Người đứng đầu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu ban hành văn bản trái pháp luật

Theo dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể bị xử lý theo quy định của Đảng, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu ban hành văn bản trái pháp luật.

Theo Bộ Tư pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hiện hành đã có quy định về trách nhiệm của các chủ thể trong công tác xây dựng pháp luật, nhưng các quy định này còn rải rác và chưa thực sự rõ ràng. Các quy định về xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật, cũng như việc không kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật và khắc phục hậu quả do áp dụng văn bản trái pháp luật gây ra cũng chưa được quy định cụ thể, đầy đủ.

Do đó, tại lần sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL này, Chính phủ trình Quốc hội phương án quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ thể, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong xây dựng và thi hành pháp luật; bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua.

Đáng chú ý, tại Khoản 10, Điều 68 dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) quy định người đứng đầu của cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong ban hành, thực thi văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong ban hành, thực thi văn bản quy phạm pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng chậm tiến độ trình văn bản hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; trình hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ; chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp đã giao cấp phó của mình chịu trách nhiệm trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật, trừ trường hợp có quy định được loại trừ trách nhiệm.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức đồng thời phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cơ quan, đơn vị, tổ chức mình. Kết quả thực hiện là căn cứ để đánh giá, xét thi đua khen thưởng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu có thể bị xử lý theo quy định của Đảng, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dự thảo Luật sửa đổi cũng quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu đã kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo dự kiến, ngày 5/2, Phiên họp thứ 42 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi). Luật nếu được thông qua sẽ tác động rất lớn đến việc đổi mới tư duy xây dựng và thi hành pháp luật theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, phục vụ phát triển nền kinh tế của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Thế Đoàn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phap-luat/nguoi-dung-dau-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-neu-ban-hanh-van-ban-trai-phap-luat-20250203175713318.htm