Người dân xóm lưới ấp Long An bền bỉ bám nghề

Hơn 40 năm qua, nghề làm lưới ở ấp Long An, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) vẫn được duy trì, là nguồn sinh kế chủ yếu của nhiều người dân.

Sau khi bắt phao cho 30 tay lưới, ông Tư Liên (Nguyễn Văn Liên) vội xếp hàng vào giỏ đưa cho người con trai mang về thực hiện công đoạn dập chì để kịp giao cho khách. Nhà ông Tư Liên ở ấp Long An, để thuận tiện cho khách tìm đến mua lưới, ông dựng gian hàng nằm cặp theo tuyến Quốc lộ 61B, trưng bày lưới các loại.

Khi được hỏi về thu nhập từ nghề làm lưới, ông Tư Liên cởi mở chia sẻ: “Công việc này chúng tôi làm quanh năm suốt tháng. Bình thường, thu nhập từ nghề làm lưới không đáng kể, nhưng vào mùa nước nổi, những hộ dân bám nghề sẽ được dịp bội thu, vì lưới rất đắt hàng, giá bán lẻ một tay lưới bắt cá chốt, cá sặc, cá rô khoảng 70.000 đồng, các loại lưới bắt cá lớn hơn thì khoảng 200.000 đồng, có ngày tôi bán hơn 100 tay lưới. Giá lưới không tăng, chủ yếu là nhờ bán số lượng nhiều”. Ông Tư Liên người gốc Huế, thuở nhỏ theo cha mẹ vào đây sinh sống, nghề làm lưới cũng là do các cụ thân sinh truyền dạy. Ở tuổi 70, ông đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm lưới, các con ông hiện cũng theo nghề này.

Hơn 40 năm qua, nghề làm lưới đã giúp cho các hộ dân có thu nhập ổn định, nhiều người còn làm ăn khấm khá. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Ở xóm lưới Long An còn có ông Trần Văn Lành đã hơn nửa đời người gắn bó với nghề làm lưới. Trước đây, ông Lành sống ở làng đan lưới Thơm Rơm (xã Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ). Sau khi về nơi đây, ông vẫn tiếp tục duy trì công việc làm lưới, bởi đối với ông nghề làm lưới không chỉ giúp cho ông trang trải cuộc sống mà còn gìn giữ nghề truyền thống của gia đình. Ông Lành cho biết, để làm được một tay lưới hoàn chỉnh mất nhiều thời gian, vất vả nhất là công đoạn đan màng lưới. Mấy năm gần đây, lưới đan sẵn bán nhiều trên thị trường, người dân mua về chỉ việc luồn dây, bắt phao, dập chì cho ra thành phẩm. Tuy nhiên, theo ông Lành, các công đoạn đều phải thực hiện tỉ mỉ, tập trung, nếu không thì rất khó để có được một tay lưới tốt.

Hiện ở ấp Long An có khoảng 30 hộ theo nghề làm lưới. Đối với những gia đình làm nghề lâu năm sắm đủ dụng cụ, máy móc làm ra tay lưới hoàn chỉnh, vừa bán lẻ vừa giao cho các chợ. Còn một số hộ chỉ chuyên về công đoạn bắt phao, dập chì thì nhận làm công ăn theo sản phẩm. Do các công đoạn này không khó, ai cũng có thể làm được, nên không chỉ người lớn mà nhiều em nhỏ cũng tranh thủ thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập.

Em Trần Văn Nghiệp, 16 tuổi, chia sẻ: "3 năm trước, em được ba dạy cho cách dập chì, để tranh thủ những ngày nghỉ học em phụ việc. Hiện nay, em đã quen với công việc này. Bình thường em được giao chừng 20 tay lưới, tiền công 100.000 đồng. Vào những tháng cao điểm mùa nước nổi, mỗi ngày em dập hơn 40 tay lưới, tiền công gấp đôi. Số tiền này em phụ giúp ba mẹ chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Ở trong xóm có nhiều bạn cùng trang lứa cũng chịu khó theo nghề làm lưới".

Không chỉ sản xuất lưới, bà Nguyễn Thị Lành ở ấp Long An còn cung cấp nguyên liệu làm lưới cho người dân. Bà Lành cho biết, khoảng 40 năm trước, khi nghề đan lưới còn làm thủ công thì gia đình bà đã làm lưới bán sỉ, lẻ cho bà con trong vùng. Dù vất vả, thu nhập lại không cao nhưng gia đình vẫn quyết tâm giữ nghề. Vài năm trở lại đây, nhờ nguồn vốn vay ngân hàng, bà Lành mua máy dập chì, từ đó việc sản xuất lưới nhanh, nhiều hơn. Hiện nay, lưới của bà Lành không chỉ bán rộng rãi ở địa phương mà con giao cho khách sỉ các tỉnh lân cận.

Đồng chí Trịnh Văn Đua - Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết, nghề làm lưới vốn là nghề có truyền thống lâu đời ở xã Tân Long, khởi đầu từ những người dân miền trung vào lập nghiệp, trong đó, các hộ theo nghề lưới tập trung chủ yếu ở ấp Long An. Hơn 40 năm qua, nghề làm lưới đã giúp cho các hộ dân có thu nhập ổn định, nhiều người còn làm ăn khấm khá. Đặc biệt là vào mùa nước nổi, các hộ làm nghề lưới thu nhập rất cao do nhu cầu đánh bắt thủy sản tăng, kéo theo mặt hàng lưới tiêu thụ mạnh.

"Nghề làm lưới không chỉ mang lại cuộc sống yên ấm cho bà con mà còn là một nét văn hóa truyền thống của địa phương, gắn kết các thành viên trong gia đình, cộng đồng. Thời gian qua, chúng tôi luôn quan tâm, hỗ trợ cho bà con duy trì và phát triển nghề làm lưới. Đối với các hộ gặp khó khăn về vốn, chúng tôi tạo điều kiện cho tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội. Chúng tôi mong rằng nghề đan lưới sẽ được gìn giữ và phát huy, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho bà con mình” - đồng chí Trịnh Văn Đua chia sẻ.

XUÂN NGUYÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/nguoi-dan-xom-luoi-ap-long-an-ben-bi-bam-nghe-61669.html