Người đi bộ trên phố Nguyễn Chí Thanh chỉ sợ 'rớt' xuống 'hố ' đào đường
Cảnh tượng tại con phố Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa,Hà Nội): mỗi sáng bụi bay mù mịt, gạch lát, đất đá, bê tông, rác thải như 1 bãi 'chiến trường' và cả những 'hố' do đơn vị thi công đang làm mất an toàn giao thông, cản trở người đi bộ và tham gia giao thông nhiều ngày nay.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, hàng tháng nay con đường Nguyễn Chí Thanh trong tình trạng đất đá, cát sỏi, bê tông đổ lổn nhổn trên vỉa hè, không còn lối đi cho người đi bộ. Dưới lòng đường, là các "hố sâu" mặc đù được thi công nhưng không được đảm bảo an toàn giao thông cho người đi đường.
Chia sẻ với Báo PLVN, N.M. P sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Luật cho biết: "Em ngày nào cũng đi bộ trên đoạn đường này, tuy nhiên 1 tháng nay đường đào lên để làm lại vỉa hè, nên chúng em toàn phải đi xuống lòng đường, mà như vậy rất mất an toàn giao thông. Đường lại bụi khiến em cũng cảm thấy khó chịu, lên tới lớp quần áo cứ bẩn hết cả. Rồi thì rác vật liệu làm xong cũng vứt lung tung, nhìn rất mất mĩ quan. Em thấy các đơn vị thi công làm quá lâu, vỉa hè là nơi để người dân đi bộ mà giờ thì cũng không đi được. Mong sao các đơn vị này làm nhanh để trả lại phần đường đi bộ cho người dân".
Bà T. T.Đ năm nay gần 60 tuổi, sống ở 79 Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) bức xúc: "Tôi sống ở đây hơn 50 năm, tuy nhiên theo bà Đ cứ thi thoảng vỉa hè, đường lại bị đào bới, khiến việc đi lại của ngưòi dân rất khó khăn. Ngày nào tôi cũng đi thể dục ở Hồ Thành Công, thay vì được đi bộ trên vỉa hè, thì từ khi đoạn đường này thi công,tôi phải đi bộ xuống lòng đường, rất nguy hiểm".
"Ôi khổ lắm cháu ơi! Đoạn đường này họ đào vỉa hè lên và thi công dưới lòng đường lâu lắm rồi chưa thấy xong, vỉa hè cũng chẳng còn mà đi nên các bà lại đi bộ xuống lòng đường, mà đi ngược chiều nên nguy hiểm lắm. Nhiều hôm đi dưới lòng đường cũng không đi nổi vì đường này hay tắc, đường đông nên rất nguy hiểm. Rồi thì hố họ đào dưới lòng đường để làm cống cũng nhiều, không đảm bảo an toàn, chỉ giăng mấy cái dây, cùng lắm thì cắm cái biển, cắm cái cây xuống đường cho có, như "hố bẫy" đi bộ qua đấy chỉ sợ "rớt' xuống. - Bà Đ than thở, không biết từ giờ đến Tết có thi công xong hay không. Ngay chỗ 79 nhà bà đào bới lên lâu lắm rồi mà cũng chưa xong. Tôi chỉ mong muốn đơn vị thi công làm nhanh lên để trả lại vỉa hè cho người dân".
Trước đó, theo thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, thông qua phản ánh của người dân về việc nhiều công ty, doanh nghiệp trong quá trình triển khai thi công dự án đào hè, đào đường, hoàn trả hoặc không hoàn mặt đường theo đúng quy định, không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, gây mất vệ sinh môi trường, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị trên địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, huyện Gia Lâm…
Trong tháng 10/2022, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tiến hành công tác kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính tổng cộng là 12 trường hợp vi phạm, đồng thời tổ chức phạt tiền 74.500.000 đồng.
Cũng theo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội các nhà thầu, đơn vị thi công bị xử phạt do các hành vi vi phạm như: Không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong; đào đường trái phép; để vật liệu thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông; thi công trên đường bộ đang khai thác có bố trí biển báo hiệu nhưng không đầy đủ theo quy định; tự ý sửa chữa vỉa hè trái phép...
Còn bà P.T.B năm nay 71 tuổi, sống tại 71 Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) hàng ngày bà đi chợ từ sớm trên đoạn đường này, bà B chia sẻ: "Ngày nào tôi cũng đi chợ qua đây, ngày mưa như ngày nắng, đường xấu hay đường đẹp thì tôi vẫn phải đi. Nhưng thời gian qua đoạn đường này thi công lâu quá, đường hàng ngày đi bộ cũng không còn vỉa hè thi công gạch đá lổn nhổn, đất cát đổ hết lối đi bộ cũng chẳng có đường mà đi. Do đó tôi khắc phục bằng cách "liều" đi bộ xuống lòng đường thôi. Nhưng đi xuống lòng đường thì quá nguy hiểm, đã đi ngược chiều xong lại có nhiều hố dưới đường do họ đào cống, nên mỗi lần đi và tránh nhau lại sợ rơi xuống hố. Mà đường thi công cũng bụi lắm. Chúng tôi cũng chỉ mong các đơn vị thi công làm gọn gàng, đảm bảo rào chắn an toàn và nhanh chóng để trả lại vỉa vè cho người dân đi lại".Bà B nói.
Việc thi công làm lại vỉa hè, cống đường là việc cần thiết, tuy nhiên tình trạng để quá lâu, lấn chiếm vỉa hè của người dân, gây mất an toàn giao thông, mất mĩ quan, ảnh hưởng cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Để tránh sự việc không đáng có xảy ra, người dân rất mong các đơn vị, cơ quan, ban ngành vào cuộc để thanh tra, giám sát đơn vị thi công. Liệu họ có đảm bảo theo đúng yêu cầu về an toàn khi thi công hay không, thời gian thi công có đúng với kế hoạch đề ra hay không? Để vật liệu thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở, thi công trên đường bộ đang khai thác có bố trí biển báo hiệu nhưng không đầy đủ theo quy định?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!
Một số hình ảnh ghi nhận trên con phố Nguyễn Chí Thanh đoạn từ Trần Duy Hưng đến ngã tư Nguyễn Chí Thanh cắt Đê La Thành (Hà Nội) và đoạn ngược lại từ Khách sạn Bảo Sơn đến phố Trần Duy Hưng.