Người đầu tiên mở mang Phố Hiến
Một thực tế cho thấy, với những danh nhân, lâu nay chúng ta còn ít chú ý tới những nhân vật khả thủ về phương diện kinh tế. Ngay với một người tiếng tăm như Nguyễn Công Trứ, mặt thủy lợi, mặt khai hoang… là những đóng góp lớn của ông, cũng bị coi nhẹ.
Tranh minh họa về hoạt động của người dân ở Phố Hiến xưa. Ảnh: sưu tầm
Trước Nguyễn Công Trứ, chúng ta có một nhân vật lịch sử đáng được tìm hiểu và là nhân vật của quê hương Thanh Hóa, đó là Lê Đình Kiên (1620-1704).
Lê Đình Kiên sinh năm 1620, quê ở làng Thiết Đinh nay thuộc xã Định Tường, huyện Yên Định. Thời trung niên, ông hầu trong nội phủ chúa Trịnh. Năm 44 tuổi được chúa sai trấn vùng Sơn Nam (tức vùng Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương) làm đến Sơn Nam Tổng trấn. Công tích lớn nhất của ông là dẹp yên được quân Tàu ô con cháu nhà Minh trốn ách nhà Thanh sang quấy nhiễu vùng Quảng Ninh bấy giờ. Ông đã chiêu dụ bọn “vong mệnh” nhà Minh quy tụ làm ăn, mở mang vùng phố Hiến thành một thương cảng lớn sánh ngang với vùng kinh đô Thăng Long lúc bấy giờ, mà câu ca: “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến” còn truyền tới nay.
Mô phỏng Phố Hiến xưa. Ảnh: sưu tầm
Lê Đình Kiên cũng là người thay mặt nhà chúa giao thiệp và công tác với các thương điếm ngoại quốc đến buôn bán ở phố Hiến như Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Phi-líp-pin… vào hồi thế kỷ XVII. Ông làm thương nghiệp giỏi, xử kiện giỏi, yên được một phương suốt nhiều năm, được nhiều người ca ngợi. Khi ông mất (1704), triều đình cử nhiều người ra thay, song đều bất lực, cuối cùng phải đưa Đặng Đình Tướng là trụ cột của triều đình (chức Thiếu phó) và là kẻ thích thuộc của nhà chúa ra thay thế mới được. Lê Đình Kiên được phong đặc tiền phụ quốc Thượng tướng quân, Hữu đô đốc Thiếu Bảo, tước Quận công, tặng Thái Bảo. Sau khi chết được gia phong “Dực bảo trung hưng đại vương”, ông không có con, nuôi sáu trai và bốn gái. Vợ là Trịnh Thị Ngọc Bôn. Trong nhà thờ Lê Đình Kiên ở làng Thiết Đanh (hay còn gọi là Thiên Đinh) hiện vẫn còn hai câu đối ca ngợi ông:
Đức tại tư dân, danh tại sử
Sinh vi lương tướng, tử vi thần
(Sống là ông tướng tốt, chết thành thần
Đức ở trong dân, danh lưu sử sách
và:
Trị sự liêm bình, kim cổ đan thanh trứ tích
Tại nhân đức trạch, Bắc Nam kim thạch minh danh
(Việc cai trị công bằng và liêm chính
mãi mãi tiếng tăm được ghi vào sử sách
Đức lớn cho dân được nhờ cậy,
cả Việt Nam lẫn Trung Hoa danh sáng khắc vào đá vàng)
Tư liệu sử sách ghi chép về Lê Đình Kiên khá hiếm hoi. Tư liệu cũ nhất nhắc đến ông là sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn. Sách này, ngoài phần ghi tên tuổi còn có một đoạn dài kể về tài xử kiện của ông. Mọi tài liệu khác là hai bài văn bia, một bài của nhân dân vùng Hưng Yên, và một bài của thương nhân Trung Quốc lập năm 1727 và 1723 hiện còn tại nghĩa địa Bắc Hòa thị xã Hưng Yên. Ngoài ra, gia phả và những lời kể của dân gian vùng Thiết Đanh cũng cho thêm một số chi tiết nữa. Căn cứ vào những tài liệu ấy và đối chiếu với những hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta lúc bấy giờ chúng tôi đi tới một số nhận xét về cuộc đời của nhân vật này.
Lê Đình Kiên xuất thân trong một gia định nghèo, bố mất sớm, ông ở với mẹ tại làng Thiết Đanh. Ruộng nương không có, bà mẹ ông ngày ngày bắt cua, bắt ốc nuôi con. Khi Lê Đình Kiên lên sáu tuổi, theo lời kể dân gian, có ông Tả tướng Hờn, người phủ Tĩnh Gia, làm quan trong nội phủ chúa Trịnh, thấy ông khôi ngô nên xin nuôi cậu bé thành tài. Lê Đình Kiên được hầu trong phủ chúa từ đó.
Đền thờ Lê Đình Kiên ở xã Định Tường, Yên Định. (Ảnh: yendinh.thanhhoa.gov.vn)
Quãng thời gian từ niên thiếu tới khi thành đạt (44 tuổi) chưa tìm thêm được tài liệu về ông. Theo gia phả, ta được biết ông có làm Tổng trấn Sơn Nam, có quyền tiền trảm hậu tấu và theo sách Kiến văn tiểu lục, ông là người nổi tiếng, có tài xử kiện. Từ đó, ta có thể thấy rằng, Lê Đình Kiên phải là một người có chí lớn, là người biết lập chí và chưa hẳn đã là người học cao, đỗ đạt gì.
Cũng theo gia phả, khi Lê Đình Kiên làm Tổng trấn Sơn Nam, bọn con cháu nhà Minh mất nước chạy trốn Mãn Thanh sang vùng Quảng Ninh quấy nhiễu. Đất Sơn Nam không yên, Lê Đình Kiên đã dẹp được trộm cướp và chiêu dụ bọn này, lập thành những làng ở Vạn Lai Triều. Ông còn chiêu dân các trấn ra mở mang vùng Hải Dương, Hưng Yên làm cho khu phố Hiến thành một vùng buôn bán sầm uất.
Lê Đình Kiên đã chứng tỏ là một con người cần có tinh thần trách nhiệm, quả cảm và thông minh quyết đoán. Câu chuyện xử kiện của ông mà Lê Quý Đôn ghi lại có thể xem là một minh chứng cho ý kiến này. Chuyện như sau: Một người phường chèo có vợ đẹp, bị một tên lái buôn phương Bắc dụ cho uống rượu say, cướp mất vợ giấu dưới cột buồm. Người này tìm không thấy vợ bèn làm đơn cáo với Lê Đình Kiên. Lê Đình Kiên đã cho thuộc hạ là Duy Vũ đến khám thuyền và bắt được ba người giải nộp. Ông cho giam riêng mỗi người một nơi để bắt chúng cung khai. Bọn này vẫn không chịu thú nhận, ông bèn đem hai tên khảo đả thật đau và để cho tên còn lại đứng ở phía xa trông thấy. Khảo đả xong, ông cho lôi ra một chỗ khác rồi kéo tên sau cùng vào mắng bảo “bọn kia đà chiếu xưng cả rồi, có lời cung chứng cả đây, mày còn dám chối cãi gì nữa”. Vừa nói vừa dứ một giấy có chữ vào trước mặt y. Tên này hoang mang phải nói hết tình thực. Lê Đình Kiên cho khám dưới cột buồm, thấy người, ông còn phạt tên khách gian kia 70 dật bạc (1.680 lạng).
Đặc biệt và rất quan trọng, những đóng góp, những công trạng của Lê Đình Kiên còn chứng tỏ đây là một con người có tài năng hoạt động kinh tế, có đầu óc tổ chức khá chặt chẽ và khoa học, ở vào thời điểm bấy giờ.
Có hai việc đáng chú ý:
Việc xây dựng củng cố làng Thiết Đanh và cho mô phỏng kiểu cấu trúc làng đưa ra Hưng Yên.
Làng Thiết Đanh được lập từ thời tiền Lê với ông tổ là Lê Huệ Nhỡn. Đến Lê Đình Kiên là đời thứ chín. Làng còn được gọi là Bản Đanh thuộc xứ xã bản (bản Vọc, bản Chùa, bản Chợ, bản Đanh). Làng có 10 ngõ đều gắn vào con đường trước làng. Các ngõ chia làng thành những ô vuông vức, các nhà ở trong ô vuông, giới hạn bởi các ngõ và đều ngoảnh mặt về con đường lớn. Giữa làng còn có một con đường phụ song song với con đường lớn, cắt ngang các ngõ, và như vậy làng ở theo hai lớp trước sau. Bao quanh bên phải, bên trái và đằng sau làng là một thành đất. Thành đất sau làng dày dặn cao to gọi là Đòn Võng. Ngoài Đòn Võng còn có năm ụ đất cao to như gò lớn gọi là Ngũ Nhạc. Trên thành đất trồng tre dày và rậm để bảo vệ.
Cấu trúc làng theo hình thể này được các nhà dân tộc học gọi là hình xương cá. Đó là loại cấu trúc làng phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ, vừa phù hợp với việc cư trú, vừa có khả năng bảo vệ.
Lê Đình Kiên đã mô phỏng kiểu kiến trúc này đưa ra Hưng Yên, ở đây, ông cũng lập ra tứ xã Bản, chợ Bản và cũng cho diễn trò Chụt (một trò diễn dân gian thuộc loại trò trình nghề trong sinh hoạt hội hè làng bản xưa kia, mục đích làm cho dân làng thái hòa, nhân khang, vật thịnh).
Chắc chắn là bên cạnh tình cảm lưu luyến, gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn. Lê Đình Kiên còn nhận thức được giá trị ưu việt của kiểu kiến trúc này.
Việc chỉ đạo buôn bán ở Phố Hiến
Lịch sử Phố Hiến gắn liền với lịch sử ngoại thương phát triển khi mà các lái buôn nước ngoài không được đến gần kinh sư (kẻ Chợ). Trước đó, nhà nước phong kiến Việt Nam đã dùng Vân Đồn để cho lái buôn nước ngoài đặt thương điếm. Thế kỷ XV, người Nhật đã đến mua tơ, nhưng từ Vân Đồn vào đất liền cách trở, tất cả các lái buôn Nhật, Trung Quốc, Xiêm đều xin được buôn bán trong đất liền. Do không có nguy cơ xâm lăng và tình hình kinh tế thúc đẩy, phong kiến Việt Nam đã cho họ tụ tập ở một chỗ cách không xa kinh xư. Nơi đó là Phố Khách, tức là Phố Hiến ở Hưng Yên. Từ năm 1637 đến năm 1680, ngoài các lái buôn Xiêm, Nhật, Trung Quốc ở dọc theo phố chính, liên tiếp các lái Hà Lan, lái Anh, rồi lái Pháp mở thương điếm tại đây. Theo sách An Nam ký du của Phạm Đỉnh Khuê, năm 1688 đi qua Hiến Hội (Phố Hiến) thì “Ởđây dừng lại tất cả thuyền bè nước ngoài từ bốn phương đến buôn bán với đằng ngoài. Các quan chức được đặt ở dây và có cả một đồn lính, ở đây có những phố buôn bán, chừng mười phố, gọi là phố Thiên Triều” (trích theo Ngoại thương Việt Nam – Thành Thế Vỹ - Nhà xuất bản Sử học – H.1961, trang 192).
Di tích Đông Đô Quảng Hội (thành phố Hưng Yên), xưa kia nằm ở trung tâm Phố Hiến. (Ảnh: Báo Hưng Yên)
Với sự có mặt của khá đông các lái buôn nước ngoài, có thể thấy khá rõ sự lúng túng của Nhà nước phong kiến trong việc tiến hành và giao dịch về kinh tế. Mặc dù từ trước năm 1637 người nước ngoài không được phép ở lại vùng Thăng Long, nhưng sự thực năm 1650, những lái buôn Trung Quốc vẫn được phép cư trú và buôn bán ở Thanh Trì và Khuyến Lương. Lại nữa, trong quan hệ buôn bán, dần dần những viên quan làm nhiệm vụ trung gian lại tìm cách chiếm độc quyền để thu lợi riêng. Cho nên, cả Nhà nước Trung ương đến dân chúng lao động, hai bộ phận này đều không có vị trí đáng kể trong các nội dung dịch vụ, đúng như nhận xét của lái buôn người Anh Đăm Piê (thế kỷ XVII): Đáng lý ra, với rất nhiều sản vật như vậy, dân chúng (đường ngoài) phải giàu có sung túc mới phải chú ý tới việc buôn bán mà họ có thể làm. Họ rất ít buôn bán, cả đến chẳng buôn bán nào cho riêng họ ở trên đường biển (chúng tôi nhấn mạnh), nếu không chỉ là về lương thực như gạo, cá và những thức ăn khác trong xứ” (sách đã dẫn - tr.225).
Nói tóm lại, trước năm 1664 - tức là trước khi Lê Đình Kiên làm Sơn Nam tổng trấn, tình hình buôn bán ở vùng Chợ và Phố Hiến khá lộn xộn và vô tổ chức. Nhà nước phong kiến không thể đối phó kịp với các mánh lới và xu hướng độc quyền của lái buôn ngoại quốc, lại bị bọn quan lại làm trung gian bịt mắt, bưng tải.
Thời điểm Lê Đình Kiên điều hành vùng Sơn Nam, xét tình hình kinh tế Việt Nam thì thực không có một yếu tố mới nào để tạo ra một nền ngoại thương sầm uất. Sự buôn bán giữa Việt Nam và nước ngoài có được chiều hướng đi lên là vừa dịp Trịnh – Nguyễn phân tranh, mỗi phe muốn đè bẹp đối phương, do vậy mà yêu cầu về hàng hóa (vũ khí…) được tạo ra. Ngược lại, một số sản phẩm trong nước (tơ lụa, đường…) cũng hấp dẫn người nước ngoài tới Việt Nam. Những hoạt động kinh tế của Lê Đình Kiên ở Vạn Lại Triều một mặt đã giúp chúa Trịnh đáp ứng yêu cầu trên, mặt khác, ông cũng đã góp phần xây dựng cho nước nhà trong vấn đề thương mại. Trong điều 3 luật “cấm người nước ngoài ngụ cư" ban hành năm 1687 có ghi: “Khi các tàu trưởng của những tàu đậu ở Vạn Lai Triều (Phố Hiến), muốn đến kinh sư để bệ kiến chúa thượng, họ phải được viên quan trông nom về việc đó khám xét và kiểm tra, và được viên quan đó cho người dẫn đi. Sau khi xong việc, họ phải quay về Lai Triều”, chứng tỏ việc buôn bán, giao dịch lúc này đã vào quy củ.
Những hoạt động kinh tế của Lê Đình Kiên, tài liệu dẫn không cụ thể. Ở đây, xin ghi ra một số chi tiết có liên quan tới ông và thời gian hoạt động của ông ở Vạn Lai Triều.
Sách “Một chuyến đi đàng Ngoài 1688” Đan-giê có viết: “Còn đối với những người nào mó tay vào buôn bán thì họ rất ngay thẳng và công bằng đối với mọi người. Tôi đã được nghe một người đã buôn bán với họ 15 năm trời và dùng tiền trong thời gian đó với nhiều nghìn bảng Anh để buôn bán mà chưa hề mất đến mười bảng với họ" (Sdd, tr.226).
Nếu câu trên không được trực tiếp nói về Lê Đình Kiên thì cũng nói tới những thuộc hạ của ông. Ta biết những viên hoạn quan là những người trực tiếp trong việc buôn bán, dù danh nghĩa họ là những kẻ trung gian.
Văn bia ghi chép tướng quân Lê Đình Kiên. (Ảnh: Báo Hưng Yên)
Văn bia của người dân địa phương Hưng Yên năm 1727 về Lê Đình Kiên có đoạn “Ông còn có những cái đáng yêu mến, với người nghĩa phụ thì một lòng kính mộ, từ trước tới sau dạy được thói dân, đức thêm dày dặn, hòa với khách phương xa nên Vạn Lai Triều làng ở yên vui, thuế tô khoan nhẹ, tỏ được ơn trên, chung một lòng dân”.
Văn bia do tàu trưởng tàu Hải Nam Trần Đế Đào người tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc soạn năm 1723 có đoạn: “Tàu thuyền qua lại thường lấy Vạn Lai Triều làm bến nên từ ngày buôn bán tới nay đã vài mươi năm, vui vẻ nghề nghiệp, kẻ gần thì mừng, người xa thì tới, thảy đều nhớ ơn của Anh linh Vương tức Đức Thái Bảo họ Lê, không biết bao giờ là hết”.
Theo các tư liệu trên, có thể nói việc chỉ đạo thương mại ở Phố Hiến mà Lê Đình Kiên là người điều hành khá trôi chảy và kết quả đã góp phần đưa ngoại thương Việt Nam lên một bước khá phồn thịnh.
Từ một người thuộc tầng lớp bình dân, suốt hơn bốn mươi năm lập chí. Lê Đình Kiên với những công tích của mình đã có một cuộc sống đẹp trong khoảng nửa đời sau và đã đi vào lòng ái mộ của quần chúng nhân dân. Không phải ngẫu nhiên mà dân chúng Hưng Yên, nơi ông trị nhiệm lập bia ca ngợi ông. Không phải tự dưng mà những người nước ngoài ghi ơn ông một cách chân thành, chân thực. Cũng không phải là không có lý do mà sử sách ghi chép, đánh giá tốt về ông. So với những người nổi tiếng đồng thời như Lê Hy, Hồ Sỹ Dương, Nguyễn Quán Nho,… công đức của Lê Đình Kiên quả chưa được giới nghiên cứu nhắc tới nhiều lắm! Lê Đình Kiên không những có những đóng góp lớn về phương diện phát triển kinh tế, đời sống cho nước, cho dân lúc sinh thời, Lê Đình Kiên còn đi vào truyền thuyết dân gian ở địa phương quê hương ông một cách toàn diện. Lê Đình Kiên xứng đáng là một danh nhân văn hóa của thế kỷ XVII.
Chúng tôi muốn với những câu tạm kết này sẽ mở đầu cho việc tìm hiểu kỹ lưỡng về một con người đẹp của quê hương.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dat-va-nguoi/nguoi-dau-tien-mo-mang-pho-hien/111694.htm