Người đưa chuối tiến vua sang đất Nhật

Đứng giữa Đạ Knàng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng), ý nghĩ về một vùng đất nghèo khó mà trước đó tôi từng mường tượng đã không còn. Bây giờ, trước mắt chúng tôi là một Đạ Knàng đầy tiềm năng với những căn nhà ngày càng khang trang, mơn mởn màu xanh của hoa màu, nổi bật lên là đặc sản chuối Laba.

Không hổ danh là chuối “tiến vua”, với sự nỗ lực hết mình của nông dân nơi đây, loại đặc sản này đã tìm đường sang Nhật Bản để chinh phục thị trường khó tính bậc nhất thế giới.

Để chứng minh đây là loại đặc sản thượng hạng, anh Nguyễn Huy Phương (SN 1974) bẻ ngang những trái chuối chín vàng ươm, vỏ căng mọng, mời khách nếm thử. Ngọt, dẻo, thơm lừng... đến mức hiếm có là điều người thưởng thức cảm nhận được ngay từ miếng cắn đầu tiên. Theo anh Phương, loại chuối này rất dễ trồng, thậm chí vùng nào cũng có thể xuống giống.

Anh Nguyễn Huy Phương kiểm tra các thông số kỹ thuật về chuối từ một con chip.

Tuy nhiên, vùng giáp ranh giữa xã Phú Sơn (huyện Lâm Hà) và Đạ KNàng (huyện Đam Rông) mới cho chất lượng tốt nhất. Chuối được trồng ở đây không chỉ phát triển nhanh, cho trái to, đều mà chất lượng cũng vượt trội do phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu.

Không phải ngẫu nhiên mà loại đặc sản này có cơ hội hiện diện trên thị trường Nhật Bản vài năm trở lại đây. Chuối Laba ở Đạ KNàng đã phải trải qua một quá trình chọn lọc, thỏa mãn hai điều kiện cốt lõi là hình thức đẹp, chất lượng tốt. Đó là một quá trình hết sức khắt khe từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và xuất khẩu dưới sự giám sát chặt chẽ của phía đối tác Nhật Bản.

Anh Nguyễn Huy Phương còn nhớ như in lần tình cờ được người quen ở huyện Lâm Hà mời ăn thử loại chuối “tiến vua”. Hương vị thơm ngon, đậm đà của loại chuối này ngay lập tức đánh thức ý tưởng trồng và kinh doanh chuối Laba ở anh. Đúng thời điểm này giá cà phê xuống rất thấp, thu không đủ chi nên anh Phương bắt tay ngay vào việc trồng thử 15 cây chuối “tiến vua” Laba trên đất cà phê. Hợp thổ nhưỡng, khí hậu, cây chuối trên vùng đất mới nhanh chóng bén rễ, vươn lên mơn mởn trước sự ngạc nhiên của gia chủ.

Thu hoạch, gia đình anh Phương đem một phần tặng những người thân quen ăn thử để đánh giá về chất lượng, nhất là tìm hiểu thị hiếu tiêu thụ của người tiêu dùng. “Ai cũng tấm tắc khen ngon nhưng khi tôi đặt vấn đề chuyển đổi từ cây cà phê sang trồng chuối thì tất cả đều lắc đầu từ chối. Trồng với quy mô lớn thì sẽ bán cho ai, tiêu thụ ở đâu hay lại phải đổ bỏ?..”, người nông dân 47 tuổi này kể lại.

Riêng anh Nguyễn Huy Phương thì có suy nghĩ khác: Chuối ngon, không lo không có nơi tiêu thụ!... Vậy là vợ chồng nông dân này bắt tay vào trồng chuối ngay. 5ha cà phê cho năng suất kém, giá trị kinh tế thấp được gia đình anh Phương trồng xen lẫn chuối và phá bỏ cà phê từ từ khi chuối lớn dần. Trong thời gian chờ chuối cho thu hoạch, gia đình anh Phương vẫn có nguồn thu từ cây cà phê để duy trì sản xuất.

Thế nhưng, mùa chuối đầu tiên được thu hoạch cũng là thời điểm gặp khó về đầu ra, giá cả xuống rất thấp. Nhiều nơi chuối lâm cảnh phải “giải cứu”. Phải đổ bỏ khá nhiều sản phẩm nhưng không hề nản chí, cặp vợ chồng nông dân vùng sâu, vùng xa này vẫn thuê xe chở chuối tới nhiều địa điểm trong và ngoài tỉnh chào bán. Vợ chồng anh Phương cũng tìm hiểu và bắt đầu làm các sản phẩm bánh kẹo hữu cơ từ quả chuối chín. “Một lần, tôi đến chào hàng ở vựa nông sản thì gặp người của công ty chuối xuất khẩu đang tìm hàng đưa đi Nhật Bản. Mọi bước ngoặt bắt đầu từ ngày hôm đó!..”, anh Phương nhớ lại.

Những người trong công ty chuối xuất khẩu có địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh đòi đến thăm vườn của gia đình anh ngay. Tới nơi, đoàn khách phía Nhật ai cũng ngỡ ngàng với trang trại chuối Laba rộng mênh mông, trái to và đều. Trước khi đặt vấn đề hợp tác, phía đối tác Nhật Bản đã kiểm tra rất kỹ các quy trình. “Họ lấy rất nhiều mẫu đất, nước tưới, nước ngầm để kiểm tra. Trong năm đó, họ cứ bay qua, bay về cả mấy lần. Cuối cùng, họ quyết định ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài với chúng tôi!..”, anh Phương chia sẻ.

Theo yêu cầu, ở mỗi gốc chuối, người trồng phải lắp đặt hệ thống chip điện tử để cập nhật các thông tin về quy trình sản xuất cho đối tác theo dõi. Những con chip này sẽ truyền dữ liệu về quá trình sinh trưởng của cây, trái để đối tác nắm bắt và đưa ra sự điều chỉnh cho chủ vườn can thiệp, tạo sản phẩm đúng tiêu chuẩn. Từ thời điểm này, vợ chồng anh Phương không còn đối diện với cảnh thuê xe chở chuối đi khắp nơi giới thiệu, rao bán nữa. Điều họ quan tâm nhất là làm sao để mở rộng sản xuất, ngày càng nâng cao được chất lượng sản phẩm để làm hài lòng thị trường Nhật Bản.

Khi nông sản mang lại thu nhập cao và sự giàu có cho chủ vườn, những người dân trong vùng bắt đầu tìm hiểu và học hỏi. Từ năm 2018 tới nay, gia đình anh Phương đã hỗ trợ nhiều nông dân ở Đạ KNàng xây dựng mô hình trồng chuối để cải thiện nguồn thu nhập. HTX Laba Banana Đạ KNàng do anh Nguyễn Huy Phương thành lập ban đầu chỉ với 7 thành viên, tổng diện tích sản xuất khoảng 50ha.

Chỉ một năm sau đó, số hộ dân tham gia mô hình tăng lên con số gần 50 và hình thành vùng liên kết sản xuất lên đến 165ha. Mỗi tháng, HTX Laba Banana Đạ KNàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản khoảng 120 tấn.

Theo anh Phương, chăm sóc tốt, đúng quy trình, mỗi hecta chuối cho thu hoạch từ 80-125 tấn quả, giúp chủ vườn thu về 250-300 triệu đồng/năm. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, HTX đang đầu tư mở rộng nhà kho, khu vực sơ chế và kho lạnh để bảo quản nông sản. Trong năm nay, hợp tác xã cũng mở rộng liên kết với người dân Đạ KNàng và các xã lân cận để mở rộng vùng sản xuất lên 300ha.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/nguoi-dua-chuoi-tien-vua-sang-dat-nhat-i635887/