Người đưa chủ nghĩa self-help đến nước Mỹ từ 100 năm trước
Émile Coúe - người đàn ông thần kỳ đến từ Nancy, Pháp đã đưa chủ nghĩa self-help đến nước Mỹ từ những năm 1920 của thế kỷ trước.
Theo The Washington Post, những năm 1920, thập kỷ sôi sục sau Thế chiến thứ nhất, đã được gọi là kỷ nguyên của Những điều vô nghĩa tuyệt vời. Mệt mỏi với chiến tranh và bất ổn chính trị nhưng lại có rất nhiều tiền trong tay, người Mỹ tìm đến những mốt nhất thời và điên cuồng.
Có một cơn sốt mạt chược. Có cơn sốt khiêu vũ Charleston. Có cơn sốt ngồi cột cờ. Và sau đó là cơn sốt Émile Coúe - Người đàn ông thần kỳ đến từ Nancy, Pháp. Đây là người đã tạo ra một trong những cơn sốt “tự kỷ ám thị” lớn nhất nước Mỹ.
Làn sóng tự chữa lành tại phương Tây
Trong khoảng thời gian đầu những năm 1920, hàng triệu người Mỹ đã nắm trong tay vật gọi là chuỗi hạt của Coúe dùng mỗi ngày, đứng trước gương và lặp lại câu tự chữa lành của nhà bào chế thuốc người Pháp: “Từng ngày trôi qua, bằng mọi cách, Tôi đang trở nên tốt hơn và tốt hơn”.
Như tác giả Frederick Allen mô tả trong cuốn Only Yesterday năm 1931: “Vào những tháng đầu năm 1923, người đàn ông Pháp khô khan nhỏ bé đến từ Nancy đột nhiên trở thành người được nhắc đến nhiều nhất trên toàn nước Mỹ”.
Đó là một bước ngoặt khó xảy ra đối với một người đàn ông ngoài 60 tuổi đang điều hành phòng khám tại một thành phố phía đông bắc nước Pháp chỉ với dân số hơn 100.000 người. Coúe đã khởi xướng lên cái gọi là “Trường phái trị liệu Nancy”. Theo đó, các học viên sử dụng thuật thôi miên để điều trị các chứng bệnh về thể chất và tinh thần.
Sự nhiệt tình của Coúe đối với thuật thôi miên suy yếu khi ông phát hiện ra rằng mình chỉ có thể thôi miên một số ít bệnh nhân. Thay vào đó, ông quyết định chữa cho bệnh nhân bằng cách khiến họ tự thôi miên bản thân. Là một dược sĩ đã quen với giả dược, có hiểu biết cơ bản về tâm lý học, các bài tập tự kỷ học được từ một trường hàm thụ của Mỹ và một chút nghi lễ Công giáo, Coúe đã tạo ra thói quen đơn giản của riêng mình là sử dụng một sợi dây giống như tràng hạt để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.
Trong cuốn sách ăn khách năm 1922 Self Mastery Through Conscious Autosuggestion, Coúe đã viết: “Mỗi buổi sáng trước khi thức dậy và mỗi buổi tối ngay khi bạn đi ngủ, hãy nhắm mắt lại và lặp lại hai mươi lần liên tiếp câu ‘Từng ngày trôi qua, bằng mọi cách, Tôi đang trở nên tốt hơn và tốt hơn’, cùng việc lần giở một sợi dây dài có 20 nút thắt’”.
Coúe gọi đó là tự kỷ ám thị có ý thức. Vào cuối những năm 1910, một trường phái đã phát triển xung quanh ông. Năm 1922, ông vượt qua eo biển Manche đến Anh và được đón nhận bằng hai thái độ.
Tờ Times of London đưa tin mọi cuộc tập trung theo lịch trình xuất hiện của Coúe đều cháy vé từ rất sớm. Nhưng giới trí thức Anh tỏ ra hoài nghi hơn. Tờ New Statesman coi màn tiếp đón xô bồ của Coúe là bằng chứng cho sự hồi sinh của mê tín dị đoan.
Khi Coúe đến thăm khu vực dành cho các nạn nhân bị “sốc đạn pháo” trong chiến tranh tại Bệnh viện Thần kinh Đặc biệt Tooting, ông đã chạm tay vào đôi chân đang run rẩy của một người đàn ông nằm liệt giường và hô vang: “Ca passe ... ca passe” (“Bệnh đang dần đỡ… bệnh đang dần đỡ"). Gần như ngay lập tức, bệnh nhân hét lên một tiếng và nằm vật ra sàn. Cảm xúc mạnh dần lan tỏa, những bệnh nhân khác cười, khóc và chạy xung quanh một cách cuồng loạn.
Tờ New York Times đưa tin: “Tình tiết này nhiều khả năng sẽ khép lại sự nghiệp của giáo sư Coúe với tư cách là một nhà tự kỷ ám thị ở London”.
Tuy nhiên, nước Mỹ lại vẫy gọi ông. Vào ngày 4 tháng 1 năm 1923, Coúe đến Thành phố New York trên con tàu SS Majestic cùng làn sóng chú ý tới ông trên khắp các phương tiện truyền thông.
Ella Boyce Kirk, tác giả của cuốn sách nổi tiếng năm 1922 My Pilgrimage to Coúe đã thuyết trình rộng rãi trước khi Coúe đến về cách người thầy của bà đã chữa khỏi chứng chuột rút mạn tính và liệt ở chân cho bà. “Ông ấy đang dạy cách làm chủ bản thân, một loại sức mạnh đạo đức và tinh thần khiến cuộc sống sẽ không bao giờ như cũ nữa”, bà Kirk bày tỏ.
Khi con tàu của Coúe cập cảng New York, rất đông nhà báo đã ập đến. Nhà báo Mỹ đại diện cho ông Coúe đã chuẩn bị sẵn một thông cáo báo chí, mô tả Coúe là “người khiêm tốn mang một thông điệp hữu ích”.
Tiếp nối thông điệp đó, Coúe đã truyền tải rất nhiều vấn đề về thể chất và tinh thần mà tự kỷ ám thị có thể điều trị. Ông tuyên bố phương pháp của mình “làm giảm khả năng mắc bệnh” và “hỗ trợ về mặt vật chất trong việc chữa lành những khiếm khuyết về tính cách. Tôi muốn thấy nó được giới thiệu trong các trại cải tạo”. (Một doanh nhân giàu có người Mỹ đã cố gắng biến điều đó thành hiện thực bằng cách tặng 2.000 sợi dây 20 nút thắt cho nhà tù San Quentin ở California).
Trong hai tháng tiếp theo, Coúe đã truyền đạt cho hàng nghìn người Mỹ cùng một “bộ sưu tập lời khuyên, thử nghiệm và cách đọc lời khuyên cho bản thân” giống cách ông đã làm ở Anh. Lần này, Coúe đã thành công và nước Mỹ say mê Coúe.
Tạp chí học thuật Current Opinion viết vào tháng 6/1922: “Chủ nghĩa Coúeism đã làm lu mờ phân tâm học và tất cả phương pháp chữa bệnh khác cho con người mới được đưa ra gần đây”.
Ảnh hưởng đến xã hội Mỹ hiện tại
Trong khi những rối loạn Coúe cho là đã chữa khỏi thường chỉ là chứng nói lắp, đầy hơi và ngáp nhiều, khoảng 6.000 người dân New York cả tin vẫn xếp hàng để được Coúe điều trị. Một người đến xem cho biết đã nhìn thấy một người đàn ông đau đớn vì những cơn co giật do thấp khớp lặp đi lặp lại câu thần chú “ngày này qua ngày khác” khi đi bộ dọc Đại lộ số Năm.
Trong suốt năm đó, nỗi ám ảnh về Coúe của Mỹ đã phát triển mạnh mẽ. Nhưng những tuyên bố của ông ngày càng trở nên kỳ quặc hơn. Đến năm 1924, khi thực hiện chuyến công du nước Mỹ lần thứ 2, Coúe tuyên bố rằng tự kỷ ám thị có thể chữa chứng hói đầu và cho phép phụ nữ mang thai lựa chọn giới tính của con mình.
Đến lúc đó, cơn sốt Coúe đã bắt đầu phai nhạt, khi một số người Mỹ theo dõi ông đặt câu hỏi về tính xác thực trong những tuyên bố của Coúe. Đến lúc này Coúe tuyên bố rằng không cần bận tâm đến sợi dây nhiều đốt nữa, mọi người có thể tự khuyến khích bản thân bằng cách chỉ nghe đi nghe lại thông điệp của ông.
Coúe qua đời năm 1926. Một phái đoàn người Mỹ tin theo ông đã đến dự đám tang ở Nancy. Cho đến nay, ý tưởng của Coúe vẫn tồn tại. Dale Carnegie và Norman Vincent Peale đã lặp lại luận điệu của Coúe khi truyền bá tư duy tích cực.
Trong bài viết trên tạp chí O Magazine, Oprah Winfrey đã gửi tới những người theo dõi mình: “Hãy nhìn vào chính mình trong một tấm gương toàn thân. Bây giờ hãy tự khen mình. Vâng, tôi có thể làm được. Lặp lại to những từ đầy sức mạnh đó mỗi sáng và mỗi tối”.