Người đào tẩu muốn quay về Triều Tiên vì vỡ mộng ở Hàn Quốc
Hàn Quốc không phải miền đất hứa cho những người chạy trốn khỏi Triều Tiên. Cô đơn và nghèo đói là tình cảnh chung của nhiều người trong số họ.
Không ai biết điều gì chờ đợi Kim Woo Joo khi ông trở lại Triều Tiên, chỉ hơn một năm sau khi ông trốn khỏi nước này để có một cuộc sống mới ở Hàn Quốc.
Đầu tháng này, cựu vận động viên 29 tuổi cũng đã vượt qua hàng rào thép gai của Khu phi quân sự chia tách 2 miền bán đảo Triều Tiên (DMZ), theo Guardian.
Quyết định vượt DMZ từ Hàn Quốc trở về Triều Tiên của ông là diễn biến mới nhất trong một chuỗi hành trình phi thường. Vào tháng 11/2020, ông Kim đã thực hiện một cuộc hành trình theo hướng ngược lại, chạy trốn khỏi quê hương để đến Hàn Quốc.
Cuộc sống không như mong đợi
Sau khi phủ nhận người đàn ông này là một điệp viên, giới chức ở Seoul buộc phải thừa nhận rằng ông Kim Woo Joo đã thất vọng với cuộc sống ở Hàn Quốc đến mức sẵn sàng đối mặt với rắc rối và có thể bị tống giam khi quay trở lại Triều Tiên.
Điều này đã đặt ra những câu hỏi về sự đối xử với người tị nạn chính trị và kinh tế từ Triều Tiên, khi cuộc sống của họ ở Hàn Quốc đôi khi lại không được như mong đợi.
Theo Trung tâm Cơ sở Dữ liệu về Nhân quyền Triều Tiên, tỷ lệ thất nghiệp ở những người đào tẩu khỏi Triều Tiên cao gấp 6 lần so với tỷ lệ trung bình của người Hàn Quốc. Mặc dù thu nhập trung bình hàng tháng của họ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2019, con số này vẫn thua xa người dân Hàn Quốc, Bộ Thống nhất nước này cho biết.
Năm 2021, 1.582 người từ Triều Tiên đã được hỗ trợ tài chính, bên cạnh gói phúc lợi mà họ nhận được khi tái định cư ở Hàn Quốc. Trong khi đó, 47% trong số họ cho biết đang phải trải qua nỗi đau khổ về tinh thần, Bộ cho biết thêm.
Trong số họ có thể bao gồm ông Kim Woo Joo, một người dọn dẹp văn phòng vào ban đêm. Ông dường như không có bất kỳ người bạn nào và không bao giờ nói chuyện với hàng xóm.
“Nếu bạn làm việc trong ngành công nghiệp hoặc cho chính phủ ở Triều Tiên, bạn không thể đến Hàn Quốc và mong muốn làm một công việc tương đương”, Sokeel Park, Giám đốc quốc gia của tổ chức phi lợi nhuận Liberty in North Korea, cho biết.
"Bạn sẽ đánh mất địa vị của mình, và điều đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, đặc biệt là đối với đàn ông Triều Tiên”, ông Park cho hay.
Những người mới đến trải qua ba tháng bị thẩm vấn để đảm bảo họ không phải là gián điệp, sau đó là một khoảng thời gian tương tự tại Hanawon (ngôi nhà của sự đoàn kết), một trung tâm hỗ trợ định cư. Tại đây, họ được tư vấn và hướng dẫn về thực tiễn cuộc sống của Hàn Quốc.
Họ được nhận gói trợ cấp của chính phủ trị giá 20 triệu won (tương đương 17.000 USD) để tìm một ngôi nhà hoặc vào đại học. Tiếp đó, họ nhận được khoản thanh toán hàng tháng trị giá 320.000 won (2.683 USD) trong 5 năm.
Điều còn thiếu ở Hàn Quốc
Ông Park cho biết điều còn thiếu ở Hàn Quốc là ý thức cộng đồng mà Triều Tiên - một quốc gia có nhiều khó khăn - đã mang lại cho họ, đặc biệt là ở những người từ các vùng nông thôn. Họ đang phải vật lộn để thích nghi với cuộc sống ở một siêu đô thị như Seoul.
“Luôn có cú sốc khi một người đào tẩu quay trở lại Triều Tiên”, ông nói.
Các cuộc đào tẩu và sau đó quay trở lại luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận, nhưng chúng tương đối hiếm. Trong số 33.800 người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc, chỉ có 30 người trở về.
"Sẽ rất lạ nếu không ai trong số 30.000 người đào tẩu đó quay trở lại”, ông Park cho hay.
Joo Il Yong rời Triều Tiên cùng mẹ và em gái khi chưa đầy 13 tuổi. Cha anh cũng đến Seoul chưa đầy một năm sau đó.
Joo, người tốt nghiệp Đại học Hàn Quốc ở Seoul, là một câu chuyện thành công của những người đào tẩu. Tuy nhiên, anh cho biết bản thân hiểu tại sao một số ít người Triều Tiên khác lại quay trở lại đất nước mà họ từng rất tuyệt vọng rời đi.
“Một trong những trở ngại lớn nhất là sự khác biệt về hệ thống giữa hai quốc gia", anh Joo nói. Anh đến Hàn Quốc vào năm 2009, sau khi cha anh quyết định muốn các con mình sống ở một đất nước mà "chúng sẽ có cơ hội và tương lai”.
Anh Joo cho biết thêm rằng những lợi ích nhận được của cuộc sống trong một xã hội giàu có, tự do có thể nhanh chóng trở thành gánh nặng.
“Ở Triều Tiên, chúng tôi không phải lên kế hoạch cho cuộc sống của mình. Nhà nước đã làm điều đó cho chúng tôi”, anh cho biết.
“Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, chúng tôi phải tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi biết rằng việc tái định cư ở Hàn Quốc là một thách thức, nhưng không ở đâu khó bằng việc sống ở Triều Tiên”, anh nói thêm.
Anh Joo cho biết thêm rằng trong một số trường hợp, những người Triều Tiên đào tẩu quay trở về vì họ quá nhớ gia đình.
“Tuy nhiên, tôi không thấy những thử thách của cuộc sống ở đây (Hàn Quốc) là khắc nghiệt hay bất công. Trên thực tế, chúng đã khiến tôi hạnh phúc hơn vì đã thúc đẩy tôi làm việc và học tập chăm chỉ hơn nữa”, anh Joo chia sẻ.