Người dùng mong muốn đồng kiểm, nhà bán hàng nói gì?
Trên thực tế, dịch vụ đồng kiểm được áp dụng khá phổ biến trong môi trường kinh doanh online, trong điều kiện người bán với người mua có thỏa thuận kiểm hàng. Tuy nhiên, khi có thông tin người mua hàng thương mại điện tử (TMĐT) mong muốn đồng kiểm, cộng đồng người bán hàng có nhiều phản ứng khác nhau.
Khi nhận hàng online, có rất nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết như sản phẩm không đúng mẫu mã, không giống tính năng mô tả, hỏng hóc… Hiện nay, các sàn TMĐT đều có chính sách kiểm tra sau khi nhận hàng, người mua cần quay video mở hàng làm bằng chứng nếu có vấn đề xảy ra. Tuy nhiên, quy trình này cần nhiều thao tác, cũng không tránh khỏi những bất cập trong khâu hoàn trả hàng về người bán. Vì vậy, đồng kiểm, hiểu cách khác là xem và trả hàng tại chỗ, được xem là động thái nâng cao quyền lợi người tiêu dùng, tiếp tục rút ngắn và đơn giản hóa quy trình đổi trả hàng.
Đứng trước thông tin này, một số nhà bán hàng kinh nghiệm trên sàn TMĐT cho rằng, chính sách đồng kiểm cần linh hoạt và nên cho phép người bán có quyền tùy chọn, được bật tính năng này hoặc không tùy vào phân loại hàng hóa. Khá nhiều người đồng tình với quan điểm này và cho rằng các nhóm sản phẩm như quần áo rất dễ đồng kiểm nhưng sẽ khó khăn với một số mặt hàng đóng gói phức tạp.
Ở góc nhìn khác, nhiều người bán chia sẻ việc không cho đồng kiểm khiến nhiều khách hàng của họ cảm thấy không thoải mái và dẫn đến tỉ lệ hoàn trả hàng cao. Đây cũng là nhóm ủng hộ chính sách đồng kiểm trên diện rộng. “Trước giờ shop mình đã chủ động cho khách kiểm hàng. Khách vui vẻ hơn khi nhận hàng, tỉ lệ hoàn hàng giảm đáng kể, tăng cường uy tín và độ yêu thích với gian hàng. Vậy nên với mình nếu sàn TMĐT thực hiện chính sách đồng kiểm thì sẽ là một tín hiệu tích cực”, người bán Nhật Thu cho hay.
“Các shop bán hàng uy tín đều không muốn xảy ra các tranh chấp về đơn hàng và bị đánh giá thấp trên các sàn TMĐT nên họ luôn cố gắng cung cấp dịch vụ tốt nhất. Vậy nên tôi không nghĩ đồng kiểm là một rào cản, ngược lại sẽ giúp ích nhiều cho người bán nếu được kiểm soát tốt”, người bán Ngọc Quỳnh kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em cho biết.
Những phản hồi và bình luận từ góc nhìn thực tiễn của cộng đồng người bán hàng sẽ tác động đến việc áp dụng đồng kiểm trong tương lai. Bởi suy cho cùng, lăng kính của nhà bán hàng cũng chính là lăng kính của chính người mua hàng. Vấn đề còn lại là các sàn TMĐT có thực sự lắng nghe, cân nhắc và đảm bảo tối đa quyền lợi cho cả hai phía, người mua và người bán thông qua chính sách đồng kiểm hay không?