Người dân Trung Quốc ùn ùn 'xuân vận' bất chấp lo ngại về COVID
Người dân Trung Quốc đang nối lại hoạt động di chuyển trước Tết Nguyên đán bất chấp lo ngại về tình trạng lây nhiễm Covid sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống dịch.
Lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không ở Trung Quốc đã phục hồi lên mức 63% so với mức của năm 2019 kể từ khi đợt xuân vận hàng năm bắt đầu.
Người đứng đầu Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc Song Zhiyong cho biết, sự phục hồi kinh doanh nhanh chóng đang thách thức khả năng đảm bảo an toàn của các hãng hàng không. Ông cũng cảnh báo cần hết sức chú ý đến các rủi ro liên quan đến đại dịch.
Trong một tuyên bố hôm 13-1, Song cho biết ngành hàng không cần "hiểu đầy đủ tính chất đặc biệt và sự phức tạp của đợt di cư vào dịp lễ hội mùa xuân năm 2023".
Cơ quan quản lý hàng không cho biết kể từ ngày 7-1 bắt đầu 'cuộc di cư' hàng năm, khi người Trung Quốc trở về quê nhà để chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết bắt đầu vào ngày 21-1 khi số lượng hành khách đi máy bay tăng lên mức 63% so với con số năm 2019 – thời điểm trước đại dịch.
Trung Quốc đã mở cửa lại biên giới vào ngày 8-1 sau khi từ bỏ chính sách chống dịch nghiêm ngặt gồm xét nghiệm thường xuyên, hạn chế đi lại và phong tỏa hàng loạt đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào cuối tháng 11.
Bộ giao thông vận tải đã dự đoán lưu lượng hành khách sẽ tăng 99,5% so với năm trước trong thời gian diễn ra xuân vận, kéo dài đến ngày 15-2.
Tại trung tâm cờ bạc của Macau đã đón 46.000 khách du lịch nội địa mỗi ngày vào ngày 13-1 là con số cao nhất kể từ khi COVID-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, phần lớn đến từ đại lục, chính quyền thành phố cho biết.
Tuần này, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo về những rủi ro bắt nguồn từ việc di chuyển trong dịp Tết.
Một chuyên gia Trung Quốc đã cảnh báo đợt bùng phát tồi tệ nhất vẫn chưa qua.
Zeng Guang, cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, cho biết: "Trọng tâm ưu tiên của chúng tôi là các thành phố lớn. Đã đến lúc tập trung vào các vùng nông thôn". Ông cho biết nhiều người ở vùng nông thôn, nơi cơ sở y tế tương đối nghèo nàn sẽ dễ bị tổn thương nếu dịch bệnh bùng phát mạnh.