Người dệt ước mơ đưa văn hóa Việt ra thế giới
Cách đây nhiều năm, nghề dệt vải truyền thống của người dân Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) từng đứng trước nguy cơ mai một. Nhiều người từng gắn bó lâu năm với nghề vẫn dứt lòng tìm kế sinh nhai mới... Nhưng dù vật đổi sao dời, có một người phụ nữ vẫn luôn nặng lòng với con tơ, sợi chỉ. Bà là nghệ nhân Phan Thị Thuận, người đầu tiên dệt nên những tấm lụa bằng tơ sen ở Việt Nam.
Kiên trì luyện cây sen “nhả tơ”
Ở Việt Nam không thiếu những đầm sen nhưng người táo bạo “dám” lấy tơ từ cuống sen - phần thường coi là “vô dụng” của cây sen để tạo ra sản phẩm lụa tơ sen thì chỉ có Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận. Đầm sen gắn bó với bà từ nhỏ, khi theo mẹ đi cấy lúa. Đầm sen với những củ súng, hoa sen rắn rỏi, cứng cắp vươn lên từ bùn lầy tỏa hương thơm ngát đã là động lực thôi thúc bà phải làm gì cho cây sen cũng như phải làm gì cho quê hương Phùng Xá thân yêu.
Nâng niu cuộn tơ sen trên tay Nghệ nhân Phan Thị Thuận hồi tưởng, vào năm 2016 đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh về huyện Mỹ Đức - “Thủ đô dâu tằm” của Hà Nội, để tìm người tham gia đề tài nghiên cứu dệt lụa từ tơ sen. Tuy rằng, loài hoa sen vốn rất gần gũi với người Việt, thế nhưng tại thời điểm đó nhắc về vải dệt từ sợi tơ sen thì không mấy người từng nghe và biết đến.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ: “Sau khi được trải nghiệm thực tế sản phẩm tơ sen từ một số nước trong khu vực, tôi đau đáu với suy nghĩ, đôi khi ta phải bước ra khỏi văn hóa của mình để tiếp xúc, cọ xát với một thứ văn hóa khác, xem thử mình ra sao. Với vốn liếng là tình yêu cháy bỏng với nghề truyền thống của quê hương và kinh nghiệm từ dệt sợi tơ tằm, tôi tin bản thân mình sẽ làm được rồi bắt tay thử nghiệm làm ra sợi tơ sen từ đó”.
5 năm sau ngày dệt thành công chiếc khăn quàng cổ đầu tiên từ sợi tơ sen, cách nghệ nhân Phan Thị Thuận làm ra sợi tơ vẫn luôn gợi sự tò mò, cuốn hút với những người dành tình yêu cho loài hoa thuần khiết này.
Theo bà Thuận, mùa lấy nguyên liệu sẽ bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài tới tháng 10 hằng năm. Cuống sen ở giữa thời kỳ nuôi hoa sẽ cho những sợi tơ đẹp nhất, sau khi được ngắt trực tiếp từ đầm lên sẽ được rửa sạch qua hai lần nước cho hết bùn và gai. Người thợ khứa xung quanh cuống sen, rồi dùng tay vặn và kéo tơ cho thật khéo, đồng thời vê cho sợi tơ sen tròn lại.
Việc tiến hành sản xuất buộc phải thực hiện trong vòng 24 giờ sau khi thu hoạch nên người làm nghề thường ví, sen để làm tơ cũng giống như người con gái có thì. Phải cần tới 4.800 cuống hoa sen mới cho ra một chiếc khăn quàng cổ chiều dài 1,7m, chiều ngang 25cm.
Tính ra, một người thợ chăm chỉ lắm thì một ngày cũng chỉ làm được 200-250 cuống sen. Như vậy, để làm một chiếc khăn quàng cũng phải lao động ngót nghét cả tháng trời.
Có lẽ, bởi công đoạn sản xuất cầu kỳ và tỉ mẩn như vậy mà tại Festival nghề truyền thống Huế 2023, gian hàng của nghệ nhân Phan Thị Thuận luôn thu hút rất nhiều du khách dừng chân. Nhiều người còn bày tỏ niềm cảm phục khi biết được rằng, sản phẩm từ tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận đã có mặt ở nhiều quốc gia như: Pháp, Mỹ, Nhật Bản...
Trao truyền tinh hoa cho người trẻ
Phải chăng từ sự đau đáu với nghề và khát khao được trao truyền lại những bí kíp cho thế hệ trẻ mà trong cách hướng dẫn của nghệ nhân Phan Thị Thuận luôn có “lửa”, cuốn hút và lôi cuốn đến lạ thường.
Bà tâm niệm: “Mọi thứ mới mẻ cũng bắt đầu từ những đơn sơ. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ học nghề chỉ đơn giản là bắt chước lại các công đoạn thì sẽ không làm được. Muốn neo vào tâm thức của thế hệ trẻ khát khao về một loại tơ lụa mang đậm bản sắc dân tộc thì chỉ có thể khởi nguồn từ tình yêu quê hương, đất nước”.
Ngoài khu xưởng sản xuất với hơn 20 người thợ, lớp học nghề đặc biệt của nghệ nhân Phan Thị Thuận luôn thu hút rất đông các em học sinh, sinh viên, nhất là vào dịp hè. Kỳ lạ ở chỗ bà dành tất cả tâm huyết và tình yêu của mình để truyền nghề hoàn toàn miễn phí.
Nghệ nhân tài hoa lý giải: “Không phải ai cũng có thể học và làm ra được tơ sen. Thậm chí, để đào tạo được một lứa kế cận phải tốn không ít nguyên vật liệu mà thành quả thu được chưa chắc đã tương xứng với những gì đã bỏ ra. Thế nhưng tôi vẫn quyết thực hiện, bởi rất có thể qua vài mùa sen nữa thôi, chính các em sẽ là những người đưa nghề tơ sen của quê hương tiến xa hơn, được nhiều người biết đến hơn”.
Bà Thuận kỳ vọng một ngày nào đó không xa, Việt Nam cũng mở rộng được nghề dệt tơ sen không kém gì Campuchia, Myanmar. Bởi, không chỉ có vùng nguyên liệu rộng lớn, người thợ dệt của Việt Nam còn có tay nghề rất giỏi và tài hoa. Đồng thời, lụa tơ sen mở ra một hướng đi mới cho ngành lụa truyền thống đất Việt, góp phần quảng bá tới thế giới hình ảnh của Việt Nam, một đất nước vừa đang có sự phát triển vừa chứa đựng, lưu giữ các giá trị truyền thống nghìn năm.
Lắng nghe nghệ nhân Phan Thị Thuận tâm sự, bất chợt chúng tôi bâng khuâng nhớ tới những hình ảnh mà hơn 50 năm về trước, nghệ sĩ Quốc Hương từng nặng lòng: “Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh/ Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa”. Có lẽ người con gái trong lời hát kia không ở đâu xa, mà đang ở đây, trên chính quê hương Phùng Xá này!
Bằng tình yêu nghề truyền thống và những nỗ lực, sáng tạo không biết mệt mỏi, Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nâng tầm nghề dệt lụa cổ truyền. Những sản phẩm độc đáo đã góp phần đưa thương hiệu tơ tằm, tơ sen Việt Nam vươn ra với bạn bè quốc tế, góp phần quảng bá về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.
Nghệ nhân vẫn luôn canh cánh nỗi niềm làm sao để phát triển nghề truyền thống hơn nữa khi mà tiềm năng, lợi thế vẫn còn đó, vẫn còn chưa tận dụng hết. Bà tâm niệm, duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống là sứ mệnh thiêng liêng không riêng của bà mà còn là của mỗi người con làng Phùng Xá, kế tục cha ông gìn giữ bản sắc cho muôn đời sau.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nguoi-det-uoc-mo-dua-van-hoa-viet-ra-the-gioi-158230.html