Người dân vì miếng cơm manh áo mới phải đi ô tô pick-up, sao lại tăng thuế?

Nhiều ý kiến không đồng tình về đề xuất áp dụng thuế suất phù hợp (bằng 60% mức thuế suất áp dụng cho xe chở người) đối với xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép, xe ô tô tải VAN có từ hai hàng ghế trở lên như dự thảo Luật.

Nếu tăng thuế, sẽ đánh thẳng vào một hãng xe có nhà máy tại Việt Nam

Sáng 22/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Nhiều ý kiến không đồng tình về đề xuất áp dụng thuế suất phù hợp (bằng 60% mức thuế suất áp dụng cho xe chở người) đối với xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép, xe ô tô tải VAN có từ hai hàng ghế trở lên như dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) tha thiết kiến nghị nên giữ nguyên thuế tiêu thụ đặc biệt với xe pick-up chở hàng như hiện nay.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn tỉnh Thái Bình).

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn tỉnh Thái Bình).

Chia sẻ bản thân là người yêu xe, nghiên cứu rất kỹ về xe, ông Hiếu chỉ ra thực tế rất ít người chơi xe sử dụng xe bán tải. Trong khi đó, phương tiện này chủ yếu sử dụng trong lao động sản xuất, nhất là khu vực nông thôn.

"Tại sao phương tiện phục vụ nhiều trong sản xuất, kinh doanh lại phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt? Ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều giám đốc cũng muốn đi xe hơi nhưng vì miếng cơm manh áo mà phải đi xe pick-up", ông Hiếu nói.

Hơn nữa, đại biểu đoàn Thái Bình chỉ ra xe pick-up chịu thiệt nhiều so với xe thông thường và có niên hạn sử dụng nên việc tăng thuế như vậy sẽ tác động ngay đến người mua, thậm chí dẫn đến trường hợp mua xe khác và bỏ ghế ngồi để làm xe chở hàng.

Quan trọng hơn, ông chỉ ra trên thị trường ô tô Việt Nam, có 4 loại xe bán tải nhưng một hãng bán đến 90% thị phần loại xe này.

Không nêu tên cụ thể nhưng đại biểu cho biết hãng này chủ yếu cung cấp xe bán tải là chính và có cả nhà máy tại Việt Nam. Khi áp thuế như dự thảo, vô hình chung, không tác động tới các hãng khác mà đánh thẳng vào một hãng, dễ dẫn tới xu hướng nhà máy của hãng xe kia tại Việt Nam bị đóng cửa.

Góp ý thêm về phương pháp đánh thuế loại xe pick-up bằng 60% so với ô tô thông thường, đại biểu cho rằng không nên áp thuế như vậy vì xe bán tải là xe chở hàng, dung tích xi-lanh rất lớn, không thể lấy để so với xe thông thường.

Đại biểu đoàn Thái Bình lo ngại: "Một số người nói khi họ đầu tư vào Việt Nam vì an tâm với chính sách nhưng khi ta thay đổi khiến họ rất quan ngại về môi trường và chính sách đầu tư".

Thuế đối với xe pick-up ở Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN

Cùng ý kiến, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) phân tích, theo dự thảo luật mặt hàng xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép (hay còn gọi là xe bán tải chở hàng) đang được đề nghị mức thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 60% mức của xe con chở người.

Như vậy, thuế suất mới với xe này sẽ tăng từ 15%-20%-25% lên thành 24%-36% và 54%; hơn gấp đôi so với thuế suất cũ.

Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội).

Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội).

Qua nghiên cứu tài liệu, trao đổi với chuyên gia, đại biểu Ánh nhận thấy xe pick-up chỉ chiếm khoảng 5% thị phần ô tô cả nước vì chỉ những người thực sự cần dùng mới mua dòng xe này, đề chở hàng hóa, đi lại ở vùng địa hình khó khăn.

Xe có thiết kế phần sau là chở hàng; phần hai hàng ghế trước để chở người nhưng hàng ghế thứ hai không thuận tiện cho việc chở người như các xe con khác.

Vì tính lưỡng dụng nên xe pick-up được tiêu thụ 70% ở các địa phương và các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong khi đó Hà Nội và TP.HCM chỉ chiếm 30% thị phần.

Đại biểu chỉ ra trong cơn bão số 3 vừa qua, nhiều người sử dụng xe pick-up để vận chuyển hàng hóa cứu trợ, khắc phục thiên tai, bão lũ giúp sớm ổn định cuộc sống của nhân dân.

Hơn nữa, xe pick-up có tính tiện dụng cao, nhất là chở hàng và tiếp cận những khu vực không dễ cho xe tải và xe con.

"Khi đi sang các nước trong khu vực ASEAN, tôi quan sát ở Lào, Thái Lan, Indonesia, xe pick-up rất phổ biến và được sử dụng rất nhiều, công chức cũng dùng xe pick-up để kết hợp nhiều mục đích. Thuế tiêu thụ đặc biệt với xe pick-up chở hàng cabin kép ở các nước này đều rất thấp và Việt Nam đang ở mức cao nhất so với khu vực. Xe có niên hạn 25 năm nên người mua xe pick-up đa phần không phải chỉ là một hàng xa xỉ mà còn để phục vụ nhu cầu thực sự trong vận tải, đi lại", bà Ánh chia sẻ.

Hơn nữa, theo đại biểu, các hãng xe đều đang nghiên cứu tuân thủ yêu cầu của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới đổi mới công nghệ, chuyển đổi xanh. Do đó các dòng xe pick-up hiện dùng công nghệ tiết kiệm xăng, dầu và chất lượng tiêu chuẩn nhiên liệu EURO 5.

Trong quá trình chuyển đổi xanh diễn ra từ nay tới năm 2050, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần được bảo đảm nguồn lực tối ưu dành cho chuyển đổi, phát triển mạnh hơn nữa các loại xe thân thiện môi trường, như xe lai sạc ngoài, xe điện...

Việc tăng thuế suất ngay với xe pick-up chở hàng sẽ tác động lớn tới nguồn lực của các doanh nghiệp trong nước giai đoạn này.

Một điểm nữa, đại biểu đoàn Hà Nội chỉ ra các doanh nghiệp trong nước góp phần tăng hàng nghìn việc làm trực tiếp và gián tiếp tại Nhà máy và hệ thống đại lý.

Việc này phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động, tăng sản xuất lắp ráp sản phẩm ưu tiên trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô.

"Nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến giá xe sẽ tăng cao, làm sản lượng bán sụt giảm, nhà máy có nguy cơ giảm sản xuất, người lao động mất việc làm", bà Ánh nói và nhấn mạnh đây là những tác động cần phải tính đến.

Góp ý tại tổ 8, nêu lý do nên giữ nguyên mức thuế suất như hiện tại đối với xe pick-up, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) cho biết hiện tại hạ tầng giao thông nông thôn tốt lên nên ngày càng nhiều người dân sử dụng phương tiện này để chở người và công cụ lao động phục vụ công việc.

Xu hướng này cũng thể hiện sự phát triển, giàu có của người dân nông thôn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ).

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ).

Cho rằng, để tìm hình ảnh đại gia giàu sang, mặc đồ đẹp lại chạy xe pick-up là không phổ biến. Do đó, theo đại biểu Phương, không có nhiều chuyện lợi dụng thuế thấp, xe giá rẻ để di chuyển thông thường.

Vì vậy đại biểu đề nghị nên có mức thuế suất phù hợp đối với xe pick-up chở hàng để hỗ trợ cho người dân nông thôn.

"Nếu thuế quá cao, người dân không mua được xe lại phải chuyển sang xe không phù hợp, chở phương tiện lao động kềnh càng dễ kéo theo vấn đề về giao thông", theo đại biểu đoàn Cần Thơ.

Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đối với mặt hàng xe có động cơ dưới 24 chỗ, sửa đổi, bổ sung mô tả và mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng xe ô tô thân thiện với môi trường như sau:

Xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện (xe nạp điện bằng hệ thống sạc điện riêng), xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng do Chính phủ quy định, xe ô tô chạy bằng khí thiên nhiên: Bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại.

Sửa đổi, bổ sung mô tả mặt hàng ô tô, quy định rõ thuế suất đối với xe ô tô pick-up chở người thuộc nhóm xe ô tô chở người và xe bốn bánh chở người có gắn động cơ từ 9 chỗ trở xuống. Áp dụng thuế suất phù hợp (bằng 60% mức thuế suất áp dụng cho xe chở người) đối với xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép, xe ô tô tải VAN có từ hai hàng ghế trở lên.

Trang Trần

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguoi-dan-vi-mieng-com-manh-ao-moi-phai-di-o-to-pick-up-sao-lai-tang-thue-192241122114849304.htm