Người dân vui mừng khi kè rạch Cái Sơn sắp hoàn thành
Sau một thời gian dài bị đình trệ, Dự án Kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn (Dự án Kè Cái Sơn) đã chính thức thi công trở lại từ tháng 4/2025, mang lại niềm vui và hy vọng cho hàng trăm hộ dân sinh sống dọc tuyến rạch thuộc phường An Bình và phường Long Tuyền, thành phố Cần Thơ.

Dự án Kè Cái Sơn (bên phải) khởi công từ năm 2019 với tổng vốn đầu tư gần 315 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.
Không khí trên công trường những ngày tháng 7 này vô cùng hối hả, các nhà thầu đang huy động tối đa nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm hoàn thành công trình trong năm 2025, chấm dứt nỗi lo sạt lở, ngập lụt đã ám ảnh người dân bao năm qua và mở ra một diện mạo đô thị mới khang trang, sạch đẹp.
Có mặt trên công trường thi công kè Cái Sơn ngày 11/7, tiếng máy trộn bê tông, tiếng máy đầm, tiếng gọi nhau í ới của công nhân đã làm sôi động cả một đoạn rạch dài. Dưới cái nắng của những ngày giữa năm, các tốp công nhân vẫn miệt mài làm việc. Tại gói thầu số 2, nhà thầu đang tập trung hoàn thiện các hạng mục cuối cùng như đổ bê tông mặt đường và lắp đặt hệ thống lan can.

Công nhân thi công hạng mục đổ bê tông mặt đường sau kè của dự án Kè Cái Sơn ngày 11/7/2025.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, phụ trách kỹ thuật của Công ty Cổ phần lắp đặt điện nước IEE-24/7, đơn vị đang triển khai nhiều mũi thi công, làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm để bù lại tiến độ bị chậm do thời tiết mưa gió thất thường. "Chúng tôi bắt đầu đổ bê tông mặt đường từ ngày 10/7 và dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ phần mặt đường trong vòng ba ngày tới, tạo tiền đề để triển khai các hạng mục tiếp theo", ông Hưng chia sẻ.
Để đảm bảo chất lượng công trình ở mức cao nhất, các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt như rút sụt, kiểm tra cường độ, trộn mác bê tông và nén mẫu được thực hiện thường xuyên.

Công nhân thi công hạng mục đổ bê tông mặt đường sau kè của dự án Kè Cái Sơn ngày 11/7/2025.
Sự trở lại của dự án đã thắp lên niềm vui cho những người dân đã gắn bó cả đời với con rạch này. Bà Nguyễn Kim Hưng, 80 tuổi, sống ven rạch Cái Sơn hơn 50 năm ở khu vực 6, phường An Bình, không giấu được sự xúc động. Bà Hưng kể, những năm trước, mỗi khi triều cường lên là cả nhà lại khổ sở.
"Nước tràn vào ngập hết nhà, một ngày hai lần, mỗi lần kéo dài 2 - 3 giờ, không thể sinh hoạt, buôn bán gì được. Muốn làm gì cũng phải chờ nước rút". Khi thấy công nhân, máy móc trở lại thi công bờ kè, bà mừng lắm vì tin rằng những khó khăn bấy lâu sẽ được giải quyết. Không chỉ giúp chống ngập, dự án còn mang lại cho gia đình bà Hưng một cuộc sống ổn định. Với số tiền được bồi thường từ phần đất bị ảnh hưởng, bà đã sửa sang lại ngôi nhà khang trang, vững chãi hơn.
Cùng chung niềm vui, anh Phùng Văn Cường, người dân khác ở khu vực 6, phường An Bình, cho biết trước đây con đường ven rạch đầy ổ gà, sụp lún, mỗi khi triều cường lên là nước ngập trắng, người lạ không rành đường đi qua rất dễ bị té ngã. "Bờ kè này được thi công cách đây khá lâu rồi, sau đó tạm ngưng nên đường vẫn chưa hoàn thiện, giao thông rất bất tiện", anh Cường nói.
Anh Cường và nhiều người dân khác mong mỏi tuyến kè sớm hoàn thành để việc đi lại, làm ăn buôn bán, vận chuyển hàng hóa và việc học của con em được thuận lợi, an toàn hơn, đặc biệt là vào mùa nước nổi.

Điểm đầu dự án Kè Cái Sơn tại phường An Bình, thành phố Cần Thơ sẽ được thi công hạng mục đường đi trong vài ngày tới.
Dự án Kè Cái Sơn là một công trình quy mô lớn với tổng mức đầu tư ban đầu gần 315 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến là 2.834,4 mét, kéo dài từ cầu Cái Sơn 1 (phường An Bình) đến cầu Sáu Bé (phường Long Tuyền). Mục tiêu của dự án không chỉ là phòng chống sạt lở, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân mà còn góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường, tạo cảnh quan và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch miệt vườn của địa phương.
Công trình được chia làm 3 gói thầu, khởi công từ cuối năm 2019. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã gặp phải vô số khó khăn. Đại dịch COVID-19 bùng phát khiến công trình phải tạm dừng thi công trong thời gian dài do các biện pháp giãn cách xã hội. Việc vận chuyển vật tư, huy động nhân công cũng bị đình trệ. Sau dịch, giá các loại vật liệu thiết yếu như cát, đá, sắt thép leo thang, khan hiếm, giá nhân công cũng tăng cao, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ.
Khó khăn lớn nhất và kéo dài nhất của dự án là công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Với 247 hộ dân bị ảnh hưởng dọc tuyến, công tác giải phóng mặt bằng vô cùng phức tạp và mất nhiều thời gian. Việc xác định nguồn gốc đất cặp sông, đất bãi bồi ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đòi hỏi nhiều thủ tục, chính sách hỗ trợ. Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực tế đã tăng hơn 30 tỷ đồng so với dự toán ban đầu.
Bên cạnh đó, việc bố trí nền tái định cư cũng gặp vướng mắc, đặc biệt trên địa bàn quận Ninh Kiều cũ, nay là phường An Bình. Những trở ngại này khiến việc bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công bị chậm trễ, kéo dài qua nhiều năm.
Đến cuối năm 2022, dự án buộc phải dừng lại do vướng mắc về thủ tục gia hạn thời gian giải ngân vốn ngân sách trung ương. Gần 100 tỷ đồng vốn trung ương chưa giải ngân đã hết thời hạn theo quy định. Trước tình hình đó, UBND thành phố Cần Thơ đã nhiều lần kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành trung ương. Theo phúc đáp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cũ), nay là Bộ Tài chính, số vốn này không được kéo dài; đồng thời, đề nghị thành phố chủ động bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để hoàn thành dự án.
Với quyết tâm không để công trình dở dang, ngày 14/4/2025, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 918/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh dự án, gia hạn thời gian thực hiện đến cuối năm 2025 và bổ sung ngân sách địa phương để thay thế nguồn vốn trung ương đã hết hạn, tháo gỡ "nút thắt" lớn nhất giúp dự án được tái khởi động.

Dự án Kè Cái Sơn sẽ hoàn thành cuối năm 2025 sau khi được UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 4/2025.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Huỳnh Thanh Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ (chủ đầu tư dự án), cho biết ngay sau khi được phê duyệt điều chỉnh, chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu thi công trở lại từ tháng 4/2025. Đến nay, tiến độ các gói thầu đã có sự chuyển biến tích cực. Gói thầu số 3 đã hoàn thành 98%, gói thầu số 2 đạt gần 90% và gói thầu số 1 cũng đạt trên 70% giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc nhỏ cần giải quyết dứt điểm. Toàn dự án hiện còn 2 trường hợp chưa được phê duyệt phương án bồi thường ở quận Ninh Kiều, nằm ngay đầu tuyến gây ra tình trạng "thắt cổ chai" ảnh hưởng đến việc thi công đồng bộ. Hiện, chủ đầu tư đang phối hợp chặt chẽ với UBND phường An Bình để sớm giải quyết dứt điểm các trường hợp còn vướng mặt bằng này.
Đồng thời, chủ đầu tư đã chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung mọi nguồn lực, phương tiện, vật tư, nhân công để đồng loạt triển khai, quyết tâm hoàn thành công trình trước mùa lũ năm nay, vừa đảm bảo an toàn, vừa sớm ổn định giao thông và sinh hoạt cho người dân.
Sau 7 năm từ khi khởi công, kè Cái Sơn đang dần về đích. Chỉ ít tháng nữa, con rạch Cái Sơn sẽ khoác lên mình "chiếc áo mới", không chỉ kiên cố, vững chãi chống chọi với thiên tai mà còn là một tuyến đường sạch đẹp, một không gian công cộng xanh, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và thúc đẩy sự phát triển của đô thị Cần Thơ theo hướng văn minh, hiện đại.