Người Đức chia rẽ sau khi đoạn tuyệt với năng lượng hạt nhân
Việc chính phủ tuyên bố đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào hôm 15/4 gây ra những phản ứng trái chiều trên khắp nước Đức.
Cổng Brandenburg của thành phố Berlin, Đức hôm 15/4 chứng kiến cảnh tượng trái ngược.
Ở một bên, các nhà hoạt động chống hạt nhân ăn mừng chiến thắng sau trận chiến kéo dài 60 năm.
Phía bên kia, các cuộc biểu tình diễn ra khi những người biểu tình tuần hành phản đối việc nước này vào hôm 15/4 đã đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng còn lại là Emsland, Isar 2 và Neckarwestheim.
Cảnh tượng tại Cổng Brandenburg khi ấy phản ánh thực tế rằng năng lượng hạt nhân là một “đường đứt gãy” ý thức hệ ngăn cách đất nước, theo BBC. Đó là vấn đề gây chia rẽ không kém những vấn đề khác.
Những người muốn chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân tin rằng công nghệ này không bền vững, nhiều rủi ro và làm chậm bước tiến đến năng lượng sạch.
Nhưng với những người khác, đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân là quyết định thiển cận bởi điện hạt nhân là nguồn năng lượng ít phát thải carbon mà nhân loại rất cần để hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, theo CNN. Một số người cũng cảnh báo rủi ro đối với an ninh năng lượng của đất nước.
Tranh cãi
Các nhà bình luận và chính trị gia bảo thủ nói rằng Đức đang bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của đảng Xanh - chú trọng loại bỏ năng lượng hạt nhân trong nước ngay vào thời điểm mà việc cắt giảm năng lượng từ Nga đồng nghĩa với việc giá cả tăng.
Họ cáo buộc chính phủ ngày càng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch thay vì sử dụng hạt nhân, vốn có lượng khí thải thấp hơn.
"Đó là một ngày đen tối đối với việc bảo vệ khí hậu ở Đức", Jens Spahn, nghị sĩ CDU bảo thủ, nói trên đài truyền hình RTL vào đầu tuần này.
Trong khi đó, những người ủng hộ đảng Xanh và cánh tả cho rằng việc bám vào năng lượng hạt nhân - vốn đắt hơn năng lượng gió hoặc Mặt Trời - là điều phi lý. Chính phủ lập luận việc duy trì hoạt động của 3 nhà máy điện nguyên tử cũ kỹ sẽ cần khoản đầu tư lớn. Các khoản tiền này nên được chuyển vào nguồn năng lượng tái tạo.
Các nghị sĩ đảng Xanh nói thêm thật kỳ lạ khi CDU đột nhiên ủng hộ bảo vệ khí hậu, vì phe bảo thủ thường xuyên ngăn chặn các biện pháp mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo.
Và trớ trêu thay, ban đầu, chính chính quyền do phe bảo thủ lãnh đạo dưới thời bà Angela Merkel đã quyết định loại bỏ dần năng lượng nguyên tử sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011.
Quyết định của bà được các cử tri ủng hộ, xuất phát từ thái độ chống hạt nhân lan rộng do thảm họa gây ra. Một số người cũng cho rằng các cuộc bầu cử khu vực quan trọng sát thời điểm đó có thể đã ảnh hưởng đến quyết định của bà.
Ricarda Lang, người đứng đầu nhóm nghị sĩ đảng Xanh, đã viết trên Twitter rằng sự kết thúc của năng lượng hạt nhân "đánh dấu một bước tiến dứt khoát vào thời đại năng lượng tái tạo".
"Tạm biệt năng lượng hạt nhân! Tạm biệt chính sách năng lượng không an toàn, ô uế, phi kinh tế", DW dẫn bài đăng của nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội (SPD).
Một bài đăng khác cho thấy hình ảnh tháp làm mát của nhà máy điện hạt nhân đang sụp đổ.
Trong khi đó, nhóm nghị sĩ của đảng Dân chủ Tự do (FDP) tuyên bố trên Twitter rằng họ không hài lòng với việc từ bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân.
Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, người đứng đầu đảng FDP đã viết trên Twitter rằng mặc dù tương lai là năng lượng tái tạo, “trong thời gian chờ đợi, chúng ta phải đảm bảo nguồn cung của mình cho đến khi có đủ công suất”.
Cử tri chia rẽ
Cử tri Đức đang bị chia rẽ. Theo cuộc thăm dò của ARD-DeutschlandTrend vào tuần này, 59% người Đức phản đối việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân, chỉ 34% ủng hộ.
Tuy nhiên, những câu hỏi chi tiết hơn cho thấy một bức tranh nhiều sắc thái. Trong một cuộc thăm dò của YouGov từ đầu tuần này, 65% người ủng hộ việc duy trì hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng. Nhưng chỉ có 33% muốn Đức giữ năng lượng hạt nhân vô thời hạn.
“Tôi nghĩ rằng sự ủng hộ này được nuôi dưỡng bởi nỗi sợ rằng tình hình nguồn cung đang không an toàn”, nhà phân tích Peter Matuschek của Forsa nói với hãng tin Reuters.
Hiện nay, Đức nhận được gần một nửa lượng điện từ năng lượng tái tạo - 44% vào năm 2022, trong khi chỉ 6% từ năng lượng nguyên tử, theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck dự đoán 80% điện năng của Đức sẽ được tái tạo vào năm 2030. Ông đang thúc đẩy thông qua luật để giúp xây dựng các trang trại năng lượng Mặt Trời và gió nhanh hơn, dễ dàng hơn.
Nhưng trong năm qua, tỷ lệ năng lượng tái tạo đã chững lại trong khi lượng khí thải CO2 tăng lên, do Đức buộc phải nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và sử dụng nhiều than hơn, thay vì khí đốt của Nga.
Điều này thậm chí khiến một số cử tri Xanh và các nhà hoạt động chống hạt nhân ủng hộ việc tạm thời kéo dài tuổi thọ của 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng.
Trong bối cảnh đó, trong bài báo đăng trên tờ Der Tagesspiegel hôm 14/4, Bộ trưởng Môi trường Steffi Lemke, thuộc đảng Xanh, đã viết rằng Đức ngừng hoạt động hạt nhân vì những tai nạn thảm khốc không bao giờ có thể loại trừ được, "cho dù đó là lỗi của con người như Chernobyl, thiên tai như Fukushima... hay các cuộc tấn công".
Bà lập luận rằng Đức không cần hạt nhân vì năng lượng tái tạo an toàn hơn, bền vững hơn, tốt hơn cho khí hậu và có ý nghĩa kinh tế hơn.
Các nhà lãnh đạo đảng Xanh nhấn mạnh bất chấp dự đoán về tình trạng thiếu hụt và mất điện, Đức sản xuất nhiều năng lượng hơn mức cần thiết, thậm chí trong mùa hè còn xuất khẩu năng lượng sang Pháp - nơi các nhà máy điện hạt nhân không thể hoạt động do thời tiết khắc nghiệt.
Vào hôm 13/4, nhà lãnh đạo bảo thủ, Thủ hiến bang Bavaria Markus Söder, đã đến thăm Isar 2 và kêu gọi Đức không chỉ duy trì hoạt động của 3 lò phản ứng cuối cùng, mà còn kích hoạt lại các nhà máy điện cũ - bao gồm một nhà máy điện đã đóng cửa ở Bavaria.
Trong khi đó, ông Christian Lindner, người đứng đầu đảng FDP - nằm trong liên minh cầm quyền 3 bên của Thủ tướng Olaf Scholz - tuần này một lần nữa chống lại tuyên bố của chính phủ và kêu gọi 3 nhà máy điện tiếp tục hoạt động dự trữ.
Đảng Xanh, bắt nguồn từ phong trào chống hạt nhân của những năm 1970, sẽ tổ chức lễ kỷ niệm vào cuối tuần này. Nhưng đảng này nhận ra đối thủ chính trị có thể sẵn sàng đổ lỗi cho họ về bất kỳ sự thiếu hụt năng lượng nào trong tương lai, hoặc khi giá cả tăng cao và các mục tiêu CO2 bị bỏ lỡ.
Năng lượng nguyên tử của Đức sẽ không còn nữa. Nhưng về mặt chính trị, vấn đề hạt nhân vẫn bùng nổ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-duc-chia-re-sau-khi-tu-gia-dien-hat-nhan-post1422621.html