Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu đề xuất, ban hành văn bản trái pháp luật

Theo quy định tại Điều 68, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sửa đổi, người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tình trạng chậm tiến độ trình hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu có thể bị xử lý theo quy định của Đảng, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi quy định rất cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong ban hành, thực thi văn bản QPPL, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi quy định rất cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong ban hành, thực thi văn bản QPPL, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

“Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”

Luật Ban hành VBQPPL hiện hành đã có quy định về trách nhiệm của các chủ thể trong công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, các quy định này còn rải rác và chưa thực sự rõ ràng. Các quy định về xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật, cũng như việc không kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật và khắc phục hậu quả do áp dụng văn bản trái pháp luật gây ra chưa cụ thể, chưa đầy đủ.

Thực tiễn thi hành pháp luật ở Việt Nam trong những năm qua cho thấy tình trạng pháp luật không được thi hành nghiêm chỉnh diễn ra khá phổ biến trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên là do các VBQPPL chưa xác định rõ các hoạt động nào thuộc về tổ chức thi hành pháp luật và quy định trách nhiệm nghĩa vụ thực hiện cho các chủ thể. Do đó, dẫn đến việc thực hiện công tác tổ chức thi hành pháp luật chưa đạt hiệu quả, nhiều khi còn mang tính hình thức.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, tại Tờ trình về Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi, Chính phủ nhận định, việc xác định cụ thể các hoạt động nào thuộc về tổ chức thi hành VBQPPL và trách nhiệm thực hiện là điều cần thiết trong tổ chức thi hành VBQPPL. Minh bạch hóa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong ban hành, thực thi VBQPPL sẽ nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành VBQPPL.

Do đó, tại lần sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL này, Chính phủ đề xuất phương án quy định cụ thể về trách nhiệm của các các chủ thể trong xây dựng, thi hành pháp luật, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chỉ đạo của đảng, nhà nước trong thời gian qua.

Trách nhiệm rất lớn của người đứng đầu

Điều 68, Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi quy định:

Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể việc hỗ trợ đại biểu Quốc hội xây dựng chính sách, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Cơ quan chủ trì thẩm định, thẩm tra, cơ quan được tham vấn chính sách được quyền thuê chuyên gia, tổ chức điều tra, khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm để hỗ trợ, nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra, ý kiến tham vấn.

Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về tiến độ trình và chất lượng dự thảo văn bản do mình trình.

Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình hoặc cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ban hành văn bản về tiến độ soạn thảo, chất lượng dự thảo văn bản được phân công soạn thảo; chịu trách nhiệm về việc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, truyền thông, tham vấn chính sách, phản biện, thẩm định, thẩm tra.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân được đề nghị tham vấn chính sách, tham gia góp ý về chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về nội dung và thời hạn tham vấn chính sách, tham gia góp ý.

Cơ quan thẩm định, thẩm tra chịu trách nhiệm trước cơ quan, người có thẩm quyền về kết quả thẩm định chính sách, thẩm định, thẩm tra dự án văn bản quy phạm pháp luật.

Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cơ quan khác, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về chất lượng văn bản do mình ban hành.

Cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

Cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Đặc biệt, khoản 10, Điều 68 dự thảo Luật quy định người đứng đầu của cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng chậm tiến độ trình văn bản hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; trình hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ; chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp đã giao cấp phó của mình chịu trách nhiệm trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật, trừ trường hợp có quy định được loại trừ trách nhiệm.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức đồng thời phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cơ quan, đơn vị, tổ chức mình. Kết quả thực hiện là căn cứ để đánh giá, xét thi đua khen thưởng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu có thể bị xử lý theo quy định của Đảng, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đáng chú ý, dự thảo Luật sửa đổi quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức và công chức được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu đã kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật”.

Theo Chương trình dự kiến, ngày 5/2, Phiên họp thứ 42 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi.

Quang Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguoi-dung-dau-phai-chiu-trach-nhiem-neu-de-xuat-ban-hanh-van-ban-trai-phap-luat-post538901.html