Người dân yên tâm tiêm vác xin Covid-19 sau khi đã được khám sàng lọc
Hiện nay, tỉnh Hà Giang đang cùng cả nước bước vào Chiến dịch tiêm chủng vác xin Covid-19. Với nỗ lực phấn đấu trên 70% dân số sẽ được tiêm vác xin để đạt miễn dịch cộng đồng, góp phần ngăn chặn đại dịch. Để người dân có thể hiểu hơn về ý nghĩa của việc tiêm vác xin cũng như các hoạt động đảm bảo an toàn sau tiêm tại các cơ sở y tế, phóng viên Báo Hà Giang điện tử có cuộc phỏng vấn bác sỹ Trần Hoài Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Minh, TP. Hà Giang, cơ sở y tế được tỉnh giao nhiệm vụ tiêm vác xin Covid-19 cho nhân dân.
P/v: Xin bác sỹ cho biết, những đối tượng nào nên tiêm và đối tượng nào không nên tiêm vác xin Covid-19?
Bác sỹ Trần Hoài Quang: Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh Chiến dịch tiêm vác xin trên toàn quốc với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng. Các đối tượng được tiêm vác xin đủ 18 tuổi trở lên và trong điều kiện tình hình dịch bệnh như hiện nay, tất cả chúng ta nếu có đủ điều kiện sức khỏe thì nên tiêm vác xin Covid-19.
Một số đối tượng không nên tiêm vác xin Covid-19, gồm: Quá mẫn cảm với các loại thực phẩm, các thành phần của thuốc, có tiền sử dị ứng quá nặng nề; người quá cao tuổi, già yếu không thể tiêm; người có các bệnh nền nặng, suy giảm miễn dịch…
P/v: Thời gian qua trong cả nước đã ghi nhận một số trường hợp sốc phản vệ sau tiêm vác xin Covid-19, xin bác sỹ cho biết, Bộ y tế có hướng dẫn quy trình, cách xử trí như thế nào?
Bác sỹ Trần Hoài Quang: Vác xin Covid-19 khi tiêm vào cơ thể là một kháng nguyên lạ. Do đó, cơ thể của chúng ta có thể xảy ra một số phản ứng quá mẫn chống lại chính cơ thể của chúng ta, người ta gọi là phản vệ. Ngay cả các thực phẩm chúng ta đang ăn hàng ngày như tôm, cua, nhộng ong, con tằm, trứng kiến…, khi chúng ta sử dụng, một số người có thể xảy ra tình trạng phản vệ, dị ứng... Đối với một số loại thuốc đang được dùng để điều trị bệnh hiện nay cũng vậy, những trường hợp mẫn cảm cũng dễ xảy ra dị ứng, sốc phản vệ.
Các biểu hiện của phản vệ ngay sau tiêm vác xin Covid-19 như: Mệt, xỉu, ý thức xấu đi, độ tỉnh táo giảm; khó thở; đau bụng, đau quặn bụng, tiêu chảy; mẩn ngứa toàn thân, vùng mặt…, thì chúng ta có thể nghĩ ngay đó là sốc phản vệ. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi có biểu hiện như vậy, chúng ta tránh các động tác thừa, như đi đếm mạch, đo huyết áp mà chúng ta phải tiêm Adrenaline ngay cho đối tượng tiêm chủng vào mặt trước đùi. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tất cả các bàn tiêm chủng đều được hút Adrenaline sẵn vào một ống tiêm để trên bàn tiêm chủng, khi người tiêm có biểu hiện của phản vệ sẽ được tiêm Adrenaline với liều từ 0,5 – 1mg. Cứ 3 – 5 phút chúng ta nhắc lại 1 lần đến khi bệnh nhân tạm ổn định thì mới đưa người bệnh vào phòng tích cực để điểu trị bằng các biện pháp điều trị tích cực, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
P/v: Là cơ sở y tế được giao triển khai tiêm vác xin Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Đức Minh cũng như các cơ sở y tế trong tỉnh phải làm gì để tránh hoặc giảm xảy ra các trường hợp sốc phản vệ và đảm bảo an toàn cho người tiêm thưa bác sỹ?
Bác sỹ Trần Hoài Quang: Không chỉ riêng Bệnh viện Đa khoa Đức Minh, tại tất cả các cơ sở y tế trong cả nước theo quy định của Bộ Y tế thời gian qua đã tổ chức tập huấn rất nhiều lần và rất kỹ càng về việc cấp cứu chống sốc phản vệ sau tiêm vác xin Covid-19. Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Minh hoặc các địa điểm tiêm vác xin Covid-19 trong tỉnh hiện nay, ngoài đội ngũ tư vấn về chuyên môn, khám sàng lọc, những nơi tiêm chủng đều được bố trí ở sát các phòng cấp cứu. Sau khi người dân được tiêm, đều được bố trí sang phòng chờ theo dõi sức khỏe sau tiêm, ít nhất là 30 phút đến 1 giờ. (Khi có biểu hiện sốc phản vệ sẽ được điều trị theo biện pháp như đã nêu ở phần trên). Nếu không có biểu hiện gì bất thường, người tiêm sẽ được ra về. Người tiêm chủng cũng được các nhân viên y tế căn dặn, khi về nhà nếu có biểu hiện gì bất thường cần quay trở lại bệnh viện ngay để được tư vấn, điều trị kịp thời. Qua đó, nếu có sốc phản vệ, công tác cấp cứu sẽ được xử trí kịp thời cho người bệnh.
Thời gian qua, có một số trường hợp đáng tiếc xảy ra do sốc phản vệ, nhưng đó là do người bệnh quá mẫn và các trường hợp đó là rất hy hữu. Với điều kiện cấp cứu và cơ sở vật chất y tế, phác đồ, quy trình của Bộ Y tế xây dựng như hiện nay, bà con có thể yên tâm tiêm vác xin Covid-19 sau khi đã được khám sàng lọc kỹ. Qua đó, góp phần vào nỗ lực phòng, chống, ngăn chặn đại dịch Covid-19.
P/v: Xin trân trọng cảm ơn bác sỹ đã tham gia trả lời cuộc phỏng vấn của Báo Hà Giang điện tử!