Người dân và những khoảng cách bất ngờ

1. Điều đáng bàn nhất qua kết quả của những chỉ số mà người dân đóng vai trò trung tâm trong đánh giá như chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số sự hài lòng của tổ chức và cá nhân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là sự bất ngờ lẫn băn khoăn.

Nhất là ở chỉ số PAPI, khi năm 2022 xếp thứ 7/63 tỉnh, thành thì năm 2023 đã bị giảm đến 22 bậc, rơi xuống vị trí 29/63 tỉnh, thành với 42,47/80 điểm. Vì sao bị thấp điểm, khi năm 2023 được xem là năm của phục hồi phát triển tốt hơn năm 2022, bởi không còn ảnh hưởng đậm của dịch Covid-19. Đồng thời đây cũng là năm Bình Thuận đăng cai Năm Du lịch quốc gia với chủ đề Bình Thuận – Hội tụ xanh mang lại kết quả trên nhiều mặt ngoài mong đợi. Chỉ số được xem là công cụ lắng nghe tiếng nói của người dân, tìm hiểu kỳ vọng của người dân đối với các cấp chính quyền này bỗng trở nên thiếu bền vững bất ngờ mà nguyên nhân vạch ra cứ ngờ ngợ.

Lẽ nào cán bộ công chức, sau bao vụ việc hình sự xảy ra tại tỉnh cũng như đã được nhấn mạnh liên tục về đạo đức công vụ mà vẫn còn tồn tại hành vi tham nhũng trong khu vực công với mức độ mang tính phổ biến đến thế. Như có đến 48% người trả lời cho biết phải chi thêm tiền để được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 40% người trả lời cho biết phải chi thêm tiền để nhận được giấy phép xây dựng; 82% người trả lời cho biết phải chi thêm tiền cho cán bộ khi làm chứng thực, xác nhận; 74% người trả lời cho biết phải chi thêm tiền khi làm thủ tục hành chính ở UBND cấp xã... Đây là vấn đề đáng báo động trong việc phòng, chống tham nhũng ở khu vực công, khi mà mọi dịch vụ trong 1-2 năm qua đã cho thấy đều phải qua 1 cửa. Tương tự, chuyện có việc làm trong cơ quan nhà nước, mấy năm nay đều thông qua thi cử mới tuyển dụng được, thế mà vẫn xảy ra chuyện 44% người được hỏi trả lời rằng phải dựa vào “mối quan hệ cá nhân với người có chức quyền” hoặc phải đưa tiền “lót tay” mới xin được việc. Thật nghiêm trọng, cứ như chuyện xảy ra trong những năm trước xa.

Chưa hết, ở chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân vào trách nhiệm giải trình chính sách của địa phương; vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách; vào kết quả, tác động của chính sách…đều cho kết quả thuộc nhóm có điểm số trung bình thấp so với cả nước, xếp thứ 48/63 hay 56/63 tỉnh, thành. Trong khi đó, nếu xét từng tiểu mục như chính sách giao thông đường bộ ở địa phương, chính sách điện sinh hoạt ở địa phương, chính sách an sinh xã hội ở địa phương…thì thực tế cảm quan cho thấy những năm qua, Bình Thuận có nhiều nỗ lực trong cải thiện với sự triển khai nhiều công trình, dự án trong các lĩnh vực trên. Vì thế, kết quả thu về từ sự đánh giá trên của người dân, dù chỉ đại diện, không là tất cả đã gây ra sự băn khoăn của chính những người có nắm bắt tình hình. Vì sao? Có đúng tình hình thực tế như thế không?

Trung tâm thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc. Ảnh: N.Lân

2. Những ý kiến tại cuộc họp cho thấy một thực tế rằng bộ máy công quyền còn nhiều điểm cần khắc phục để cải thiện điểm số, thứ hạng các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI năm 2024 của tỉnh cũng như góp phần thực hiện tốt chủ đề của tỉnh trong năm 2024 về “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”. Nhưng cũng đồng thời có suy nghĩ là việc đánh giá dựa vào cảm nhận đều luôn mang tính cảm tính. Đặc biệt với người dân, còn tùy thuộc lớn vào nhận thức, sự hiểu biết, địa bàn sinh sống và cả chuyện trả lời đại cho xong, nhất là khi người dân phải hoàn tất một lượng câu hỏi không hề ít trải dài 7-8 trang giấy. Như chỉ số SIPAS, khảo sát lấy ý kiến của người dân về sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, do Bộ Nội vụ phối hợp với Bưu điện tỉnh khảo sát trực tiếp người dân tại thành phố Phan Thiết và các huyện Đức Linh, Phú Quý với tổng số phiếu khảo sát là 558 phiếu. Cứ 31 phiếu/thôn, khu phố và mỗi hộ gia đình thực hiện khảo sát 1 phiếu đối với đại diện hộ gia đình từ 18 tuổi trở lên đang cư trú tại địa phương. Tổng thang điểm đánh giá là 100 điểm, trong đó đánh giá kết quả thực hiện là 168 điểm và qua điều tra xã hội học là 32 điểm nên có thể hình dung một khối lượng câu hỏi không ít.

Hay như chỉ số PAPI được khảo sát dựa trên 8 chỉ số nội dung với 29 chỉ số nội dung thành phần và 122 chỉ tiêu cụ thể, có 550 câu hỏi liên quan đến chính sách. Tại tỉnh Bình Thuận, PAPI đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức khảo sát ở 12 thôn, khu phố thuộc 6 xã, phường, thị trấn gồm xã Thuận Hòa, thị trấn Ma Lâm thuộc huyện Hàm Thuận Bắc; xã Tiến Thành, phường Đức Thắng thuộc thành phố Phan Thiết; xã Chí Công, thị trấn Liên Hương thuộc huyện Tuy Phong với 240 người dân được chọn khảo sát.

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, nếu so năm 2022 cho thấy năm 2023, việc đánh giá phiếu khảo sát trong dân, cụ thể ở chỉ số PAPI thì trùng địa bàn cấp huyện, xã, chỉ khác thôn, xóm nhưng kết quả thu về lại khác nhau rất xa, tạo ra tính không bền vững, dù chỉ là 2 năm liền kề. Qua đó thể hiện tùy địa bàn, đối tượng, nghề nghiệp của người dân, tức người dân quan tâm biết hoặc không biết gì về tình hình phát triển thì sẽ cho kết quả tương ứng.

Sự thiếu thông tin như vậy với dân đã phản ánh có những khoảng cách bất ngờ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng giữa người dân với chính quyền, ở khía cạnh kết nối. Vì vậy, Sở Nội vụ cũng có kiến nghị trong thời gian tới, Mặt trận ở địa phương phối hợp với chính quyền cùng cấp có kế hoạch tuyên truyền để người dân hiểu rõ về nội dung, ý nghĩa, kết quả của chỉ số PAPI của tỉnh; tiếp tục phối hợp với UBND cùng cấp có giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cấp xã, góp phần cải thiện Chỉ số PAPI của tỉnh trong thời gian tới.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nguoi-dan-va-nhung-khoang-cach-bat-ngo-119203.html