Người 'đưa' Bắc Kạn xưa 'trở lại'
Theo thời gian, những tư liệu quý giá về lịch sử ngày càng khó tìm kiếm. Với mong muốn đưa quê hương Bắc Kạn đến gần hơn với người dân ở mọi lứa tuổi, anh Ô Kim Phòng đã miệt mài tìm hiểu và chia sẻ nhiều tư liệu quý về lịch sử tỉnh Bắc Kạn đến với bạn đọc gần xa.
Anh Ô Kim Phòng (áo đỏ) trong chuyến đi thực tế tìm hiểu lịch sử.
Anh Ô Kim Phòng (bút danh Kym Kym) là người Tày xã Hà Hiệu (Ba Bể). Cũng như bao đứa trẻ nông thôn, anh lớn lên cùng quê hương và những phong tục cổ truyền của dân tộc Tày. Đến khi trưởng thành, lập gia đình và sinh sống tại thành phố Bắc Kạn, anh vẫn hướng về các giá trị văn hóa và cội nguồn dân tộc.
Gần đây, bút danh Kym Kym được nhiều người trong tỉnh biết đến vì thường chia sẻ thông tin quý về Bắc Kạn trước Cách mạng tháng tám. Những tư liệu ấy còn đính kèm nhiều hình ảnh đặc sắc, chân thực và quý hiếm. Đặc biệt, tác giả còn lựa chọn đăng tải vào thời gian phù hợp, đúng thời điểm, góp phần cung cấp thêm kiến thức và khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước với người xem. Chúng tôi có dịp lắng nghe những câu chuyện thú vị đến từ người say mê lịch sử quê hương.
Nhiều năm về trước, trong một “mối duyên” tình cờ, anh có dịp tiếp cận và đến với kho tư liệu ở Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France) và Bảo tàng Quai Branly (Museé du quai Branly). Tại đó, anh đã bắt gặp nhiều thông tin quý hiếm về Đông Dương và Bắc Kạn trước Cách mạng Tháng Tám, kho tài liệu đa dạng gồm các bản in, bản thảo, bản đồ, bản vẽ, ảnh; văn bản hành chính nhà nước và văn bản từ các tổ chức xã hội dân sự… Ban đầu anh chỉ tìm hiểu và lưu lại theo sở thích của riêng mình. Đến năm 2012, khi bắt đầu sử dụng mạng xã hội, anh đăng tải bức ảnh thị xã Bắc Kạn năm 1907. Bức ảnh đen trắng ấy đã nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người. Nhận thấy nhu cầu tìm hiểu lịch sử của người xem ở nhiều lứa tuổi khác nhau, anh có động lực đăng tải nhiều hơn, nhưng lại không theo hệ thống nào cả.
Đến năm 2020, anh Phòng bắt đầu xâu chuỗi lại các sự kiện; lần theo những câu chuyện trong hồi ký của các đồng chí lão thành cách mạng để tìm lại các nhân chứng, địa danh…, viết thành bài đầy đủ, chi tiết. Điều này đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với bạn đọc. Từ đó, các bài đăng của anh đã được đăng trên Báo Bắc Kạn và Tạp chí Văn nghệ Ba Bể. Đến nay anh đã có hơn 40 bài được đăng tải.
Trong quá trình tìm lại “ngày xưa”, anh Phòng cũng có lúc băn khoăn với đam mê mà mình đang theo đuổi. Chia sẻ thêm về điều này, anh cho biết: "Tôi không có chuyên môn về lịch sử, chỉ sưu tầm theo sở thích cá nhân, nên nhiều lúc cũng phải mày mò, tìm hiểu và học hỏi để cố gắng sắp xếp theo hệ thống. Rất nhiều lần có ý tưởng, lên kế hoạch viết bài, nhưng khi đến gặp thì các nhân chứng lịch sử tuổi cao không còn minh mẫn, nhiều người đã mất, hoặc con cháu không nắm được thông tin… Nhưng niềm yêu thích đã trở thành đam mê nên đọc được tư liệu hay tôi lại phấn khởi đi tìm hiểu và muốn chia sẻ với mọi người".
Nhiều tư liệu quý đã được anh cung cấp cho các cơ quan truyền thông. (ảnh bìa Tạp chí Văn nghệ Ba Bể)
Để có những bài viết chân thực, anh Phòng đã đến nhiều địa phương để gặp và trò chuyện với các nhân vật. Vừa tập trung làm công tác chuyên môn, anh vừa tranh thủ những ngày nghỉ lên đường đi thực tế. Theo anh, những chuyến đi ấy không chỉ phục vụ cho đam mê tìm hiểu lịch sử mà còn có thêm nhiều bạn bè ở khắp nơi. Nhiều người còn chủ động gửi ảnh tư liệu và chia sẻ với anh những câu chuyện từ thời ông cha…
“Đi nhiều, gặp nhiều, tôi lại càng thêm yêu quý đất và người Bắc Kạn. Hầu hết ai cũng hiền hòa, chân tình và sẵn sàng giúp đỡ, đó là động lực để tôi tiếp tục niềm yêu thích cá nhân. Khi tôi đăng những tư liệu lịch sử trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ quan tâm, chia sẻ rộng rãi và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Những điều này khiến tôi rất hạnh phúc bởi vì sở thích của cá nhân mình đã chuyển thành một việc tốt, hữu ích...”, anh Phòng tâm sự.
Lắng nghe chia sẻ và xem lại những bài viết của anh Ô Kim Phòng được đăng tải trên báo và tạp chí, chúng tôi không khỏi ấn tượng với người con của vùng cao Ba Bể. Những việc làm của anh sẽ tiếp tục góp phần lưu lại những tư liệu quý, đồng thời khơi lên niềm tự hào về quê hương Bắc Kạn với bạn đọc ở nhiều lứa tuổi./.
Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/van-hoa/202111/nguoi-dua-bac-kan-xua-tro-lai-5ec7063/