Người dân Xuân An phát triển kinh tế nhờ tiếp cận thông tin

Những năm qua, xã Xuân An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) luôn chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền nhằm chuyển tải kịp thời chủ trương, chính sách về giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đến người dân. Qua đó, bà con tiếp cận các mô hình hay, cách làm hiệu quả để phát triển kinh tế.

Giúp người nghèo tiếp cận thông tin

Để người dân thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin, xã Xuân An phối hợp với các đơn vị chuyên môn hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ internet, mạng di động. Đến nay, mạng internet đã kết nối đến các thôn, làng và đa số hộ dân có thiết bị kết nối mạng internet băng thông rộng.

Đặc biệt, đầu năm 2023, xã được UBND thị xã An Khê đầu tư 570 triệu đồng để xây dựng hệ thống truyền thanh thông minh với những tính năng vượt trội đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thanh cơ sở, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân.

Cán bộ xã Xuân An kiểm duyệt nội dung trước khi tuyên truyền trên sóng phát thanh. Ảnh: Đ.Y

Cán bộ xã Xuân An kiểm duyệt nội dung trước khi tuyên truyền trên sóng phát thanh. Ảnh: Đ.Y

Cùng với đó, xã duy trì thời lượng tiếp sóng chương trình phát thanh của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã An Khê nhằm cập nhật thông tin thời sự, các chương trình khuyến nông, giảm nghèo đến người dân.

Chủ tịch UBND xã Hồ Hữu Mạnh cho hay: “Ủy ban nhân dân xã giao cho công chức văn hóa-xã hội xây dựng kế hoạch tiếp sóng các chương trình của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã; đồng thời, xây dựng các nội dung các bản tin truyền thanh của xã phát trên hệ thống truyền thanh thông minh. Trong đó, xã chú trọng các nội dung như: giới thiệu mô hình giảm nghèo hiệu quả, gương thoát nghèo bền vững; tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề… để người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được nhiều thông tin hữu ích, giúp họ thay đổi tư duy, chủ động hơn trong phát triển sản xuất kinh doanh”.

Ngoài ra, để người nghèo tiếp cận thông tin nhiều hơn, xã còn đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng công nghệ số tại cộng đồng. Ông Nguyễn Thế Ánh-công chức Văn hóa-Xã hội xã-cho hay: “Ủy ban nhân dân xã đã cử cán bộ phụ trách thôn, làng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng hữu ích trên điện thoại thông minh, thiết bị kỹ thuật số. Tổ hỗ trợ dịch vụ hành chính công của xã đến từng thôn, làng hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, kết nối cổng dịch vụ công thị xã... Cùng với đó, xã phối hợp với cơ quan truyền thông giới thiệu gương điển hình, mô hình kinh tế hiệu quả cũng như tuyên truyền chính sách giảm nghèo đến người dân. Qua đó, bà con tiếp cận thông tin, kiến thức được dễ dàng, học hỏi thêm khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trong sản xuất, phòng-chống dịch bệnh... từng bước nâng cao đời sống về vật chất lẫn tinh thần, hướng tới giảm nghèo bền vững”.

Thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Ông Phan Xuân Phương (thôn An Xuân 2) cho biết: Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Do gia đình chỉ có vài sào mía và rau màu nên thu nhập rất bấp bênh, cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Không khuất phục trước hoàn cảnh, những lúc rảnh rỗi, vợ chồng ông tìm hiểu các mô hình làm ăn hiệu quả trên sách báo, xem ti vi, nghe đài và trên các trang mạng xã hội.

“Đầu năm 2022, tôi tình cờ nghe thông tin qua hệ thống loa truyền thanh của xã về mô hình nuôi ốc lác Thái Lan. Đây là loại ốc dễ tiêu thụ và mang lại lợi nhuận cao. Sau đó, tôi quyết định cải tạo 200 m2 đất vườn để xây dựng 10 hồ nước nhân tạo nuôi ốc lác Thái Lan”-ông Phương cho hay.

Cán bộ xã Xuân An tham quan mô hình nuôi ốc lác Thái Lan của hộ ông Phan Xuân Phương (thôn An Xuân 2). Ảnh: Đ.Y

Cán bộ xã Xuân An tham quan mô hình nuôi ốc lác Thái Lan của hộ ông Phan Xuân Phương (thôn An Xuân 2). Ảnh: Đ.Y

Theo ông Phương: Để nuôi thành công loài ốc lác Thái Lan, trước hết, nước trong ao phải được thay thường xuyên và giữ sạch sẽ. Mặt nước trồng bèo tây để lúc nào nước cũng mát. Phía trên làm giàn trồng bầu, bí để vừa làm thức ăn cho ốc vừa tạo bóng mát. Ốc sống dưới môi trường này phát triển rất tốt, chất lượng thịt thơm ngon.

Khi chuẩn bị xong hồ nuôi, ông Phương nhập nguồn giống trứng ốc từ Thái Lan về bởi có nhiều lợi thế, sức đề kháng mạnh hơn ốc nội; đồng thời, học hỏi người có kinh nghiệm nuôi ốc và tìm hiểu về cách ấp trứng ốc. “1 kg trứng ốc lác Thái Lan có giá 1 triệu đồng, ấp ra khoảng 1.500-2.000 con. Sau 20 ngày trứng nở, tiếp tục nuôi ốc con khoảng 1 tuần ở trong bể nổi, sau đó mới thả ra ao. Thời gian nuôi ốc lác Thái Lan khoảng 4-5 tháng đạt trọng lượng 20 con/kg là xuất bán ốc thịt với giá trên thị trường hiện là 100-120 ngàn đồng/kg. Thức ăn của ốc lác Thái chỉ là những quả bầu, bí, mướp, ổi, rau xanh, lá khoai môn được cắt lát mỏng. Để hạn chế nấm bệnh gây hại thì thức ăn phải sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”-ông Phương chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Phương cho biết: Mỗi lứa ốc thịt (4-5 tháng) lãi khoảng 30 triệu đồng. Từ thành công của gia đình ông Phương, chính quyền xã Xuân An giới thiệu trên hệ thống loa truyền thanh và tổ chức cho bà con các thôn, làng đến tham quan, tìm hiểu. Ông Phương cũng sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho những ai quan tâm và có ý định nuôi ốc lác Thái Lan.

Còn ông Nguyễn Văn Thơm (thôn An Xuân 3) thì chia sẻ: “Qua nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và tìm hiểu trên mạng internet, tôi thấy nhiều người thành công với mô hình nuôi cá chạch lấu. Với 50 triệu đồng vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, tôi đầu tư vào mô hình này”.

Trên diện tích khoảng 30 m2 đất vườn, tháng 6-2023, ông Thơm làm hồ rải bạt chống thấm để làm bể ươm cá giống. Ông mua 10 ngàn con giống với giá 8 ngàn đồng/con về nuôi. Sau 3 tháng chăm sóc, cá chạch lấu phát triển tốt. Ông Thơm dự định tháng 11 này đưa cá ra nuôi trong lồng ở lòng hồ thủy điện An Khê. Thức ăn cho cá chạch lấu là cám công nghiệp có độ đạm cao và trùn quế.

Theo ông Thơm, khi cho cá giống ra nuôi ở lòng hồ, sau 1 năm chăm sóc, cá sẽ đạt khoảng 2-3 con/kg. Với giá thị trường là 300-350 ngàn đồng/kg, sau 1 năm nuôi, gia đình ông lãi khoảng 150 ngàn đồng/kg.

Cũng theo ông Thơm, để tăng sức đề kháng và giúp cá tăng trọng nhanh, ít bị bệnh thì 1 tuần cho cá giống ăn 2 lần vitamin C và men tiêu hóa trộn cùng với thức ăn. “Trước khi bắt tay vào ươm cá chạch lấu, tôi tìm hiểu qua mạng xã hội, rồi trực tiếp vào An Giang để học kỹ thuật nuôi. Sau khi nắm vững kỹ thuật nuôi, tôi mới mạnh dạn đầu tư ươm cá giống để nuôi lấy thịt và bán cá giống ra thị trường. Cá giống cũng được nhiều hộ dân trên địa bàn mua về nuôi. Trên địa bàn xã Xuân An có lòng hồ thủy điện An Khê rất thuận lợi cho việc nuôi cá chạch lấu”-ông Thơm chia sẻ.

Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND xã Xuân An cho biết thêm: Nhờ được cung cấp nguồn thông tin phong phú, nhanh chóng và thuận lợi nên người dân trong xã đã tiếp cận được nhiều giải pháp giảm nghèo, bổ sung những kiến thức, kỹ năng hữu ích, áp dụng vào sản xuất, từ đó cải thiện cuộc sống. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về giảm nghèo nhằm giúp người dân chủ động phát triển kinh tế, góp phần đạt mục tiêu giảm 1,8% tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2023.

ĐINH YẾN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nguoi-dan-xuan-an-phat-trien-kinh-te-nho-tiep-can-thong-tin-post251050.html