Người dân vùng sâu, vùng xa ở ĐBSCL sẽ không còn bị cô lập mùa mưa lũ
Hàng trăm cây cầu dân sinh được xây dựng, đảm bảo bà con, trẻ nhỏ đi lại thuận tiện, không bị cô lập trong mùa mưa lũ.
Ngày 21/11, Đoàn công tác của Tổng Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) phối hợp với Sở GTVT hai tỉnh Sóc Trăng và An Giang kiểm tra công tác thi công, tiến độ, chất lượng công trình, thiết kế… tại một số công trình thuộc dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (gọi tắt là dự án LRAMP) trên địa bàn 2 tỉnh này.
Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng Cục ĐBVN cho biết, dự án đáp ứng được tiến độ, chất lượng, với sự phối hợp của các cơ quan địa phương và sự đồng thuận của người dân tại khu vực, hầu hết công tác GPMB được hiến tặng, giúp tiết kiệm được kinh phí xây dựng.
“Dự kiến đến hết năm 2020, toàn bộ 2.141 cầu sẽ hoàn thành, đem lại hiệu quả giao thông đi lại cho bà con vùng dân tộc thiểu số, khó khăn. Đây là dự án được Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao vì tính sát thực với người dân trên khắp cả nước, phục vụ cho nhu cầu dân sinh đảm bảo bà con, trẻ nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đi lại thuận tiện, không bị cô lập trong mùa mưa lũ”, ông Huyện nhấn mạnh.
Tổng cục ĐBVN cũng gửi lời cảm ơn tất cả các hộ gia đình đã tham gia hiến đất để xây dựng cầu, làm đường dẫn, đường dân sinh, góp phần mang lại lợi ích cho bà con và sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Bước chân trên cây cầu Trà Quýt vừa mới xây xong, Sư Sơn Thi (chùa Ta Quýt Mới, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, Sóc Trăng) phấn khởi, khoảng 2 năm trước khi chưa có cây cầu này, bà con đi lại rất khó khăn. Sau 6 tháng thi công cây cầu hoàn thành, hàng trăm hộ dân khu vực đều rất phấn khởi và vui mừng, bởi những mùa lễ hội lớn của chùa, bà con đi lại thuận tiện hơn.
Ông Trần Quốc Thống, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng cho biết, dự án xây dựng cầu dân sinh được Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai thực hiện là một dự án đặc biệt quan trọng về mặt an sinh xã hội, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
"Đặc thù của địa phương là vùng sông nước, việc đi lại của bà con vô cùng quan trọng và rất cần những cây cầu kết nối các xã, huyện với nhau. Đáng mừng là khi dự án được triển khai đến đâu, bà con nhân dân nơi đó đều ủng hộ nhiệt tình đến đó", ông Thống cho hay.
Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (gọi tắt là dự án LRAMP), sử dụng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới WB, với tổng vốn đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng. Trong đó, dành 5.798 tỷ đồng để xây dựng khoảng 2.174 cầu dân sinh trên phạm vi 50 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Riêng, tại 11 tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL (Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp và Bến Tre). Ban đầu, dự kiến được xây dựng 340 cây cầu dân sinh bê tông cốt thép, với vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tổng Cục ĐBVN quyết định nâng tổng số cầu lên 418 cây.
Hiện tại, có 298 cây cầu đã hoàn thành, đưa vào khai thác với bề mặt thiết kế rộng từ 2,5 - 3m. Qua đó, giúp bà con nông dân nhiều địa phương thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội.