Người dân vẫn sống chung với nguy hiểm
Những chung cư cũ với cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí được xếp loại nguy hiểm, sắp sập đổ. Nhưng hiện nay nhiều dự án cải tạo những chung cư này đang bị ách tắc, khiến người dân sống trong phập phồng nguy hiểm.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, một trong 7 chương trình đột phá mà TP.HCM đặt ra tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2020 là sẽ hoàn thành 50% việc sửa chữa chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1975. Tuy nhiên đến thời điểm này, thành phố mới hoàn thành tu sửa được 132/474 chung cư cũ.
Kế hoạch năm 2019, TP.HCM dự kiến cải tạo 108 chung cư cũ, hoàn thành tháo dỡ 7 chung cư, di dời 729 hộ dân của 12 chung cư cấp D (loại xuống cấp nguy hiểm), lựa chọn chủ đầu tư 11/15 chung cư cấp D. Tuy nhiên, đến nay công tác này gặp nhiều vướng mắc nên kế hoạch không tiến triển nhiều.
Đơn cử, quận 1 có 33 chung cư cũ trên địa bàn, mặc dù đơn vị này đã kêu gọi các DN đầu tư xây dựng mới, nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ. Thậm chí có DN nhận việc, nhưng sau đó “bỏ của chạy lấy người”. Điển hình như trường hợp chung cư Cô Giang trên địa bàn, phải giải tỏa từ năm 2007, di dời đến 750 căn hộ và 134 căn nhà, nhưng sau 12 năm mặt bằng này vẫn là bãi đất trống.
Chính vì thế người dân ở các chung cư cũ rất lo lắng về việc, nếu đồng ý di dời, tạm cư và chung cư cũ bị đập bỏ xây mới thì không biết đến bao giờ mới có thể trở lại tái định cư như thỏa thuận. “Chúng tôi đã sống mấy chục năm nay ở khu vực này, công ăn việc làm ở đây, con cháu đi học ở đây, nên cũng chỉ mong muốn được tái định cư tại chỗ. Thế nhưng, cứ tình hình này thì cuộc sống lại càng khó khăn hơn”, ông T.B.K cư dân của chung cư Bùi Viện, quận 1 cho biết.
Trong khi đó, bà N.T.T.N phản ánh rằng, chưa đồng ý di dời vì chưa được chính quyền phản hồi bằng văn bản hoặc thỏa thuận tái định cư tại chỗ sau khi xây dựng chung cư mới hay không. Cũng vậy, nhiều hộ mang tâm trạng của bà N, ông K, sợ “có đi mà không có về” khi đồng ý di dời tạm cư.
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát HĐND TP.HCM ngày 19/7, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, nhiều hộ dân tại các chung cư cũ trên địa bàn quận chưa đồng thuận di dời vì vướng mắc trong việc bố trí tạm cư. Quỹ nhà tạm cư cho các hộ dân ở quận 1 chủ yếu tập trung ở các chung cư tại quận 4, quận Bình Thạnh và ở các huyện vùng ven như Bình Chánh, Nhà Bè. Nhưng nhiều khu vực quá xa nơi ở cũ nên nhiều hộ không muốn dời đến đó.
Theo ông Dũng, với các chung cư cũ loại D thì chung cư 128 Hai Bà Trưng và 23 Lý Tự Trọng (phường Bến Nghé) đã di dời người dân nhưng quận 1 chưa xác định được nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích nhà thuộc sở hữu nhà nước để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nên đang chờ hướng dẫn của Sở Xây dựng. Đối với chung cư 155-157 Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão) đã có 71/100 hộ dân đồng ý nhận nhà tạm cư và tiền hỗ trợ di dời nhưng chưa tìm được nhà đầu tư. Còn lô E chung cư 518 Võ Văn Kiệt (phường Cầu Kho) xảy ra sự cố nghiêng 45 cm ngay dịp cận Tết Nguyên đán 2019, buộc phải di dời khẩn cấp các hộ dân và người dân khu vực lân cận.
Chia sẻ với những khó khăn và vướng mắc mà DN cũng như địa phương gặp phải, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nêu thêm vấn đề, khi người dân mua căn hộ, họ đã trả tiền cho những phần diện tích chung của chung cư. Nếu nhà đầu tư thỏa thuận được việc mua lại căn hộ của cư dân, trong khi phần diện tích chung lại bị thu hồi, bán đấu giá theo quy định hiện hành thì khó chấp nhận!
“UBND TP. HCM sẽ đôn đốc các sở, ngành phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo chung cư cũ, đặc biệt những chung cư cấp D và đã triển khai di dời người dân ra khỏi khu vực sinh sống nguy hiểm. UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu, thẩm định quyền sở hữu đối với phần diện tích sở hữu chung tại các chung cư. Đồng thời, có phương án tài chính phù hợp để thu hút nhà đầu tư”, ông Hoan nói.
Đánh giá vấn đề cải tạo chung cư cũ trên địa bàn quận 1, bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, tiến độ cải tạo chung cư ở quận 1 có khả quan, song cần nỗ lực hơn để đảm bảo từ nay đến cuối nhiệm kỳ tháo dỡ xong các chung cư cấp D, kêu gọi đầu tư xây mới để giải quyết chỗ ở cho người dân. Để làm được điều đó, UBND quận 1 cần tập trung hơn trong việc vận động người dân đồng thuận, chấp hành chủ trương của TP.HCM. Bà Dung yêu cầu Sở Xây dựng quan tâm đến nghĩa vụ tài chính đối với diện tích sử dụng chung tại các chung cư làm cơ sở để quận 1 tính toán với nhà đầu tư.
“UBND TP.HCM phải quan tâm hơn, đẩy nhanh quá trình chỉnh trang đô thị và phải gắn với việc phát triển quận 1 với quy hoạch lõi trung tâm thành phố”, bà Dung khuyến nghị.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nguoi-dan-van-song-chung-voi-nguy-hiem-90391.html