Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa
Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.
Chị Cơ chia sẻ: Lúc nhỏ, khi ngồi xem bà ngoại ủ rượu cần, chị mong muốn tự tay làm ra những mẻ rượu cần thơm ngon. Năm 2020, chị xin vào làm lễ tân cho một khách sạn tại TP. Pleiku. Thấy nhiều khách du lịch có nhu cầu mua các sản phẩm đặc sản của người Jrai, Bahnar, trong đó có rượu cần nên chị quyết định tiếp nối nghề truyền thống của gia đình.
Chị Nay Ly Cơ đưa sản phẩm rượu cần tham gia phiên chợ biên giới tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: H.T
Năm 2021, chị Cơ bắt đầu ủ mẻ rượu cần đầu tiên. Do chưa có kinh nghiệm nên mẻ rượu kém nồng và nhạt vị. Vậy là, chị dành thời gian tìm đến những người biết ủ rượu trong làng để học hỏi kinh nghiệm. Từ đó, những mẻ rượu của chị được đánh giá có hương thơm nồng, vị ngọt và đắng nhẹ, được nhiều người đặt mua.
Chị Cơ cho biết: Để rượu cần thơm ngon thì khâu lựa chọn nguyên liệu rất quan trọng. Theo đó, chị chỉ sử dụng gạo tẻ trồng 6 tháng trên rẫy ủ với trấu và men tự nhiên được làm từ rễ cây rừng.
“Tôi đặt mua men được làm từ phương pháp gia truyền tại địa phương. Men rượu có 3 loại: men nồng, men ngọt và men đắng. Cơm sau khi nấu lên để nguội, trộn với men và trấu ủ trong 1 đêm thì bỏ vào ghè. Sau khoảng 1 tháng thì có thể uống được. Song, để rượu ngon và đậm đà hơn thì nên để khoảng 2-4 tháng”-chị Cơ chia sẻ kinh nghiệm.
Chị Nay Ly Cơ đưa sản phẩm rượu cần tham gia phiên chợ biên giới tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: H.T
Để rượu cần của mình được nhiều người biết đến, chị Cơ đến hầu hết các khách sạn, cửa hàng trên địa bàn tỉnh giới thiệu sản phẩm. Mỗi khi địa phương tổ chức sự kiện văn hóa, hội chợ, chị cũng đăng ký tham gia trưng bày sản phẩm rượu cần của mình. Đồng thời, chị đăng lên trang Facebook và Zalo cá nhân để tạo sự lan tỏa. Nhờ thế, khách hàng biết đến sản phẩm rượu cần của chị ngày một nhiều hơn.
Hiện nay, chị còn mở rộng đối tượng khách hàng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Mỗi tháng, chị bán khoảng 20-60 ghè rượu cần, chủ yếu loại 2,5-6 lít.
Chị Ksor H’Krot (xã Ia Trốk, huyện Ia Pa) chia sẻ: “Rượu cần của chị Cơ được làm từ men lá tự nhiên nên thơm, ngon và đảm bảo an toàn. Mỗi khi nhà có việc quan trọng, tôi đều mua để sử dụng”.
Còn anh Phạm Văn Hướng (352 Võ Văn Kiệt, phường Yên Thế, TP. Pleiku) thì cho hay: “Tôi biết đến rượu cần của chị Cơ khi sản phẩm được trưng bày trong một hội chợ tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. Rượu cần của chị nấu rất thơm, có vị đặc trưng. Từ đó, tôi thường mua về đãi khách và làm quà tặng”.
Chị Cơ cho biết thêm: Hiện tại, chị đã gửi hồ sơ, mẫu sản phẩm đến Phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện năm 2024. “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục học hỏi thêm người lớn tuổi trong làng về cách làm men lá tự nhiên để sau này tiện cho việc nấu rượu”-chị Cơ bày tỏ.
Trao đổi với P.V, chị Trương Thị Ngọc Tuyết-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Đoàn Kết-cho hay: “Chị Nay Ly Cơ là người trẻ tuổi nhất trong phường còn duy trì nghề làm rượu cần truyền thống. Nhờ biết cách quảng bá sản phẩm trên Facebook, Zalo và trưng bày tại các hội chợ, chị Cơ đã góp phần đưa sản phẩm rượu cần của dân tộc mình bay xa”.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nguoi-dua-huong-ruou-can-truyen-thong-bay-xa-post299796.html