Người dân Vũ Hán 'thà chết ở nhà còn hơn đi cách ly'

Wenjun Wang là một người dân Vũ Hán, thành phố đang là tâm điểm của đại dịch viêm phổi do virus corona mới (nCoV) gây ra.

Số người chết và nhiễm nCoV ở Vũ Hán liên tục lập kỷ lục mới. (Ảnh: Getty Images)

Số người chết và nhiễm nCoV ở Vũ Hán liên tục lập kỷ lục mới. (Ảnh: Getty Images)

Chị Wang, một bà nội trợ 33 tuổi, và gia đình vẫn ở thành phố này để từ khi Vũ Hán bị phong tỏa hôm 23/1.

Cho đến nay, nCoV đã lây nhiễm cho hơn 24.000 người khắp thế giới, khiến gần 500 người thiệt mạng.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi từ Vũ Hán, chị Wang đã kể với BBC câu chuyện đau lòng về cách gia đình chị đang cố gắng sống sót.

Từ khi đại dịch nổ ra, chú của chị đã qua đời, bố của chị bị ốm nặng, trong khi mẹ và dì của chị bắt đầu có dấu hiệu nhiễm virus. Ảnh chụp CT cho thấy phổi của họ đã bị ảnh hưởng. Anh trai của chị cũng đang ho và nhiều lúc khó thở.

Bố của chị đang sốt cao, lên 39,3 độ C hôm 4/2. Ông ho liên tục và thấy khó thở. Gia đình mua cho ông máy thở oxy để dùng tại nhà và ông phải dùng nó suốt ngày đêm.

Ông đang dùng cả thuốc đông và tây y. Ông không thể nhập viện vì trường hợp của ông chưa được xác nhận là nhiễm nCoV do thiếu dụng cụ xét nghiệm.

Mẹ và dì của chị đều đến bệnh viện mỗi ngày để tìm giường cho bố chị, cho dù tình trạng sức khỏe của họ cũng đang có vấn đề. Nhưng không bệnh viện nào tiếp nhận họ.

Ở Vũ Hán, có nhiều điểm cách ly để tiếp nhận những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc đang trong giai đoạn ủ bệnh. Ở những nơi đó có một số máy móc cơ bản. Nhưng đối với những người ốm nặng như bố chị thì không phù hợp.

Chú của chị Wang qua đời trong một cơ sở cách ly vì không có trang thiết bị y tế cho những người trong tình trạng nặng. Wang nói rằng chị hy vọng bố chị được điều trị đúng cách nhưng không ai liên lạc hay giúp đỡ gia đình chị.

“Tôi đã liên lạc với các nhân viên cộng đồng rất nhiều lần, nhưng câu trả lời mà tôi nhận được là: Không có cơ hội nào cho chúng tôi có giường trong bệnh viện”, Wang kể.

Ban đầu, gia đình chị nghĩ rằng điểm cách ly mà bố và chú chị đến là một bệnh viện, nhưng hóa ra là một khách sạn.

Ở đó không có y tá, bác sĩ hay máy sưởi. Ngày họ vào đó, nhân viên mang đến cho họ một bữa ăn tối nguội ngắt. Lúc đó chú của chị đã ốm nặng, với nhiều biểu hiện nghiêm trọng và bắt đầu mất ý thức.

Không bác sĩ nào đến chữa cho ông ấy. Chú và bố của chị nằm ở 2 phòng khác nhau, và khi bố chị sang thăm em trai vào sáng hôm sau đã thấy ông qua đời.

Thà chết ở nhà

Những bệnh viện mới đang được xây thêm cho những bệnh nhân đang nằm trong các bệnh viện quá tải. Nhưng Wang nói rằng với những người như gia đình chị, họ không có cơ hội sẽ có giường, đừng nói đến chuyện vào được bệnh viện mới.

Nếu theo hướng dẫn của chính phủ, nơi duy nhất mà họ có thể đến là các điểm cách ly. Nhưng nếu gia đình chị đến đó, điều xảy ra với người chú cũng sẽ xảy ra với bố chị. “Vì thế nên chúng tôi thà chết ở nhà còn hơn”, Wang nói.

Chị nói rằng xung quanh có rất nhiều gia đình giống như nhà chị.

“Bố của bạn tôi còn bị nhân viên ở điểm cách ly từ chối cho vào vì ông ấy sốt cao”, Wang nói.

Wang nói rằng nếu biết trước thành phố bị phong tỏa vào ngày 23/1, chị sẽ quyết đưa cả gia đình ra nơi khác, vì ở đây họ không nhận được giúp đỡ nào cả.

“Nếu ở nơi khác, chúng tôi còn có hy vọng. Tôi không biết liệu những người như chúng tôi, những người đã nghe chính phủ và ở lại Vũ Hán, có phải đã đưa ra quyết định đúng hay không”, Wang nói.

Bình Giang

theo BBC

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/nguoi-dan-vu-han-tha-chet-o-nha-con-hon-di-cach-ly-1516193.tpo