Người đảng viên trẻ: Viết bản tình ca giữa đại ngàn

Mới bước sang tuổi 33, nhưng anh Đinh Văn Siêng, người dân tộc Ca Dong đã là Chủ tịch Hội CCB của xã Sơn Long (Sơn Tây). Song, điều làm mọi người thán phục ở người đảng viên trẻ này lại là niềm đam mê của anh về sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ca dong...

Bộ đội Cụ Hồ thì phải làm gương

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở bên cung đường Đông Trường Sơn, thuộc xã Sơn Long (Sơn Tây), năm 2011, chàng trai Đinh Văn Siêng tình nguyện nhập ngũ khi đang học lớp 11, với mong ước được tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình.

Khu trưng bày, quảng bá các hiện vật văn hóa quý hiếm của đồng bào Ca Dong kết hợp kinh doanh dịch vụ giải khát của anh Đinh Văn Siêng đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Siêng bộc bạch: Được rèn luyện trong môi trường quân đôi là ước nguyện của tôi từ nhỏ. Vì thế, những ngày tháng trong quân ngũ, tôi luôn nỗ lực rèn luyện, phấn đấu và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Từ môi trường giáo dục của quân đội, tôi đã thấu hiểu được giá trị sự hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước, vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Thấu hiểu được điều đó, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về lại địa phương, không như các bạn cùng trang lứa là tìm việc làm để lo phát triển kinh tế gia đình, Đinh Văn Siêng đã chọn cho mình một hướng đi riêng là tiếp tục theo học hoàn thành chương trình THPT và lớp Trung cấp Giao thông – Thủy lợi để về phục vụ địa phương. “Mình là Bộ đội Cụ Hồ thì phải làm gương chứ! Không có kiến thức thì khó làm được việc gì thành công. Nên phải học thôi!”, Siêng chia sẻ.

Kết quả đó là một sự cố gắng lớn của Đinh Văn Siêng, nên anh luôn được cấp ủy đảng, chính quyền tin tưởng lần lượt bố trí giữ nhiều chức vụ ở địa phương, nhiệm vụ nào anh cũng hoàn thành tốt. Hiện nay, anh đang đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội CCB xã Sơn Long khi mới bước sang tuổi 33.

ĐINH VĂN SIÊNG bộc bạch.

Lưu giữ vốn quý của đồng bào Ca Dong...

Cũng như bao thanh niên người Ca Dong, Đinh Văn Siêng sinh ra và lớn lên trong mạch nguồn văn hóa truyền thống vô cùng phong phú và đa dạng của đồng bào mình, được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của đại ngàn. Anh được hít thở hơi ấm bếp nhà sàn, được lắng nghe các làn điệu dân ca, nhịp chiêng ba, chiêng bảy từ bố mẹ và các bậc cao niên trong làng, nên đã ăn sâu vào trong máu thịt, khiến khi lớn lên anh không thể nào quên được.

Đinh Văn Siêng kể: Hôm nọ, tôi đến nhà một hội viên CCB để tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa và phát triển kinh tế gia đình. Thấy hội viên này mang bộ chiêng ba ra bán cho một người ở dưới đồng bằng chuyên đi sưu tầm đồ cổ, tôi liền hỏi: - Sao lại bán những hiện vật quý giá đó?.

Người hội viên này trả lời: Nhà có ai dùng đâu! Bảo mấy đứa con mang ra để mình truyền dạy cách đánh chiêng nhưng tụi nó bảo thứ đó giờ có mấy người xem đâu!. Điều đó làm tôi trăn trở và tự hỏi, nếu sau này không còn những hiện vật quý báu ấy thì con em mình khó có thể hiểu hết cội nguồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình! Và cũng chính điều này đã thôi thúc tôi đi sưu tầm những hiện vật quý của đồng bào Ca Dong.

Chủ tịch Hội CCB huyện Sơn Tây ĐINH HUY ĐÔI ghi nhận.

Thế là, sau những buổi làm việc, bước chân anh như cánh chim không mỏi đi đến những ngôi làng xa xôi để động viên các gia đình có nhạc cụ truyền thống, có chiêng và biết biểu diễn nhạc cụ dân tộc Ca Dong hãy gìn giữ và truyền nghề. Gia đình nào khó khăn, có ý định bán những hiện vật quý báu ấy, anh xin được mua lại để mang về nhà lưu giữ.

Cứ thế, anh không bỏ sót một gia đình nào đang lưu giữ các nhạc cụ mà có ý định bán, bất kể đó là vùng núi cao, xa xôi hẻo lánh. Nên chẳng bao lâu, căn nhà sàn của anh bỗng nhiên đã trở thành “bảo tàng thu nhỏ” của đồng bào Ca Dong, với đầy ắp những nhạc cụ, bộ chiêng quý của người Ca Dong gồm 17 chiếc. Trong đó có nguyên một bộ với 11 chiêng, được anh mua lại với giá 15 triệu trong thời gian khoảng 5 năm.

Nhờ vào sự cất công sưu tầm, mua lại của anh Siêng mà nhiều năm qua, những hiện vật trong “bảo tàng” của anh đều được góp mặt trong mỗi đợt liên hoan cồng chiêng, hay liên hoan nhạc cụ dân tộc do huyện Sơn Tây tổ chức.

Mỗi lần được góp mặt trưng bày, hay tham gia biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trong ánh mắt của anh Siêng đều lấp lánh một niềm vui khó tả. Đó là ánh mắt của niềm đam mê, khát vọng của người đảng viên trẻ Đinh Văn Siêng trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhưng cũng có lúc anh trĩu nặng những trăn trở, âu lo khi nhìn những hiện vật quý báu của đồng bào cứ lần lượt rời làng đi về xuôi.

Đưa chúng tôi xem bức ảnh chụp chung với một già làng ở xã Sơn Tân bên bộ chiêng quý, Đinh Văn Siêng kể: "Tôi đã 5 lần đến đây, nhưng cũng chỉ để chạm tay vào những cái chiêng rồi về. Chủ nhân của bộ chiêng này bảo phải trả 26 triệu đồng mới được mang chiêng đi. Nhưng tôi làm sao có đủ số tiền lớn đến vậy".

Viết bản tình ca giữa đại ngàn

Chúng tôi về xã Sơn Long gặp người đảng viên trẻ Đinh Văn Siêng lần này, thấy anh vui và bận rộn hơn những lần trước đó. Mỗi ngày, sau khi xong việc của một Chủ tịch Hội CCB xã, anh lại một mình với gạch, bay, vữa hồ để xây dựng một công trình mà anh dành sự tâm huyết rất lớn, chỉ sau công việc sưu tầm nhạc cụ của đồng bào Ca Dong. Đó là khu trưng bày hiện vật truyền thống của đồng bào Ca Dong, kết hợp với bán cà phê để từng bước hình thành điểm du lịch cộng đồng.

Anh Đinh Văn Siêng về tận xã Sơn Tân (Sơn Tây) trò chuyện, vận động người dân gìn giữ các nhạc cụ, chiêng quý.

Siêng chia sẻ: Công trình này hoàn thành sẽ tạo ra một không gian đặc biệt để người dân địa phương và thực khách khắp mọi miền đất nước mỗi khi qua đây vừa được nhâm nhi cà phê, vừa thưởng ngoạn những giá trị văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Ca Dong thông qua những hiện vật được trưng bày tại đây.

Công trình này nằm ở thôn Ra Pân, xã Sơn Long, trên cung đường Đông Trường Sơn uốn lượn như dải lụa. Dù được xây dựng nửa năm nay, nhưng hiện giờ vẫn chưa hoàn thành. Anh Siêng lý giải rằng, do ít vốn nên phải tự tay xây dựng. Đồng thời anh muốn tự tay xây dựng theo ý tưởng của riêng mình.

Theo anh Siêng, không gian khu trưng bày này sẽ được anh tái hiện sinh động cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất, và các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ca Dong ở huyện miền núi Sơn Tây. Đó là, cây trồng phải có đá suối xếp cạnh gốc; lối đi cũng phải cong cong, mặt bằng thì nhấp nhô, thoai thoải theo triền dốc như cái làng mình vậy. Không gian gồm nhiều chòi nhỏ lợp bằng cỏ tranh; cột và kèo nối với nhau chủ yếu bằng những sợi dây mây rừng buộc lại.

Chứng kiến sự kỳ công trong việc xây dựng khu trưng bày này, anh Nguyễn Văn Hạnh, đoàn phượt xe đạp ở TP.Hồ Chí Minh ra đây đã thốt lên: "Thật tuyệt vời! Đây sẽ là điểm dừng chân lý tưởng của các đoàn khách du lịch khi khám phá cung đường Đông Trường Sơn, với không gian văn hóa đồng bào Ca Dong được thu nhỏ trong công trình này.

Để tạo sự hấp dẫn, thú vị cho khách tham quan, anh Siêng còn có ý tưởng sẽ nhờ các già làng phục dựng một ngôi nhà sàn nguyên bản của người Ca Dong trong khuôn viên công trình. Ở đây, anh Siêng cũng sẽ lập một dàn đàn nước với âm thanh dặt dìu, trong trẻo như ngọn suối chảy quanh làng, tạo nên một bản tình ca sâu lắng giữa đại ngàn. Những du khách có nhu cầu được thưởng thức các nhạc cụ truyền thống anh Siêng cũng sẵn sàng chiều khách thông qua việc truyền nghề cho lớp trẻ của các bậc cao niên trong làng.

Chủ tịch UBND xã Sơn Long ĐỖ THANH VƯỢT

Bài, ảnh: Thanh Nhị

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2481/202106/nguoi-dang-vien-tre-viet-ban-tinh-ca-giua-dai-ngan-3060052/