Người đi qua trăm năm
Đi qua trăm năm là dự án sách được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (ảnh) ưu tiên thực hiện trong 6 tháng theo 'đặt hàng' của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên. Tập sách ra đời đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 104 của nhà nghiên cứu, là tài sản giá trị mà ông để lại cho hậu thế. Và, chính ông đã là một 'dự án sách' quý giá của vùng đất này.
Người giữ sử
Nhẩm tính cuộc đời đã vào tuổi xưa nay hiếm, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nói mình vừa đi qua chặng đường 80 năm viết sách chuyên về lịch sử đất nước, với hơn 60 công trình, bộ sách đã được xuất bản. Trong đó có nhiều tác phẩm được nhận các giải thưởng cao quý. Giải thưởng đầu tiên là quyển Đường phố nội thành TPHCM, xuất bản năm 1998, được Hội Khoa học lịch sử TPHCM trao giải ba trong cuộc thi tìm hiểu lịch sử 300 năm Sài Gòn - TPHCM.
Giải thưởng thứ hai là bộ Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia trao giải bạc Sách hay Việt Nam năm 2009. Giải thưởng thứ ba là bộ sách 2 tập Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ 1859-1954, đoạt giải A Sách hay, Giải thưởng Sách hay lần thứ nhất...
Mới nhất là Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 11 năm 2023 cho công trình Gia Định - Sài Gòn - TPHCM dặm dài lịch sử… Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, bộ Gia Định - Sài Gòn - TPHCM dặm dài lịch sử là bộ sách ví như “từ điển” về Sài Gòn - TPHCM. Ai muốn tìm về một vấn đề gì của TPHCM, chỉ cần mở quyển sách đó ra là có hết, từ chính trị, kinh tế, hành chính, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, du lịch đến quốc phòng…
Ở tuổi 104, ông vẫn hứng khởi với những “dự án sách” của riêng mình. “Tôi còn sống được ngày nào thì tiếp tục viết ngày đó. Chặng đường viết sách từ mốc thời gian ở tuổi 103 là 10 bộ sách nữa, trong đó quyển Đi qua trăm năm vừa hoàn thành. Những năm qua tôi đã có những quyển về từ điển địa danh hành chính Nam bộ, giờ tôi viết cho Trung bộ, Bắc bộ và Tây Nguyên. Sau đó là viết các bộ sách về lịch sử thành lập các tỉnh Nam bộ, Trung bộ, Bắc bộ, Tây Nguyên. Rồi viết, sưu tầm các bài văn tế, lưu thành quyển sách để lại cho đời sau”, ông chia sẻ say sưa, rành mạch.
Một lão ông hơn trăm tuổi nói về những dự án đồ sộ cho mai sau bằng sự trong trẻo và thản nhiên một cách lạ thường. Có lẽ khi người ta đã sống một cuộc đời giá trị thì năm tháng sinh thời cũng chỉ là những con số nhỏ nhoi. Đi qua trăm năm, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư gần như trải hết dặm dài lịch sử hiện đại, tự cuộc đời ấy đã là chứng nhân nắm giữ những cột mốc biến thiên, thịnh suy của vùng đất phương Nam này.
Sức đến đâu, đóng góp đến đó
Rồi như thấy người trò chuyện ngạc nhiên với những dự định của mình, ông từ tốn nói: Muốn để lại cái gì cho hậu thế thì phải học. Không chỉ học ở trường học, phải học trong các quyển sách, học ở ngoài đời qua hoạt động, công việc hàng ngày. Học để hiểu ý nghĩa của cuộc sống, để tránh sai lầm, biết đạo lý làm người, làm được nhiều việc tốt có ích cho đời.
Không để người đối diện kịp thắc mắc, ông nói tiếp: “Cái khó khi viết sử là phải tìm tư liệu, tài liệu lưu giữ ở các thời kỳ. Tất cả những bộ sách tôi đã và đang viết đều phải tự đi tìm tư liệu, lưu giữ nhiều năm nay. Hiện tôi có trên 10 quyển sổ tay ghi chép những tài liệu lịch sử, giờ chỉ lấy ra viết”. Không những thế, ông còn phải nhớ một cách chi tiết những sự kiện, dấu ấn của đất nước và cuộc đời mình đã đi qua. Như quyển Đi qua trăm năm, ông nhớ nhiều chi tiết từ hồi mới 5 tuổi. Ở tuổi 104, ông còn nhớ được những gì xảy ra 99 năm trước. Nhờ có trí nhớ, có sức khỏe và sự minh mẫn nên khi đặt ra mục tiêu viết 10 bộ sách nữa, “tôi thấy bình thường, trời cho tôi sống sẽ sớm hoàn thành thôi”, ông Tư khẳng định.
Hàng ngày ông có 10 giờ ngồi viết trên máy vi tính và theo một nguyên tắc rõ ràng, nghiêm túc khi làm việc. Luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan, không cố chấp chuyện lớn nhỏ gì. Người ta ai cũng có sai lầm cả, mình cố chấp thì trong lòng cứ ray rứt, tinh thần bất ổn.
“Tôi đã từng thấy đất nước mình có những thời kỳ cực khổ, khốn khó, bây giờ được như thế này là quá mừng vui, hạnh phúc. Tôi luôn sống thư thái, không buồn phiền gì ai, sức mình đến đâu thì đóng góp cho xã hội đến đó. Ăn được, ngủ được, suy nghĩ tích cực, hành động hữu ích giúp tôi có sức khỏe, tinh thần và sức làm việc không mệt mỏi trong suốt hành trình cuộc sống hơn 100 năm qua”, ông Tư nói chậm rãi.
Câu hỏi khó
Vào cuối năm 2022, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã đến nhà thăm, chúc mừng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được Tổ chức Kỷ lục gia Việt Nam xác lập kỷ lục là nhà nghiên cứu có quá trình 80 năm lao động, sáng tạo, cống hiến, đóng góp nhiều nội dung giá trị về văn hóa, lịch sử, địa chí của các vùng miền, tỉnh, thành phố với 60 tác phẩm đã xuất bản. Trong câu chuyện với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, ông Nguyễn Đình Tư có kể lại cuộc đời của mình từ lúc còn nhỏ ở quê nhà Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) đến nay với những giai đoạn gian khổ, sự phấn đấu để vượt khó khăn cho đến những công trình nghiên cứu về lịch sử, địa lý, văn hóa của dân tộc Việt Nam mình. Ý định sau này cuối đời sẽ viết quyển sách có nhan đề: Những kỷ niệm về một kiếp người.
Trước sự khích lệ chân tình của lãnh đạo thành phố, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư gác lại mọi công việc, tập trung viết cả ngày lẫn đêm, sau 6 tháng thì hoàn thành xong quyển sách này. Nhận thấy từ “kiếp người” thê thảm quá nên Nhà Xuất bản Tổng hợp TPHCM đề nghị đổi lại là “Đi qua trăm năm”. Ông Tư nhớ lại: "Trong cuộc gặp đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên có hỏi “khó” rằng: Khi nghiên cứu về sử, hiện nay cụ có tranh luận gì về sử học hay không?… Tôi thì tình thật có sao nói vậy và rất hay là được Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ. Quan niệm của tôi sử học là khách quan, lịch sử thì cứ đi theo điều kiện chủ quan và khách quan thời điểm diễn ra. Ngày xưa có những vị sử quan, vua bắt phải viết thế này thế nọ, nhưng họ từ chối và bảo lịch sử là phải viết sự thật. Tôi bây giờ cũng quan niệm như vậy, mình đừng nói theo ý chủ quan của mình, sau này hậu thế hiểu sai, mất quá khứ. Nhân vô thập toàn, chỗ nào đáng khen thì khen, còn đáng chê thì phải chê”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-di-qua-tram-nam-post737439.html