiễm trên. Dịch vụ xe buýt, taxi tạm dừng và xe cộ không được rời thành phố.
Thành phố Thụy Lệ của tỉnh Vân Nam là minh chứng rõ nét nhất cho sự khắc nghiệt của chiến lược zero COVID-19 ở Trung Quốc. Trong năm qua, thành phố này đã chứng kiến tình trạng “tê liệt” kéo dài với 4 lần phong tỏa, mỗi lần kéo dài 26 ngày. Nhiều người phải ở nguyên trong nhà nhiều tuần liền. Ngay cả trong khoảng thời gian giữa các đợt phong tỏa chính, người dân vẫn không được phép dùng bữa tại nhà hàng. Nhiều doanh nghiệp vẫn đóng cửa.
Tùy học sinh từng khối mới được tiếp tục học trực tiếp nếu sinh hoạt trong khuôn viên trường. Phòng học chuyển đổi thành ký túc xá, vì học sinh ở lại trường nên họ cũng có lớp học vào cuối tuần. Một tài xế xe ôm công nghệ cho biết anh đã phải xét nghiệm COVID 90 lần trong 7 tháng qua. Một phụ huynh khác thì nói rằng con trai 1 tuổi của họ phải xét nghiệm tới 74 lần.
Hàng chục nghìn cư dân đã rời thành phố để đến các nơi khác trong “thời gian nghỉ” giữa các đợt phong tỏa. Để kiểm soát lượng người ra ngoài, giới chức yêu cầu người dân phải trả phí cho 21 ngày cách ly trước khi khởi hành.
“Tôi cảm thấy cả thành phố bị xa lánh, như thể lúc này chúng tôi không sống ở Trung Quốc”, một cư dân chia sẻ.
Nhiều người dân, trong đó có Liu Bin, 59 tuổi, người điều hành công ty môi giới hải quan, cho biết ông đã sống hàng tháng trời mà không có thu nhập, tại thành phố phụ thuộc nhiều vào du lịch và thương mại với nước láng giềng Myanmar. Ông ước tính đã mất hơn 150.000 USD. Việc xét nghiệm diễn ra gần như hàng ngày.
“Tại sao tôi phải chịu đựng như thế này? Cuộc sống của tôi cũng quan trọng chứ”, ông nói. “Tôi đã tích cực tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Những người bình thường chúng tôi còn phải làm gì khác nữa đây?”
Các biện pháp này dường như cũng không hiệu quả đối với những người như ông Li, một thương gia buôn ngọc khoảng 50 tuổi. Đầu năm nay, ông Li đã gom khoảng 3 triệu USD đầu tư cho thị trường ngọc bích ở Thụy Lệ với hy vọng thành phố sẽ mở cửa vào tháng 5. Hiện họ vẫn chưa nhận được sự trợ giúp nào của chính quyền.
Ban đầu, công ty tuyển dụng khoảng 50 người. Bây giờ, “chúng tôi chỉ dám giữ một người để gác cổng. Chúng tôi không thể trả tiền cho họ”, ông nói và cho biết chi phí sinh hoạt hàng ngày đã tăng vọt. 1kg cải chíp từng có giá dưới 6 nhân dân tệ giờ tăng lên 8-10 nhân dân tệ. “Những người bình thường không còn cách nào để sống”, ông thở dài.
Trước tình trạng người dân phải chịu các biện pháp phòng chống dịch khắc nghiệt, khiến cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề, ông Dai Rongli, một cựu quan chức Thụy Lệ, đã viết một bài blog có tựa đề “Thụy Lệ cần sự quan tâm của đất nước”: “Mỗi lần thành phố bị phong tỏa là một lần tổn thất nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần. Mỗi lần chiến đấu với COVID-19 là một lần tích tụ những bất bình”.
Nhiều người dân Thụy Lệ cũng đã đăng tải câu chuyện của họ lên mạng xã hội, sau đó nhận được sự chia sẻ rộng rãi. Họ nói mình không thể đến thăm người thân bị ốm hoặc lái xe trên những con đường vắng vẻ.
Tương lai của “zero COVID”
Khi phần còn lại của thế giới chuyển sang chiến lược sống chung với dịch bệnh, Trung Quốc là quốc gia cuối cùng vẫn bám trụ việc loại bỏ hoàn toàn virus. Chiến lược này mang lại nhiều thành công. Quốc gia tỷ dân ghi nhận dưới 5.000 ca tử vong. Nhiều khu vực của đất nước không có ca nhiễm mới nào.
Song câu hỏi đặt ra là Trung Quốc nên duy trì cách tiếp cận này trong bao lâu, với thiệt hại kinh tế tiềm tàng và sự xuất hiện liên tục của các đợt bùng phát lẻ tẻ do biến thể mới. Cho đến nay, chuỗi lây nhiễm từ phía bắc đã lan rộng tới 20 trên 31 tỉnh thành, với hơn 1.000 ca nhiễm đang được điều trị. Đây là đợt dịch lan rộng nhất ở Trung Quốc sau Vũ Hán.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, ông Wu Liangyou phát biểu với báo chí: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ các biện pháp kiểm soát COVID-19 chặt chẽ, xây dựng một rào chắn vững chắc chống lại những ca bệnh nhập cảnh và lây nhiễm trong nước. Chiến lược ngăn chặn sự lây lan của các ca nhập cảnh và nội địa đã được chứng minh là tuân thủ theo khoa học và phù hợp với điều kiện của đất nước”.
Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát đợt dịch bùng phát cách đây vài tuần với 918 ca nhiễm được ghi nhận tại 44 thành phố thuộc 20 tỉnh của nước này. Trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục ghi nhận 55 ca mắc mới, trong đó có 40 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Với quyết tâm theo đuổi chiến lược “xero COVID-19”, chính quyền các địa phương phát hiện các ca nhiễm mới COVID-19 ngay lập tức triển khai các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Các chuyên gia nhận định chính sách “zero Covid-19” đang khiến Trung Quốc ngày càng trở nên bị cô lập và những biện pháp phòng chống dịch không thể đoán trước đang bắt đầu gây gián đoạn cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nhưng nước này sẽ khó chấp nhận đánh đổi thành quả chống dịch để thử nghiệm mở cửa như nhiều quốc gia khác.
Giáo sư dịch tễ học Chen Zhengming tại Đại học Oxford (Anh) dự đoán: “Ước tính của tôi là Trung Quốc sẽ không mở cửa thêm một năm nữa”. Ông nói rằng tỷ lệ tiêm vaccine ở Trung Quốc đã đạt mức rất cao, nhưng nếu tỷ lệ tiêm nhắc không đủ bao phủ và không có sự thay đổi đáng kể trong các đợt bùng phát, cơ hội Trung Quốc từ bỏ chính sách “zero COVID-19” là nhỏ.
Zheng Zhongwei, một quan chức cấp cao Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tháng trước nói nước này sẽ không từ bỏ chính sách “zero Covid” cho đến khi họ tự tin rằng vaccine có thể ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát.
Giáo sư Leo Poon Lit-man tại Trường Y tế Công cộng Đại học Hong Kong, nhận xét chiến lược “zero COVID” sẽ không được áp dụng “mãi mãi”. Tuy nhiên, chiến lược này có thể giúp Trung Quốc “câu giờ” trong lúc tìm cách chuyển sang giai đoạn tiếp theo của đại dịch.
“Nếu không kiểm soát virus, nó sẽ lây lan và rất nhiều người phải nhập viện rồi sau đó là chăm sóc tích cực. Điều này đồng nghĩa chúng ta phải dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ y tế cho họ. Vậy nên, đây là một sự đánh đổi”, ông nói.
Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn chính sách zero COVID-19 có thể sẽ được áp dụng lâu dài ở Trung Quốc, tùy thuộc diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới. Ông nhận định chính sách này mặc dù tốn kém nhưng hậu quả sẽ còn nhiều hơn nếu để dịch lây lan.