Người đưa lúa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của Mường Lát

Là người con của quê hương Mường Lát, để những 'hạt ngọc' của địa phương có chỗ đứng trên thị trường, vợ chồng đoàn viên Lương Thị Nồng - Lò Văn Liêm (dân tộc Thái) đã thành lập HTX Nông lâm Chung Thành và xây dựng thành công lúa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của huyện Mường Lát.

Lúa nếp Cay Nọi được trồng tại xã Quang Chiểu.

Lúa nếp Cay Nọi được trồng tại xã Quang Chiểu.

Đặc sản gạo nếp Cay Nọi của huyện Mường Lát đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên được huyện Mường Lát lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP. Trao đổi với chúng tôi, chị Lương Thị Nồng, Giám đốc HTX Nông lâm Chung Thành, cho biết: Lúa nếp Cay Nọi chỉ canh tác duy nhất 1 vụ trong năm, được trồng trên nương rẫy, ruộng bậc thang với thời gian hơn 5 tháng và được canh tác theo phương pháp thủ công truyền thống từ khâu làm mạ, cấy lúa cho đến khi thu hoạch. Thời gian từ khi gieo mạ đến khi cấy cũng kéo dài gần 30 ngày, trong khi đó các giống lúa thông thường chỉ gieo mạ khoảng hơn 20 ngày. Theo kinh nghiệm của bà con, mạ càng già cây lúa sẽ càng cứng cáp, lúa chắc hạt, càng dẻo, càng thơm. Sau khi thu hoạch, bà con sẽ giữ lại một phần để dùng trong bữa ăn thường ngày hoặc sử dụng trong các dịp lễ, tết; còn lại được bán cho thương lái.

Để sản phẩm nông nghiệp truyền thống của địa phương luôn được ổn định đầu ra trên thị trường và trở thành thương hiệu của huyện Mường Lát, năm 2022, HTX Nông lâm Chung Thành đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Lát triển khai mô hình phát triển sản xuất sản phẩm OCOP lúa nếp Cay Nọi tại bản Pùng trên diện tích 50ha, với hơn 200 hộ dân bản địa tham gia.

Đây là mô hình đã tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện; đồng thời mở ra hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Mô hình cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản...

Chị Lương Thị Nồng, cho biết: Vụ lúa năm 2023, HTX Nông lâm Chung Thành đã thu mua được nhiều hơn mọi năm với khoảng hơn 200 tấn, bảo đảm ổn định đầu ra cho bà con nông dân. Gạo nếp Cay Nọi sản xuất ra đến đâu, được tiêu thụ hết ngay trong ngày, chủ yếu là các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các đầu mối lớn ở các vùng miền ngoài tỉnh như Hòa Bình, Ninh Bình. Do tuân thủ các quy trình về kỹ thuật, nên năng suất lúa bình quân vụ mùa các năm 2022, 2023 bà con trồng lúa đều thu lợi nhuận từ 3 - 3,5 triệu đồng/sào/vụ, tương đương 70 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn hẳn các loại cây trồng bản địa.

Dự kiến, vụ thu hoạch lúa năm 2024, HTX Nông lâm Chung Thành tiếp tục thu mua với số lượng lớn hơn mọi năm nếu sản lượng thu hoạch của bà con tiếp tục đạt năng suất cao.

Hiện nay, huyện Mường Lát có khoảng 800ha lúa nước, trong đó, diện tích gieo cấy lúa nếp Cay Nọi đạt khoảng 600ha, trồng nhiều nhất ở 2 xã Quang Chiểu, Mường Chanh và thị trấn Mường Lát. Năng suất vụ lúa này ước đạt khoảng gần 50 tạ/1ha. Để sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Mường Lát tiếp tục được mở rộng, bảo đảm nguồn cung cho thị trường, huyện đã và đang tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương hỗ trợ người dân xây dựng “Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Cay Nọi an toàn” nhằm giúp sản phẩm gạo Cay Nọi có giá trị cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng và giá bán ổn định hơn.

Bài và ảnh: Lưu Kiệt

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-dua-lua-nep-cay-noi-tro-thanh-san-pham-ocop-dau-tien-cua-muong-lat-32575.htm