Người dân vẫn kéo về khai hội chùa Hương bất chấp virus corona

Dịch do virus corona chưa thực sự ảnh hưởng đến tinh thần của người dân nên rất đông du khách vẫn kéo về lễ hội nổi tiếng của xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) sáng 30.1

Hàng ngàn người kéo vào động Hương Tích, chùa Hương để hành lễ

Hàng ngàn người kéo vào động Hương Tích, chùa Hương để hành lễ

Theo quan sát của phóng viên số lượng người dân đeo khẩu trang phòng dịch virus corona đi hội chiếm một phần rất nhỏ. Rất nhiều gia đình vẫn cho con nhỏ đi chùa. Nhiều thanh niên khi được hỏi họ nói không quan tâm đến dịch vì dịch chưa thể tới đây.

Chị Nguyễn Thị Huệ, Thanh Miện (Hải Dương), một trong những du khách ít ỏi đeo khẩu trang cho biết: "Chúng tôi không sợ dịch vì nếu sợ đã ở nhà. Dù vậy vẫn phải đeo khẩu trang cho yên tâm".

Chỉ một số ít du khách đề phòng dịch virus corona đeo khẩu trang

Chỉ một số ít du khách đề phòng dịch virus corona đeo khẩu trang

Theo ban quản lý chùa Hương, lượng khách sáng 30.1 chỉ bằng 2/3 lượng khách đến chùa Hương hôm 29-1 (ước tính khoảng 50.000 người). Lý do là vì ngày 30-1 là ngày mọi người phải đi làm, và nhiều năm nay du khách có tâm lý tránh ngày khai hội để khỏi phải chen chúc.

Nếu năm ngoái đường vào động Hương Tích tắc một đoạn dài dằng dặc, người dân phải mất gần hai tiếng đồng hồ mới vào được tới thì năm nay chỉ tắc một đoạn ngắn gần đường vào động Hương Tích (do lối đi ở đây vốn hẹp).

Công tác phân làn, hướng dẫn của công an và tình nguyện viên chùa Hương khá tốt nên không xảy ra tình trạng chen lấn. Trong các chùa, động, luôn có một đội ngũ tình nguyện viên liên tục nhắc nhở người dân không mang vàng mã, rượu, đồ ăn mặn vào dâng Phật.

Tuy nhiên hiện tượng lái đò mặc cả, xin thêm tiền khách vẫn còn và diễn ra trên tinh thần thỏa thuận.

Khai hội chùa Hương sáng 30.1 nhưng tầm 9h sáng, bến đò rất ít khách

Khai hội chùa Hương sáng 30.1 nhưng tầm 9h sáng, bến đò rất ít khách

Ông Trịnh Văn Minh (lái đò ở Bến Đục) cho biết: "Tiền vé thắng cảnh và đi đò là 130.000 đồng, nhưng chúng tôi chỉ được nhận lại khoảng 35.000 đồng thôi. Một ngày đi tối đa được ba chuyến. Trong khi gia đình phải đầu tư đò, cũng như trả phí tiền trông đồ một vụ là 500.000 đồng. Hai vợ chồng tôi làm xong việc đồng án thì tranh thủ đi đò thôi".

Ông Minh cho biết thanh niên ở chùa Hương bây giờ không ai muốn làm đồng áng và chèo đò mùa lễ hội vì bị các khu công nghiệp thu hút.

"Con rể tôi năm nay cũng không về, nó viết thư pháp, viết sớ ở Quốc Tử Giám xuyên Tết hoặc nếu không thì viết sớ ở chùa Tam Chúc. Nó bảo về đây có mà chết đói", ông Minh nói.

Một số hình ảnh ngày khai hội chùa Hương:

Hàng ngàn người nối đuôi nhau vào động Hương Tích

Hàng ngàn người nối đuôi nhau vào động Hương Tích

Suối Yến sáng 30.1 khá vắng

Suối Yến sáng 30.1 khá vắng

Chỉ tới động Hương Tích thì du khách mới đông vì đường vào động này rất nhỏ, năm nào cũng tắc

Chỉ tới động Hương Tích thì du khách mới đông vì đường vào động này rất nhỏ, năm nào cũng tắc

Khách thập phương vào chùa bái Phật được nhắc phải bỏ vàng mã ra khỏi mâm lễ

Khách thập phương vào chùa bái Phật được nhắc phải bỏ vàng mã ra khỏi mâm lễ

Rất ít người đeo khẩu trang phòng dịch nCoV

Rất ít người đeo khẩu trang phòng dịch nCoV

Một du khách bị tụt huyết áp đã nhận được sự chăm sóc của bạn bè. Người đi chùa người cho cô kẹo, người cho cô sữa uống để lại sức

Một du khách bị tụt huyết áp đã nhận được sự chăm sóc của bạn bè. Người đi chùa người cho cô kẹo, người cho cô sữa uống để lại sức

Theo Tuổi trẻ

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/tin-tuc/nguoi-dan-van-keo-ve-khai-hoi-chua-huong-bat-chap-virus-corona-127047